Hoàn tất sáp nhập địa phương: Cơ hội nào cho thể thao?

01/07/2025 05:52 GMT+7 | Thể thao

Việt Nam chính thức chỉ còn 34 tỉnh-thành, cùng với đó là số lượng đơn vị hành chính cấp xã-phường cũng giảm đáng kể. Về lý thuyết, ngành thể thao là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng nhất của quá trình điều chỉnh địa giới hành chính do đặc thù và tiến trình xã hội hóa mạnh mẽ. Nhưng liệu việc giảm số địa phương có tạo ra cơ hội cho thể thao?

Cơ hội dễ nhận thấy nhất và có thể khai thác tức thời của thể thao địa phương sau sáp nhập, đó là nguồn nhân lực. Các tỉnh-thành mới hiện đã tăng quy mô dân số, thấp nhất cũng hơn 1,5 triệu người. Với các địa phương có nội lực về thể thao, thì bình quân dân số cũng khoảng 3-5 triệu người. Điều này đồng nghĩa với "đầu vào" cho thể thao đỉnh cao phong phú hơn, tạo điều kiện cho việc xây dựng các môn thể thao trọng điểm.

Thực tế cho thấy, một tỉnh có chưa đến 1 triệu dân thì rất khó để quy hoạch thể thao dài hạn. Thông thường, địa phương ít dân thì cũng thường… nghèo, biến động dân cư rất lớn do người dân có xu hướng đi làm ăn xa. Người làm thể thao có muốn xây dựng phong trào cũng vất vả, chưa nói đến việc tuyển trạch, phát hiện tài năng rồi tập trung đào tạo số lượng lớn. Việc sáp nhập địa phương sẽ giải quyết được bài toán này.

Ví dụ như TP.HCM, nguồn VĐV trước đây chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây hoặc dân nhập cư. Nay có thêm Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu vốn đã có dân cư đông trước đó, thì việc của thể thao TP.HCM (mới) là lên kế hoạch khai thác tối đa nguồn lực tại chỗ, chẳng còn phải đi xa để tuyển người và tốn thêm chi phí vận động.

Với TP.HCM đã như vậy, thì nhiều tỉnh "nhỏ' trước đây, nay sáp nhập sẽ khác hẳn. Đơn cử các môn tập thể như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ… thường chỉ phát triển ở nơi có dân cư đông. Phổ biến như bóng đá, thực tế cũng chỉ có 25-30 tỉnh-thành là đội bóng chuyên nghiệp. Như vậy, sau sáp nhập, số lượng các đội bóng ở nhiều môn sẽ có thể tăng lên. Đơn cử như những "vùng trắng" thể thao tập thể như Quảng Ngãi-Kon Tum; Lâm Đồng-Bình Thuận-Đắk Nông, Quảng Trị-Quảng Bình…

Hoàn tất sáp nhập địa phương: Cơ hội nào cho thể thao? - Ảnh 1.

Tỉnh Ninh Bình sau khi sáp nhập sẽ có nền tảng rất hùng mạnh cả về bóng đá nam (Ninh Bình, Nam Định) cũng như bóng đá nữ (Hà Nam). Ảnh: Minh Hoàng

Thực tế mà nói, nguồn nhân lực không chỉ là cơ hội lớn nhất mà thậm chí, là cơ hội dễ nhìn thấy duy nhất đối với những người làm thể thao của Việt Nam hiện nay. Quá trình sáp nhập tỉnh-thành đã xong, nhưng để chuyển hóa các nguồn lực sau sát nhập về kinh tế, xã hội thành động lực cho lĩnh vực thể thao thì khó mà cụ thể trong thời gian ngắn, thậm chí cũng chưa chắc mọi thứ đã thay đổi tốt hơn so với trước. Có thể diện tích đất dành cho thể thao sẽ tăng, nhưng bài toán kinh phí thì vẫn còn đó. Chưa kể địa phương mới còn có nhiều việc phải làm, phải ưu tiên.

Nhưng rõ ràng, sự gia tăng dân số cơ học sẽ tạo điều kiện cho việc quy hoạch, định hướng lại toàn bộ ngành thể thao. Thể thao Việt Nam đang ở giữa cuộc khủng hoảng nhỏ về tuyến kế thừa, nguyên nhân lớn nhất vẫn là khâu đầu vào không đông đảo.

Sự gia tăng dân số cũng sẽ thúc đẩy việc đầu tư cho cơ sở vật chất của những địa phương mới sáp nhập nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như sự cân bằng trong đầu tư của ngân sách địa phương. Trước dân cư quá ít, cũng khó bàn chuyện thi thố với tỉnh-thành bạn. Nay quy mô đã tăng, có nơi còn nhiều hơn những địa phương không sát nhập, thì không có lý do gì để trì hoãn.

Với thể thao Việt Nam nói chung, rõ ràng nếu cả 34 tỉnh-thành đều có sự phát triển đồng đều giữa phong trào và đỉnh cao, không còn những cuộc di cư tài năng từ tỉnh nghèo sang tỉnh giàu, tiết kiệm được chi phí do đào tạo tại chỗ, khi số lượng các đơn vị tham dự những giải vô địch quốc gia tăng lên còn số vài chục so với chưa đến 10 đoàn như trước, thì đó chính là nền tảng cốt lõi cho công cuộc tìm kiếm tài năng phục vụ cho những mục tiêu lớn hơn…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm