02/07/2025 05:55 GMT+7 | Thể thao
Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, dấu mốc đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của đất nước, là khởi đầu cho một vận hội phát triển mới - vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và bền vững, trong đó bao gồm lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT).
Ngày 1/7 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.
Đến nay cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Việc sắp xếp không chỉ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý mà còn mở ra nhiều cơ hội, động lực phát triển kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Với lĩnh vực TDTT, sự kiện hợp nhất các địa phương, mở rộng không gian phát triển, tạo thêm động lực và nguồn lực mới, phát huy sức mạnh cộng hưởng, nhằm xây dựng phong trào thể thao ở các tỉnh, thành mới có quy mô lớn hơn, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ hơn, tạo ra sức bật mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Chia sẻ với PV TT&VH, Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho biết, phong trào TDTT ở các tỉnh, thành sau khi sáp nhập có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. "Sau sự kiện mang tính lịch sử của đất nước, phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở từng địa phương mới sẽ hội tụ các điều kiện thuận lợi về nhân sự, cơ sở vật chất như sân bãi, nhà thi đấu, nhà tập luyện… để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng thành tích".
Qua góc nhìn của một số chuyên gia, lĩnh vực TDTT ở 34 tỉnh, thành mới hứa hẹn có bước tiến đáng kể về chất lượng và quy mô, trong đó, bao gồm cả kỳ vọng hình thành các trung tâm thể thao lớn nếu tận dụng tốt lợi thế về quỹ đất, quy mô dân số và thế mạnh sẵn có của phong trào TDTT từ trước.
Ví dụ với thể thao TPHCM, với sự cộng hưởng sức mạnh của phong trào thể thao của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây hứa hẹn tạo nên sức bật mới. Thế mạnh truyền thống ở các môn bóng đá nữ, xe đạp, điền kinh, bơi, đấu kiếm, võ thuật, cầu lông… sẽ có thêm các điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng thành tích, bên cạnh việc phát triển thêm các môn thể thao mũi nhọn của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 7, thể thao TPHCM cũng đã cho thấy tâm thế sẵn sàng bước vào hành trình mới với khát vọng vươn lên và thay đổi trong cách làm của một trung tâm thể thao hàng đầu cả nước, qua việc tổ chức Hội thảo - Khóa học nâng cao với chủ đề "Ứng dụng Sinh lý vận động và Trí tuệ nhân tạo trong huấn luyện TDTT". Đây là một định hướng phát triển của ngành thể thao TP.HCM trong thời kỳ mới: lấy công nghệ làm nền tảng, khoa học làm công cụ, và dữ liệu làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động huấn luyện.
Phong trào thể thao ở các địa phương trên toàn quốc có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. ẢNH: TTXVN
Theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến, phong trào TDTT trên toàn quốc thời gian tới mang theo nhiều tín hiệu tích cực, điều này sẽ giúp cho thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển sâu rộng và từng bước hiện thực hóa các mục tiêu lớn đã đặt ra trên đấu trường quốc tế.
Ngày 19/6/2025, Bộ VH, TT&DL đã ban hành Thông tư số 10/2025/TT-BVHTTDL hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở VH, TT&DL; Sở VHTT; Sở Du lịch thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng Văn hóa - Xã hội thuộc UBND cấp xã trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH, TT&DL. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.
Theo nội dung Thông tư 10/2025/TT-BVHTTDL, Sở VH, TT&DL là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại; quảng cáo; việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sở VH, TT&DL cấp tỉnh được giao nhiệm vụ và quyền hạn quản lý về Di sản văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Điện ảnh; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa; Thư viện; Quảng cáo; Văn hoá quần chúng, văn hoá dân tộc và tuyên truyền cổ động; Hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương theo quy định của pháp luật; Văn học; Công tác gia đình; Thể dục, thể thao; Du lịch; Báo chí (bao gồm báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử, phát thanh, truyền hình, bản tin); Xuất bản, in và phát hành; Thông tin điện tử; Thông tin cơ sở; Thông tin đối ngoại; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đối với các tài năng văn hóa nghệ thuật và thể dục, thể thao ở địa phương; Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thuộc lĩnh vực được giao quản lý theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao và theo phân cấp, ủy quyền, phân định thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Phòng Văn hóa - Xã hội cấp xã, vị trí và chức năng của Phòng Văn hóa - Xã hội được quy định tại Điều 11 Nghị định số 150/2025/NĐ-CP. Phòng Văn hóa - Xã hội thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Văn hóa; gia đình; thể dục, thể thao; du lịch; quảng cáo; phát thanh truyền hình; báo chí; thông tin cơ sở; thông tin đối ngoại (việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực khác được quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực). Phòng Văn hóa - Xã hội chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở VH, TT&DL hoặc Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch.
Điều chỉnh kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp
Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn số 2324/BVHTTDL- TDTTVN gửi Sở VHTT, Sở VH, TT&DL các tỉnh, thành về việc hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp trong thời gian tới.
Cụ thể, với Đại hội Thể dục thể thao cấp xã, tổ chức thi đấu từ 8 môn thể thao trở lên, tùy điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn cụ thể, ưu tiên tổ chức các môn trong hệ thống thi đấu tại Asiad và Olympic như: Điền kinh, Bơi, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ, Xe đạp, Cầu lông, Bóng bàn, Bắn cung, Cử tạ, Canoeing, Rowing, Bóng ném, Quần vợt, Cầu mây, Bi sắt, các môn võ, vật …; đồng thời với đó, khuyến khích tổ chức các môn thể thao được nhân dân yêu thích, các môn thể thao dân tộc, trò chơi vận động dân gian phù hợp truyền thống của địa phương. Đảm bảo tối thiểu 1/2 số môn tổ chức tại Đại hội là các môn thể thao trong hệ thống thi đấu tại Asiad và Olympic. Các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tổ chức thi đấu từ 5 môn thể thao trở lên, khuyến khích tổ chức các môn thể thao dân tộc, các môn thể thao được nhân dân yêu thích phù hợp truyền thống của địa phương.
Đối với Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức thi đấu từ 18 môn thể thao trở lên, ưu tiên tổ chức các môn thể thao trọng điểm, các môn thể thao trong hệ thống thi đấu tại Asiad và Olympic và các môn thể thao truyền thống của địa phương. Đảm bảo tối thiểu 2/3 số môn được tổ chức tại Đại hội là các môn thể thao trong hệ thống thi đấu tại Asiad và Olympic.
Các tỉnh miền núi, biên giới không thuộc diện sáp nhập tổ chức thi đấu từ 15 môn thể thao trở lên, khuyến khích tổ chức các môn thể thao trọng điểm, các môn thể thao trong hệ thống thi đấu tại Asiad và Olympic nêu trên và các môn thể thao dân tộc, thể thao truyền thống của địa phương phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và chuyên môn. Phấn đấu có từ 2/3 số môn được tổ chức tại Đại hội là các môn trong hệ thống thi đấu tại Asiad và Olympic.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất