Cần nhấn mạnh: Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm trao cho người nghèo điều kiện ổn định cuộc sống. Từ năm 2000 đến 2023, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới hoặc sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 300.000 hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở chưa đạt chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng).
Bởi thế, sáng 13/4/2024 tại Đà Bắc, phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 đã được phát động với mục tiêu rút ngắn thời hạn hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột trên toàn quốc xuống 5 năm (từ năm 2030 xuống năm 2025) so với những kế hoạch trước.
Tại lễ phát động, cảnh tượng Thủ tướng Chính phủ đứng cạnh người dân, tự tay chuyền đá, xúc đất, khởi công căn nhà mới không chỉ tạo ấn tượng mạnh về sự gần gũi. Xa hơn, hình ảnh ấy còn truyền đi một thông điệp quyết liệt: Đã đến lúc, không ai được phép đứng ngoài cuộc trong chiến dịch ý nghĩa này.
Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, có lẽ thật khó tìm một nhiệm vụ nào vừa mang đậm tính nhân văn, vừa là một thách thức lớn với toàn hệ thống chính trị như xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ở đó, việc thay thế hàng trăm ngàn mái nhà cũ nát bằng những căn nhà mới khang trang, kiên cố chắc chắn là một thử thách khổng lồ để vượt khỏi mọi rào cản về kinh tế, địa lý, văn hóa. Nhưng, như lời Thủ tướng, đây đồng thời cũng là một nhiệm vụ vinh quang - bởi mỗi mái nhà mới không chỉ là nơi cư ngụ, mà còn là minh chứng cho sự đồng cảm và công bằng mà Nhà nước dành cho những người yếu thế trong xã hội.
Đại diện tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Yên Bái (cũ) nay thuộc tỉnh Lào Cai trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho bà Trần Thị Hường ở xã Quy Mông. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN
Và xa hơn, chiến dịch này không chỉ là một bài toán về vật chất. Nó chính là một phép thử về về bản lĩnh và lòng nhân ái của cả bộ máy. Bởi, thực tế luôn cho thấy: Những công trình lớn, các dự án “triệu đô” thường dễ nhận sự quan tâm để được khánh thành và gắn biển trên bản đồ - trong khi việc xây dựng từng mái nhà cho hộ nghèo ở vùng sâu chỉ thực sự được ưu tiên khi toàn bộ máy hiểu rõ và thấm thía: Sức mạnh quốc gia phải bắt đầu từ lòng trắc ẩn, từ sự sẻ chia với những số phận yếu thế nhất.
Giống như, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh trong cuộc họp phiên thứ nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về vấn đề này (ngày 10/11/2024): Sau 80 năm thành lập nước, thu nhập bình quân đầu người đã trên 4.300 USD, kinh tế Việt Nam đạt gần 500 tỷ USD. Và trong bối cảnh ấy, không có lý do gì để người dân phải ở nhà tạm, nhà dột nát - cũng như không thể mải miết với những con số tăng trưởng mà quên đi nghĩa vụ cơ bản: bảo vệ và nâng đỡ những số phận yếu thế trong xã hội.
Lời khẳng định của Thủ tướng cũng là lời khẳng định của một Chính phủ từ chối chấp nhận nghèo đói như định mệnh, của một bộ máy hành chính tự đặt mình vào trách nhiệm đảm bảo công bằng căn bản nhất cho công dân.
Ở đó, khi phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, ông đã không chỉ phát đi một hiệu lệnh cho các bộ, ngành, mà thực sự khơi dậy ý chí vượt khó từ khắp các tầng nấc trong xã hội - từ lãnh đạo tỉnh, huyện, đến từng cán bộ thôn bản, từng hộ dân.’
Sáng 13/4/2024, từ Đà Bắc, tinh thần ấy đã được cộng hưởng thành nhịp điệu chung trên khắp mọi miền - từ miền núi phía Bắc cho đến miền Trung, từ đồng bằng tới vùng ven biển, Tây Nguyên và Nam Bộ. Để rồi, một dòng chảy lớn được hình thành, hội tụ ý chí của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung: không để ai phải ngủ dưới mái nhà tạm bợ khi đất nước đang tiến những bước dài về phía trước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Có, người có công với cách mạng được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Bình Mỹ, An Giang ngày 20/7/2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Hành trình xóa nhà tạm bắt đầu từ những viên đá chuyền tay, từ những nhát cuốc biểu tượng trên đất Đà Bắc. Ở đó, việc vượt qua những thử thách phía trước - quy mô, tiến độ, chất lượng, niềm tin - chính là việc đặt những những viên đá tiếp theo trên con đường xây dựng một xã hội nhân ái, công bằng.
Bởi vậy, ở mức độ nhất định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chính là điểm tựa cho toàn chiến dịch. Ông không chỉ liên tục thúc đẩy hành động, đòi hỏi trách nhiệm tuyệt đối, mà còn luôn duy trì, lan tỏa một tinh thần lạc quan tích cực cho toàn hệ thống. Trong hành trình xóa nhà dột nhà tạm, mỗi chặng đường đều được người đứng đầu Chính phủ “bấm giờ” nghiêm ngặt, không để bất cứ ai tự cho phép chậm lại trên đường đua - và cũng không để quyết tâm dừng ở lời nói ban đầu.
“Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được”. Từ khi phát động tới sát những ngày cuối cùng của chiến dịch, Thủ tướng thường xuyên nhắc lại triết lý hành động này như một lời nhắc nhở trách nhiệm đối với toàn hệ thống.
Chúng ta có thể thấy tinh thần ấy qua phát biểu và những yêu cầu Thủ tướng đặt ra trong các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Tại đó, mỗi phiên họp được biến thành các “vạch xuất phát mới” với những chỉ đạo thẳng thắn, quyết liệt, đặt trách nhiệm cá nhân lên hàng đầu.
Ngay ở phiên họp đầu tiên (10/11/2024), Thủ tướng đã đặt nền tảng cho chiến dịch bằng một hệ tiêu chuẩn rất cụ thể: “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”.
Xa hơn, không dừng lại ở tinh thần chung, Thủ tướng còn khẳng định nguyên tắc “5 rõ” - rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả - như một liều thuốc giải cho căn bệnh né tránh trách nhiệm vốn dễ xuất hiện trong những chương trình lớn.
Tới phiên họp thứ hai (12/1/2025), quyết tâm ấy được đẩy thành áp lực tiến độ, khi Thủ tướng chỉ rõ: “Phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công chương trình trong năm 2025”. Và, bên cạnh đó là những chỉ đạo trực tiếp để phòng ngừa căn bệnh trì trệ - khi người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nghiêm khắc xử lý, kỷ luật những trường hợp chậm tiến độ, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm với nhiệm vụ.
Phiên họp thứ ba (10/3/2025), Thủ tướng đưa ra phát ngôn trở thành khẩu lệnh mới cho toàn chiến dịch: Xóa nhà dột, nhà tạm là “mệnh lệnh từ trái tim, lương tri và trách nhiệm với cộng đồng”. Kèm thêm đó là việc chia nhỏ mục tiêu, tạo nhịp độ hành động liên tục, khi cả nước vẫn còn hơn 100 ngàn căn nhà tạm: “Bình quân mỗi ngày cả nước phải xóa khoảng 500 căn nhà tạm, nhà dột nát; mỗi tỉnh xóa 8 căn/ngày.
Sang phiên họp thứ tư (11/5/2025), Thủ tướng nhắc lại trách nhiệm với lịch sử: “Chúng ta đã kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh, không thể để người dân không có chỗ ở hoặc ở trong nhà tạm, nhà dột nát”. Ở phiên họp thứ năm (22/6/2025), khi chiến dịch bước vào giai đoạn nước rút, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại yêu cầu kiểm chứng kết quả thực chất và tinh thần “không bàn lùi”: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Tổ quốc mong đợi, nhân dân ủng hộ, người nghèo, người khó khăn trông ngóng và hy vọng thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 6 của BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 9/7/2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Để rồi, tại phiên họp thứ sáu (9/7/2025), người đứng đầu Chính phủ “khóa chốt” tinh thần trực chiến, nhấn mạnh bản lĩnh của cả hệ thống: “Những ngày cuối này là những việc rất khó khăn, vì những việc dễ đã làm trước rồi. Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn, nhiều công sức hơn, nhiều sự quan tâm hơn, tham gia kiểm tra, giám sát, thúc đẩy một cách quyết liệt hơn để hoàn thành toàn bộ mục tiêu đã đề ra".
Như thế, có thể nói, chiến dịch xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một kế hoạch an sinh, mà đã trở thành cuộc đua tập thể của cả nước, với mục đích hoàn thành kế hoạch đúng hẹn. Ở đó, mỗi địa phương, mỗi cán bộ, mỗi người thợ xây đều là một vận động viên trên đường chạy chung, không ai được phép tụt lại phía sau.
Và, điều tạo nên sự đặc biệt cho cuộc đua này chính là vai trò của Thủ tướng Phạm Minh Chính - người không chỉ cầm nhịp, giữ đều vận tốc cho cả đoàn, mà còn đồng thời là người dẫn đầu, truyền lửa và tinh thần cho từng chặng nước rút.
Dưới sự điều phối của ông, mọi “vạch xuất phát” của các phiên họp đều mang theo sức nóng của hành động; từng bước tiến độ đều được “bấm giờ” chuẩn chỉnh, từng cá nhân trong guồng máy đều được đặt vào tâm thế không thể đứng ngoài cuộc đua. Nhịp điệu ấy là nhịp điệu của hành động, của tinh thần trách nhiệm ở mức cao nhất và của cảm cảm không ngừng nghỉ - tất cả được lan tỏa khắp hệ thống để thúc giục cộng đồng cùng tiến về phía trước.
Để rồi, khi “cán đích”, thành tựu của cuộc đua ấy không chỉ là hàng trăm ngàn căn nhà mới trên khắp Việt Nam, mà còn là sự tự hào của cả một tập thể biết cùng nhau cất bước và bứt phá - với người dẫn đầu luôn là tấm gương bền bỉ nhất.
Những thống kê mới nhất từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: Tới 19/7/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 266.511 căn, trong đó, khánh thành 231.513 căn, đang khởi công, xây dựng 34.998 căn.
Trước đó, ngày 16/7/2025, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025; trong đó hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình liệt sĩ hoàn thành trước ngày 24/7/2025 .
Cũng cần nhắc lại, với sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, chiến dịch xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc đã liên tục rút ngắn thời hạn so với kế hoạch đề ra. (Kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2030, sau đó rút ngắn xuống 12/2025, rồi tiếp tục rút ngắn xuống tháng 10/2025 và cuối cùng là tháng 8/2025).
Ở một góc độ khác, các thống kê gần nhất của Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nông Thị Hà cho biết, tính đến hiện tại, tổng nguồn lực huy động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã vượt 17.802 tỷ đồng, bao gồm nguồn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các khoản vận động xã hội hóa. Chương trình đã thu hút sự chung tay của cộng đồng với hơn 113,4 nghìn lượt người tham gia, đóng góp tổng cộng hơn 1 triệu ngày công lao động.
Không khó để nhìn ra: Nếu chỉ dựa vào ngân sách hoặc guồng máy nhà nước đơn thuần, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ không thể về đích sớm như hôm nay. Những gì đã đạt được là thành công của sự lan tỏa rộng rãi trong phong trào này, khi mọi cán bộ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhóm thiện nguyện, cho tới người dân bình thường đều đồng lòng nhập cuộc.
Đơn cử, vào tối 5/10/2024, Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” (do Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đã nhận được gần 6.000 tỷ đồng, trong đó có 2.600 tỷ do 61 địa phương huy động. Ở đó, những lời kêu gọi “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của” từ người đứng đầu Chính phủ đã sớm nhận được sự cộng hưởng từ xã hội - khi tất cả những tấm lòng hướng về đồng bào nghèo đều không muốn đứng ngoài dòng chảy của cộng đồng.
Và cũng từ những bước khởi động ấy, chương tình xóa nhà dột, nhà tạm trên cả nước đã vượt khỏi ý nghĩa của một chiến dịch gắn với chính sách để trở thành một chuẩn mực mới trong xã hội - nơi mỗi hành động thiện nguyện không còn là lựa chọn cá nhân mà là nét văn hóa chung.
Cũng như, khái niệm xóa nhà tạm không còn tồn tại mặc định trong suy nghĩ mỗi người như một nhiệm vụ “khô khan” gắn với ngành xây dựng, của các gói ngân sách, của các quy trình duyệt cấp. Đó là một dòng chảy lớn phủ khắp đời sống xã hội, từ mỗi cơ quan nhà nước tới văn phòng doanh nghiệp, từ hội trường của mỗi cuộc họp tới từng làng bản ở vùng sâu vùng xa, nơi nhà dột nhà tạm vẫn còn tồn tại trong nhịp sống hàng ngày.
Thực tế, hiếm có chương trình an sinh xã hội nào đón nhận sự hưởng ứng rộng khắp như vậy. 17.802 tỷ đồng, hơn 113,4 nghìn lượt người trực tiếp góp sức với cả triệu ngày công lao động - những con số ấy xét cho cùng vẫn chỉ là bề nổi. Điều quan trọng nhất, chiến dịch ấy đã mở ra một vòng quay mới, vượt qua tính ngắn hạn để tạo hiệu ứng cộng hưởng lâu dài - cái đích cần thiết của bất cứ chính sách công nào.
Hiệu ứng đặc biệt ấy không thể tách rời khỏi mạch nguồn tương thân tương ái vốn là dòng chảy ngầm trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Nó gắn với với niềm tin từ tâm thức của chúng ta về ý nghĩa của mái nhà - biểu tượng an cư, điểm tựa tinh thần và cũng là nơi quy tụ giá trị nhân văn của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Ở đây, câu chuyện về những căn nhà dột nát không chỉ là chuyện thiếu thốn vật chất, mà đã thực sự chạm vào lòng thương cảm và thôi thúc sẻ chia từ cộng đồng.
Để rồi, khi chiến dịch xóa nhà dột, nhà tạm được Đảng và Nhà nước khởi xướng với một định hướng rõ ràng, và lan tỏa cảm hứng hành động, xã hội Việt Nam đã thể hiện trọn vẹn sức mạnh từ lòng nhân ái vốn có. Tại đó, sự tin tưởng vào chính sách cũng gắn với sự cộng hưởng chủ động - khi mỗi người dân, mỗi tập thể đều nhìn thấy ý nghĩa và giá trị thiết thực của việc chung sức xây mái ấm cho những hộ nghèo.
Và cũng từ những bước khởi động ấy, chương tình xóa nhà dột, nhà tạm trên cả nước đã vượt khỏi ý nghĩa của một chiến dịch gắn với chính sách để trở thành một chuẩn mực mới trong xã hội - nơi mỗi hành động thiện nguyện không còn là lựa chọn cá nhân mà là nét văn hóa chung.
Có nghĩa, chỉ cần một chủ trương chạm tới ước nguyện chung, khơi thông dòng chảy thiện nguyện sẵn có trong xã hội, cộng đồng sẽ sẵn sàng trao gửi niềm tin để góp sức cho những chương trình lớn. Và chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là một minh chứng sống về việc kích hoạt sức mạnh quốc gia, dựa trên tinh thần tương thân, đoàn kết của cộng đồng. Và tạo lập được những thành quả to lớn vững chắc mà nhân dân được thừa hưởng
Đó là một hệ thống an sinh làm nền móng cho phát triển bền vững ở một xã hội đang hướng tới sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và chăm lo người yếu thế. Và xa hơn thế, mỗi ngôi nhà mới cũng là nơi mà chủ trương của Đảng, quyết tâm của Nhà nước và sự nhân văn của người Việt Nam cùng hội tụ