11/07/2025 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, thể thao TP.HCM đã mạnh nay được kỳ vọng sẽ vươn lên đứng đầu cả nước về thành tích và khôi phục lại vị thế tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từ năng lực đăng cai các sự kiện quốc tế cho đến hoạt động kinh tế thể thao. Riêng có lĩnh vực bóng đá, lại có những sự lạc quan trong e dè.
1. Đúng thời điểm này, tròn 30 năm trước, Công an TP.HCM đăng quang trong một trận chung kết, ở một mùa giải được xem là hay nhất, kịch tính nhất, nhiều biến cố nhất của lịch sử giải vô địch quốc gia Việt Nam. Chiến thắng 3-1 của Công an TP.HCM trước Thừa Thiên Huế trên sân Thống Nhất cũng giúp họ hoàn thành cú hat-trick cho bóng đá TP.HCM, khi trở thành đội bóng thứ 3 của thành phố vô địch quốc gia sau Cảng Sài Gòn (các năm 1986, 1994) và Hải Quan (1991).
Đó là thời kỳ hoàng kim của bóng đá TP.HCM, khi có 3 đội chơi ở hạng cao nhất và giành 4 chức vô địch trong vòng 6 mùa giải. Những lứa cầu thủ từ trường Năng Khiếu Nghiệp Vụ TP.HCM khi đó ra trường là phải đắn đo tìm chỗ đầu quân khi các đội bóng đều rất mạnh, có truyền thống và bản sắc riêng.
Nói đến Hải Quan là lối chơi 3 hậu vệ, phòng thủ phản công. Cảng Sài Gòn gắn liền với kiểu đá nhuyễn – nhỏ, kỹ thuật. Riêng Công an TP.HCM là đội được đánh giá cao về phong cách hiện đại, đá trực diện với nền tảng tốc độ. Những cầu thủ năng khiếu thường căn cứ vào bản sắc của các đội bóng để xem có phù hợp với thế mạnh của mình hay không, mà chọn đầu quân.
Cũng vì thế, chung thành phố nhưng mỗi CLB lại có lượng CĐV riêng, thậm chí là khác biệt về độ tuổi, thành phần và cả… giới tính. Cảng Sài Gòn có lượng fan đông nhất, chủ yếu là lớp trung niên, những người từng xem cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang chơi bóng khi còn là cầu thủ của miền Nam trước đây, tập trung ở các quận trung tâm Sài Gòn.
Trong khi đó, đội Công an TP.HCM với những cầu thủ vừa cao lớn, vừa trẻ trung, lại chơi thiên về tấn công tốc độ nên thu hút khá đông các CĐV trẻ tuổi, thế hệ của "Làn sóng xanh"…
Những Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Liêm Thanh, Hứa Hiền Vinh… trở thành các ngôi sao không chỉ của bóng đá mà còn mang yếu tố giải trí. Và cũng thời điểm đó, mới có chuyện tình bóng đá – showbiz đầu tiên giữa tiền đạo Trần Minh Chiến và diễn viên Việt Trinh…
Nhắc lại không chỉ vì đó là giai đoạn cực thịnh của bóng đá TP.HCM mà còn để nhớ về dòng chảy cuồn cuộn mang đậm hơi thở thời đại của làng cầu này. Họ không chỉ mạnh trên sân mà còn là tạo ra tầm ảnh hưởng đến đời sống cư dân thành phố lúc đó.
Những trận derby của thành phố thực sự "khét lẹt". Cạnh tranh giữa các đội quyết liệt đến mức các nhóm CĐV phải "xí chỗ" trên 4 khán đài sân Thống Nhất. Đại loại như B là của Cảng, A của Công an TP.HCM hay D là của Hải Quan.
Nói cách khác, sự hưng thịnh của bóng đá TP.HCM thời điểm đó không chỉ đơn thuần là thành tích, là các trận đấu. Hàng loạt giá trị của một nền bóng đá chuyên nghiệp đã được giới thiệu với công chúng trong giai đoạn này.
Sau sáp nhập, về lý thuyết LĐBĐ TP.HCM đang quản lý 2 đội V-League là CLB TP.HCM (trái) và CLB B.Bình Dương (phải). Ảnh: Tuấn Phạm
Sự kết nối với CĐV, yếu tố cạnh tranh màu cờ sắc áo, bản sắc chiến thuật, vai trò của các ngôi sao và đặc biệt là ý nghĩa thiết thực của xã hội hóa thể thao. Tại TP.HCM lúc đó, bóng đá thực sự làm ra tiền nhờ khán giả và hiệu ứng xã hội đi kèm.
Người ta thậm chí còn ví von là "đầu não" của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khi đó nằm trong khuôn viên sân Thống Nhất, tức là nơi đặt văn phòng của VFF. Đơn giản là những lãnh đạo của VFF khi đó, phần lớn làm việc ở phía Nam. Họ "sống" trong bầu không khí sôi động, đầy chất bóng đá của TP.HCM, và nhờ thế mà hàng loạt cuộc thay đổi của làng cầu Việt được hình thành: Từ Cúp Độc Lập năm 1995 đến sự xuất hiện của các thương hiệu trên áo thi đấu cầu thủ, để rồi V-League ra đời năm 2001 đến từ cái bắt tay của VFF với một doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở TP.HCM.
2. Vì thế, thông tin về việc CLB TP.HCM sẽ chuyển đổi đơn vị chủ quản cũng như lấy lại một cái tên của thời hoàng kim, có thể sẽ làm những người yêu bóng đá thành phố cảm thấy vui mừng. Việc chuyển giao này có trở thành hiện thực hay không thì còn phải chờ, nhưng chí ít, đó là sự chuyển động cần thiết đối với bóng đá TP.HCM lúc này.
Sau sáp nhập, về lý thuyết Liên đoàn bóng đá TP.HCM đang quản lý đến 6 CLB được xếp vào hạng chuyên nghiệp, bao gồm 2 đội V-League là B.Bình Dương và TP.HCM, cùng 4 đội hạng Nhất là Trẻ TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Gia Định và ĐH Văn Hiến. Tuy có vẻ đông đảo, nhưng thực chất các con số này không nói lên được gì. So sánh với 30 năm trước, chắc chắn là khập khiễng.
Đã vài lần bóng đá TP.HCM cũng tăng số lượng CLB nhưng chưa bao giờ, làng cầu này có được danh phận như trước đây, chưa nói đến những giá trị đẹp đẽ từng có thời 1991-1997. Chính vì thế, người ta tin rằng, điều mà bóng đá TP.HCM cần làm bây giờ không phải là tìm kiếm thành tích mà phải khôi phục được những giá trị cũ.
Vinh quang đã ở quá xa, suốt từ năm 2002 đến nay vẫn chưa thể vô địch, có muộn thêm vài năm có lẽ cũng không phải là vấn đề. Hơn nữa, khi cán cân của bóng đá Việt Nam đang nghiêng hẳn về phía Bắc, thì TP.HCM có muốn vội cũng không được. Khơi gợi các giá trị cũ, xây dựng lại niềm tin nơi người hâm mộ, điều đó gần hơn, thiết thực hơn và cũng cấp bách hơn.
Trên thực tế, dù mới có thêm đội B.Bình Dương, nhưng chính cựu vô địch này đang cần được chia lửa. Kể từ lần cuối vô địch V-League, B.Bình Dương cũng nỗ lực trở lại đỉnh cao nhưng rất vất vả.
Không phải cứ thuộc về TP.HCM thì đội bóng này sẽ tự nhiên mạnh hơn. Họ cần một đối trọng ngay tại địa phương, một người đồng hành có tiềm lực, chứ không phải là áp lực đem đến thành công cho thành phố mới. Nói cách khác, cần có những "cặp" Cảng Sài Gòn-Công an TP.HCM như ngày nào.
Sự trở lại của Công an Hà Nội tại sân chơi chuyên nghiệp sau gần 2 thập niên vắng bóng và tái tạo lại những cuộc cạnh tranh của bóng đá Hà Nội cho thấy bóng đá TP.HCM cũng có con đường để hồi sinh sức mạnh cũ.
Rất khó trông đợi vào các đội đang chơi ở giải hạng Nhất vốn có ít khả năng tồn tại, thế nên việc cải tổ CLB TP.HCM là mục tiêu mà những nhà quản lý bóng đá thành phố cần tập trung. Đã 10 năm tính từ lúc thăng hạng, đội bóng này đang đi vào một lộ trình thất bại với 3 mùa giải liên tiếp phải tranh đấu để trụ hạng, đi kèm sự bất ổn về thượng tầng quản lý.
CLB TP.HCM sẽ được chuyển giao, đổi sang cái tên nào không quan trọng. Vấn đề là sân Thống Nhất vẫn phải có một đội chủ nhà đáng tin cậy, cần có lại bầu không khí bóng đá thực thụ.
Sẽ thật đáng tiếc nếu như người hâm mộ ở trung tâm lại cuối tuần kéo nhau đến sân Gò Đậu để xem B.Bình Dương chơi bóng và gánh vác trách nhiệm phục hưng làng cầu TP.HCM.
Với quy mô dân số hơn 14 triệu người, TP.HCM mới không chỉ là siêu đô thị lớn nhất cả nước mà còn là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, môi trường đầu tư thuận lợi đã biến nơi đây thành điểm đến chiến lược cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định TP.HCM là trung tâm phát triển mang tầm khu vực và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo TS. Cao Văn Chóng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, việc tái cấu trúc địa giới hành chính không chỉ mang tính quản lý mà còn mang đến sức mạnh tổng hợp cho thể thao thành phố: "Chúng tôi tin rằng TP.HCM mới sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước đến sinh sống, học tập, làm việc. Cộng đồng cư dân đa dạng về văn hóa, bản sắc phong phú sẽ tạo nên một môi trường lý tưởng để thể thao phát triển toàn diện" .
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất