Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 20): Thêm những bí ẩn về kiếm Đông Sơn

03/07/2025 07:04 GMT+7 | Văn hoá

Năm 2004, tôi dẫn đoàn chuyên gia khảo cổ Đại học Quốc gia Úc đang cùng tôi khai quật hai khu mộ táng Đông Sơn ở Động Xá (Hưng Yên) và Yên Bắc (Hà Nam, nay là Ninh Bình) về Thanh Hóa tham dự Hội nghị kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn (1924 - 2004). Tôi có nhã ý mời các bạn ăn cơm tối ở nhà hàng Bảo tàng Rừng Trong Phố để tiện thể giới thiệu sưu tập đồ Đông Sơn của chủ nhân…

1. Tại đây, tôi có dịp chiêm ngưỡng kỹ hơn một thanh kiếm lạ cùng sưu tập kiếm lưỡi sắt chuôi đồng có gắn thuyền trang trí ở đốc chuôi mà tôi đã trình bày trong hai bài trước.

Đây là thanh kiếm còn đủ cả phần lưỡi sắt khá dài, cho thấy lưỡi thuộc dạng kiếm đao, tức lưỡi kiếm chỉ sắc ở một bên và bên đối diện dày, tạo mặt cắt ngang thân hình nêm. Phần tông sắt đã mất ốp gỗ, chỉ còn lại đoạn chốt bịt đốc bằng đồng được đúc như một hộp hình chữ nhật; phần trên có bản xòe hình bầu dục to bằng bề dày của ốp gỗ hay xương sừng đã mất, phần dưới có một vành khuyên đan tròn, rộng 5 - 6 cm, chỉ dày chừng 2 mm. Khoảng trống bên trong là một tượng đầu gà trống.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 20): Thêm những bí ẩn về kiếm Đông Sơn - Ảnh 1.

Hộp ốp đốc kiếm bằng đồng trong Bảo tàng Rừng Trong Phố (Thanh Hóa)

Chưa hết, dọc phía trên của hộp chữ nhật bằng đồng, nơi bên trong ngậm sâu phần cuối của tông kiếm sắt, nghệ nhân xưa đúc thêm ba con voi nối đuôi nhau. Dãy voi này rất nhỏ, chỉ cao 5 mm, được cuộn bằng sợi mây trước khi rót khuôn, hiện còn in hằn trên lớp da đồng.

Đối diện bên dưới dãy voi là 6 đôi móc treo đủ 12 chuông nhạc nhỏ bằng đồng. Trật tự chốt đốc bằng đồng cho thấy chúng được chế tác cùng chiều với lưỡi kiếm, với phía trên là dãy voi cùng chiều với phần lưng của đốc kiếm và phía dưới, nơi có hai dãy chuông nhạc, cùng chiều với lưỡi sắc thanh kiếm.

Chủ nhân bảo tàng xác nhận là người đã trực tiếp quan sát khi thanh kiếm được đào lên trong lúc công ty anh thi công đường ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Thanh kiếm được chôn cùng những vòng ốp chân tay có gắn chuông lục lạc nhỏ - rất đặc trưng cho Văn hóa Đông Sơn loại hình Làng Vạc.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 20): Thêm những bí ẩn về kiếm Đông Sơn - Ảnh 2.

Hộp chốt đốc kiếm Đông Sơn bằng đồng trong sưu tập CQK (California, Mỹ), còn nguyên phần đầu gà, 2/3 vành khuyên và hai thú; tuy nhiên, phần lưỡi đã bị thay thế bằng lưỡi kiếm đồng có chắn tay kiểu Hán và phần móc nhạc chuông đã mất, bị sửa thêm bằng hai con thú cho đối xứng với phía trên

2. Mấy năm sau, 2008, khi có dịp sang Dublin (Ireland) dự Hội nghị Khảo cổ học Thế giới lần thứ 6 (WAC6 - World Archaeology Congress 6), tôi đã được mời dừng ở Paris (Pháp) giúp giám định một sưu tập đồ đồng Đông Sơn lớn của Gallery Hioco. Điều đáng nói nhất là tôi gặp ở đó chiếc đốc kiếm lạ bằng đồng khá gần với phong cách kiếm đang bày tại Bảo tàng Rừng Trong Phố (Thanh Hóa).

Tuy thanh kiếm này đã bị tháo phần lưỡi sắt và cắm vào đó một lưỡi kiếm bằng đồng khác, trong khung vành khuyên ở cuối không có đầu gà, nhưng bù vào đó, trên lưng phần hộp chữ nhật, thay cho vị trí đàn voi là hình đúc một con hổ. Tôi nhận ra ngay đây là phần chốt đốc một thanh kiếm Đông Sơn bí ẩn nữa, đã không còn phần lưỡi sắt.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 20): Thêm những bí ẩn về kiếm Đông Sơn - Ảnh 3.

Đôi kiếm còn nguyên phần lưỡi sắt thuộc Bảo tàng Phạm Huy Thông, Kim Bôi (Hòa Bình, nay thuộc Mường Động, Phú Thọ) và chi tiết đặc tả bên dưới

Trong dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, tôi có tổ chức một tọa đàm seminar khoa học quốc tế với chủ đề "Dấu tích văn hóa Dạ Lang ở Việt Nam". Bên cạnh việc giới thiệu những thanh kiếm Đông Sơn lưỡi sắt, tay cầm đồng có gắn hình thuyền ở đốc chuôi, đã từng thấy khá gần gũi với những thanh kiếm chôn trong khu mộ Khả Lạc (Quý Châu, Trung Quốc), tôi bắt đầu tập trung vào những cây kiếm sắt lưỡi dài, một rìa sắc, có chốt đốc khối hộp chữ nhật, nhạc chuông, tượng thú nhỏ, vành khuyên có đầu gà, thường cùng thấy với những kiếm tay cầm đồng đúc có gắn hình thuyền ở miền núi Tây Thanh - Nghệ nước ta.

Một nhà sưu tầm ở Hà Nội đã mời tôi đến chiêm ngưỡng sưu tập kiếm của anh. Và tôi nhận ra ngay một thanh kiếm có chuôi đốc đồng vành khăn với đầu gà cùng đàn voi và dãy chuông lục lạc. Cuối năm đó, tôi có dịp sang thăm sưu tập Đông Sơn rất lớn ở California (Mỹ) của gia đình bác sĩ Kiều Chẩn và cũng nhận ra một thanh kiếm tương tự với phần bịt đốc bằng đồng có đầu gà khá rõ nét bên trong vành khuyên.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 20): Thêm những bí ẩn về kiếm Đông Sơn - Ảnh 4.

Phần tay cầm còn nguyên đai và chắn tay hoa tròn, có phần chốt đốc hình hộp chữ nhật bằng đồng với chuỗi thú bên trên, nhạc chuông bên dưới và vành khăn cuối cùng (Sưu tập tư nhân ở Vinh, Nghệ An)

3. Bản thân tôi cũng có may mắn tiếp nhận hai thanh kiếm cùng loại còn nguyên phần lưỡi sắt và chốt đốc bằng đồng với đầy đủ chuông nhạc, vành khăn, dãy voi và hoa văn sắc nét. Nhờ có hai thanh kiếm này, tôi nhận ra phần khấc tay cầm sắt rèn liền với phần lưỡi dài khoảng 12 cm, trên đó còn vết mờ của gỗ ốp và dây buộc.

Từ đó có thể phục nguyên toàn bộ thanh kiếm loại này như sau: Phần lưỡi sắt được rèn tạo mặt cắt hình nêm với một rìa sắc và một rìa lưng, có tổng chiều dài 90 - 100 cm. Phần lưỡi kiếm rộng 4 cm chiếm 80 - 85 cm, mũi nhọn vát, còn lại là phần tay cầm rộng 2 - 3 cm được ốp gỗ và buộc dây ngang dài khoảng 12 cm. Phần chuôi cắm vào chốt đồng hình hộp chữ nhật chỉ dài 4 - 5 cm, rộng 1 cm.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 20): Thêm những bí ẩn về kiếm Đông Sơn - Ảnh 5.

Một hộp đồng chốt đốc kiếm lưỡi sắt Đông Sơn lưu lạc ở châu Âu, phần nhạc chuông đã bị rụng hết (Sưu tập Bảo tàng Barbier-Mueller, Geneva, Thụy Sĩ)

Một vài thanh kiếm loại này có dùng chốt đồng đúc ngăn lưỡi sắc với tay cầm, khá giống kiểu ngấn ngăn kiếm lưỡi đồng - sắt hình quả trám kiểu kiếm Hán. Duy nhất có một kiếm loại này của một nhà sưu tầm thành Vinh xứ Nghệ, tôi nhận thấy có dùng tấm chắn tay mỏng hình bầu dục khá giống tấm chắn muộn sau này. Tính nguyên bản của hiện vật khiến tôi phải đặt vấn đề: hoặc kiếm này được lưu truyền muộn về sau, hoặc ngay từ sớm đã từng có kiểu tấm chắn tay như vậy.

Trong một số cuộc đấu giá cũng như trưng bày tại bảo tàng châu Âu, nhiều chuyên gia đã không nhận ra chức năng của phần chốt đốc chỉ mang ý nghĩa trang trí này, mà nhầm tưởng chúng như một loại tay cầm rất khó hiểu. Thực tế, các thanh kiếm tôi đã bắt gặp ở châu Âu đều đã bị thợ Việt Nam chỉnh sửa biến dạng, bằng cách nhổ bỏ phần lưỡi, chốt sắt gỉ nát, thay bằng những lưỡi kiếm đồng thời Hán. Vì thế, không có phần tay cầm thực dụng nữa, biến phần hộp chốt chữ nhật như một loại đốc kiếm đúc bằng đồng có trang trí vậy.

Phải thừa nhận: vị trí của người sử dụng kiếm này chắc cao hơn hẳn những tướng lĩnh dùng kiếm chuôi đồng, lưỡi nhọn đã nêu ở hai bài trước ở chỗ lưỡi kiếm dài hơn 10 - 20 cm, sức chém bổ, đâm cũng lợi hại hơn - và cuối cùng, phần đầu tư trang trí cho phần chốt đốc cũng cầu kỳ hơn. Đặc biệt, tiếng nhạc rung của 10 - 12 lục lạc ở đốc kiếm, cùng với hàng chục nhạc chuông ở ốp chân, tay đã tạo sức uy hiếp tinh thần ghê gớm cho đối phương khi xung trận.

"Các thanh kiếm tôi đã bắt gặp ở châu Âu đều đã bị thợ Việt Nam chỉnh sửa biến dạng bằng cách nhổ bỏ phần lưỡi, chốt sắt gỉ nát, thay bằng những lưỡi kiếm đồng thời Hán" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm