Bí mật ẩn giấu trong kiệt tác “Người Vitruvius” của Leonardo da Vinci

03/07/2025 07:21 GMT+7 | Văn hoá

Một nha sĩ ở London vừa công bố phát hiện có thể giải đáp bí ẩn hình học tồn tại hơn 5 thế kỷ trong bức vẽ nổi tiếng Người Vitruvius của Leonardo da Vinci. Kết quả nghiên cứu hé lộ rằng hình ảnh mang tính biểu tượng này phản ánh cùng một nguyên lý thiết kế thường gặp trong tự nhiên và giải phẫu người.

Được vẽ khoảng năm 1490, Người Vitruvius mô tả hình ảnh một người đàn ông khỏa thân với tay chân dang rộng trong hai tư thế chồng lên nhau, đặt gọn trong một hình vuông và một hình tròn. Đây là minh họa lý tưởng về tỷ lệ cơ thể con người, lấy cảm hứng từ kiến trúc sư La Mã Marcus Vitruvius, người tin rằng cơ thể có tỷ lệ hài hòa như những ngôi đền hoàn hảo. Tuy nhiên, Vitruvius không đưa ra công thức toán học cụ thể cho mối quan hệ hình học này, và suốt hơn 500 năm qua, cách Leonardo đạt được sự “ăn khớp” tuyệt đối giữa hình vuông và hình tròn vẫn là điều bí ẩn. Nhiều giả thuyết, trong đó có Tỷ lệ vàng (1,618...), đã được đề xuất nhưng không trùng khớp với số đo thực tế.

Chuyên gia Anh công bố bí mật ẩn giấu trong kiệt tác “Người Vitruvius” của Leonardo da Vinci - Ảnh 1.

Được vẽ khoảng năm 1490, “Người Vitruvius” mô tả hình ảnh một người đàn ông khỏa thân với tay chân dang rộng trong hai tư thế chồng lên nhau, đặt gọn trong một hình vuông và một hình tròn. Ảnh: en.wikipedia.org

Nghiên cứu mới của nha sĩ Rory Mac Sweeney, đăng trên tạp chí Journal of Mathematics and the Arts, đã cung cấp lời giải thuyết phục. Mac Sweeney phát hiện Leonardo đã sử dụng một chi tiết ít được chú ý – một tam giác đều mà ông ghi chú trong bản thảo bức vẽ. Khi phân tích, hình tam giác này cho thấy sự tương đồng với “tam giác Bonwill” – một khái niệm giải phẫu răng miệng mô tả hình tam giác đều tưởng tượng nối hai khớp hàm và điểm giữa của hai răng cửa dưới, vốn có vai trò tối ưu lực nhai.

Việc lặp lại tam giác đều quanh rốn sáu lần đã tạo thành một họa tiết lục giác, giúp Leonardo đạt được tỷ lệ cạnh hình vuông so với bán kính hình tròn khoảng 1,64–1,65. Con số này gần sát “tỷ lệ tối ưu” 1,633, vốn xuất hiện phổ biến trong tự nhiên và được coi là nguyên tắc tổ chức không gian hiệu quả nhất – ví dụ như mô hình xếp chặt lục giác của quả cầu.

Mac Sweeney cho rằng Leonardo đã nắm rất rõ nguyên lý thiết kế lý tưởng của cơ thể người, vượt xa kiến thức thời Phục hưng. Ông nhận định: “Hình học của Leonardo đã mã hóa thành công các mối quan hệ không gian nền tảng của cơ thể con người, thể hiện tầm nhìn đáng kinh ngạc về sự thống nhất toán học giữa hình thể và trật tự tự nhiên.”

Ngoài việc thỏa mãn tò mò học thuật, phát hiện này còn mở ra hướng ứng dụng thực tiễn mới, như thiết kế răng giả, phẫu thuật chỉnh hình sọ mặt hay nghiên cứu sâu hơn về các tác phẩm thời Phục hưng để tìm ra tri thức khoa học ẩn giấu suốt hàng trăm năm.

Thanh Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm