Tiếp sức cho hàng Việt đứng vững trên "sân nhà"

11/07/2025 17:36 GMT+7 | Tin tức 24h

Thị trường nội địa Việt Nam với hơn 100 triệu dân, thay vì là vùng đất tiềm năng để hàng Việt bứt phá, thì lại đang bị bủa vây bởi hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái và tâm lý chuộng rẻ của một bộ phận người tiêu dùng.

Chuyên đề Phát triển kinh tế tư nhân

Tiếp sức cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính tiếp cận thị trường, kênh phân phối hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất là một cách để tối ưu hiệu quả của nền hàng hóa trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng là chiến dịch dài hơi nhưng thiết thực góp phần làm lành mạnh thị trường, đẩy lùi hàng giả.

Tiêu chuẩn toàn cầu cho người tiêu dùng Việt

Vài năm trở lại đây, xu hướng doanh nghiệp Việt đầu tư quy trình sản xuất bài bản, nâng tiêu chuẩn chất lượng tiệm cận quốc tế ngày càng phổ biến. Đây vừa là đòi hỏi tất yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe và đa đạng, vừa là hướng đi bền vững để doanh nghiệp mở rộng thị trường. Nhờ đó, người tiêu dùng Việt dần quen và hài lòng với những sản phẩm có đủ các chứng nhận quốc tế trong mâm cơm gia đình.

Tiếp sức cho hàng Việt đứng vững trên "sân nhà" - Ảnh 1.

Ngày 27/6/2025, gian hàng thực phẩm Việt Nam đầu tiên với tên gọi “góc Việt Nam” do Tập đoàn Masan của Việt Nam và tập đoàn Magnit của Nga hợp tác kinh doanh, đã được khai trương và đặt tại siêu thị Magnit Extra ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga. Đại sứ Đặng Minh Khôi (giữa) đi thăm các kệ trưng bày hàng Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh-Pv TTXVN tại Nga

Tổ hợp nhà máy CPV Food Bình Phước là điển hình trong việc đưa thực phẩm Việt, chất lượng quốc tế đến tay người tiêu dùng trong nước. Khánh thành từ cuối năm 2020, CPV Food Bình Phước là tổ hợp sản xuất thịt gà hiện đại, khép kín đầu tiên tại Việt Nam, được kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn an toàn sinh học và an toàn thực phẩm quốc tế. Các tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng đồng nhất cho cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, giúp người tiêu dùng Việt được tiếp cận với thịt gia  cầm chuẩn Halal, một tiêu chuẩn của đạo Hồi về giết mổ và xử lý gia cầm, chú trọng đến tính nhân đạo và phúc lợi động vật, một khái niệm khá mới mẻ với người tiêu dùng Việt.

Theo ông Wirat Wongpornpakdee, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao phụ trách Ngành thực phẩm và Phát triển kinh doanh mới của C.P. Việt Nam, đầu tư vào tổ hợp CPV Food Bình Phước là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chuẩn mực chất lượng thực phẩm tại Việt Nam, đồng thời từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu thịt gia cầm chế biến.

Hay như Công ty cổ phần Yến sào Nha Trang, ngay khi vận hành vào năm 2012 đã hệ sinh thái xuất khép kín từ đầu vào đến thị trường, kiểm soát từ nhà yến, đến nhà máy đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: FDA, USDA, FSSC, HACCP, GMP… và phân phối đến người tiêu dùng. Khi đã đạt nhiều thành tựu trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Trung Quốc, doanh nghiệp càng khát khao chinh phục thị trường trong nước bằng giá trị dinh dưỡng thật sự trong sản phẩm của mình.

Theo ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yến sào Nha Trang, thị trường yến sào tại Việt Nam rất đa dạng và người tiêu dùng đang được dẫn dắt theo xu hướng lựa chọn hàng chất lượng dựa trên tỷ lệ phần trăm yến sào được ghi trên mỗi sản phẩm, dù điều này rất mập mờ và dễ gây hiểu lầm. Vì vậy, doanh nghiệp đã chọn lối đi riêng, công bố trọng lượng yến tươi trên mỗi hũ nước yến sào, người tiêu dùng có thể định lượng bằng một số công cụ đo lường phù hợp.

"Chinh phục thị trường nội, dù chúng tôi đã có đủ tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chưa đủ thuyết phục, chúng tôi phải cho người tiêu dùng tai nghe, mắt thấy được giá trị dinh dưỡng thực trong mỗi hũ yến, như vậy họ sẽ tin tưởng lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường, giúp dinh dưỡng quý giá từ yến sào phổ biến và tiện lợi hơn trong tiêu dùng hàng ngày ", ông Đàm nhấn mạnh.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, việc các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong đó có doanh nghiệp thực phẩm tập trung đầu tư bài bản, xây dựng chuỗi ngành hàng có kiểm soát từ đầu vào (liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế), nâng chuẩn sản xuất đến phân phối ra thị trường, giúp thị trường hóa hóa trong nước ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng và nhiều phân khúc khách hàng.

Chật vật cạnh tranh trên sân nhà

Dù đầu tư bài bản, vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và thương mại của những thị trường khó tính, nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt lại rất gian nan khi chinh phục người tiêu dùng trong nước. Các chuyên gia thị trường chỉ ra nhiều nguyên nhân, trước hết là tâm lý "sính ngoại" của một bộ phận người tiêu dùng. Điều này cũng là dễ hiểu khi rất nhiều năm, "mỏ vàng" thị trường trong nước nằm trong tay của những ông lớn ngành tiêu dùng, thực phẩm nước ngoài.

Bên  cạnh đó, thị trường hàng giả, hàng nhái, kém  chất lượng tràn lan, "che mắt" người tiêu dùng trong tiếp cận những thông tin hàng chính hãng, cạnh tranh thiếu lành mạnh với doanh nghiệp chân chính, cũng đẩy doanh nghiệp Việt vào thế bí.

Tiếp sức cho hàng Việt đứng vững trên "sân nhà" - Ảnh 2.

Ông Tạ Đình Vũ Đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Sào Nha Trang đề xuất chiến lược xây dựng thương hiệu yến sào tại toạ đàm. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên nhiên Việt cho biết, nghiên cứu thị trường của công ty chỉ ra, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả số tiền lớn cho sản phẩm có giá trị, minh bạch về nguồn gốc và chất lượng. Khi củng cố thị trường nội địa, doanh nghiệp tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại, bởi đây là một trong những kênh được bảo chứng về chất lượng, giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng.

"Chúng tôi mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các kênh bán hàng hiện đại, bởi tệp khách hàng đa dạng và ổn định, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá truyền thông, tăng nhận diện của những sản phẩm chính hãng đến người tiêu dùng. Có như vậy thì chúng tôi mới có động lực để tiếp tục đầu tư, sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường", chị Hương chia sẻ.

Tiếp sức doanh nghiệp Việt trên sân nhà, bà Lý Kim Chi cho rằng, trước hết cần phải mạnh tay và liên tục dẹp nạn hàng giả, hàng nhái, không chỉ theo đợt, theo cao điểm, trả lại lòng tin cho người tiêu dùng và động lực cho doanh nghiệp chân chính, đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường, truyền thông quảng bá sản phẩm.

"Tôi cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc, bảo vệ thương hiệu. Việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng giúp doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng vào thị trường nội địa. Thêm vào đó, bản thân các doanh nghiệp cũng phải lấy chất lượng là tôn chỉ trong cạnh canh, chinh phục thị trường bằng sự thấu hiểu, đồng hành với người tiêu dùng Việt", bà Chi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong khi thị trường xuất khẩu có nhiều biến động, thì thị trường nội địa 100 triệu dân rất tiềm năng nhưng còn bị bỏ ngỏ. Trung tâm đã có nhiều chương trình xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng, kết nối hàng hóa vào các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, giúp hàng Việt khẳng định giá trị và gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Đại diện "ông lớn" trong ngành bán lẻ, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, nhiều năm nay hệ thống Go! và các trung tâm thương mại của Tập đoàn luôn ưu tiên hàng Việt trên kệ, và hiện đã chiếm tới 95% cơ cấu hàng hóa. Để hỗ trợ hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, Tập đoàn còn khảo sát thị trường, xu hướng tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm phù hợp.

"Chúng tôi có chiến lược quảng bá, thu hút người tiêu dùng vào siêu thị,  cộng với chính sách kích cầu phù hợp, kích thích tiêu thụ hàng Việt. Hàng Việt Nam rất tốt, quan trọng là làm sao để cung gặp cầu", ông Paul Lê cho hay.

Tiếp sức cho hàng Việt đứng vững trên "sân nhà" - Ảnh 3.

Sản phẩm nước mắm Cát Hải được dán tem chứng nhận OCOP. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Các chuyên gia cũng cho rằng, để trụ vững trên "sân nhà", bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động làm mới mình thông qua sử dụng công nghệ, đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, theo kịp xu hướng chất lượng thật, sản phẩm xanh, thân thiện môi trường hiện nay.

Hương Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm