Cây xanh Hà Nội: Kiến tạo bản sắc đô thị từ bóng mát và ký ức

17/07/2025 10:41 GMT+7 | Văn hoá

Từng hàng cây cổ thụ trên phố Phan Đình Phùng rợp bóng lá sấu, từng mùa sưa trắng lặng lẽ trên phố Phan Chu Trinh, từng thân sao đen thẳng tắp dọc phố Lò Đúc… đã trở thành những giai điệu trầm trong bản giao hưởng cảnh quan Hà Nội - nơi cây xanh không chỉ tạo bóng mát mà còn gìn giữ ký ức sống động của một đô thị văn hóa.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về quy hoạch cây xanh không chỉ để che nắng mà còn kiến tạo bản sắc và nuôi dưỡng ký ức.

"Đại sứ" thầm lặng của thành phố

Trong dòng chảy kiến tạo một đô thị xanh, văn minh và hiện đại, Hà Nội đang đối mặt bài toán quy hoạch cây xanh sao cho hài hòa giữa môi trường và bản sắc đô thị.

Không ít du khách lần đầu đến Hà Nội đều ấn tượng với vẻ thanh bình và cổ kính hiếm thấy ở các đô thị lớn khác. Những con đường như Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… là minh chứng sống động cho sự giao hòa giữa đô thị hiện đại và thiên nhiên xanh mát. Cây xanh nơi đây không chỉ là yếu tố sinh thái mà còn là biểu tượng văn hóa - cảnh quan.

Bà Minh Hà, Việt kiều Đức, gốc Hà Nội chia sẻ, bà xa quê đã lâu nhưng mỗi góc phố, hàng cây vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Hà Nội giờ đây đẹp hơn rất nhiều, đặc biệt các tuyến phố có hàng cây đều tăm tắp, đa dạng sắc màu. Nhiều con phố còn trở thành điểm đến yêu thích để chụp ảnh, tổ chức hoạt động văn hóa.

Cây xanh Hà Nội: Kiến tạo bản sắc đô thị từ bóng mát và ký ức - Ảnh 1.

Không gian xanh công viên Thống Nhất giúp thanh lọc, điều hòa khí hậu và giữ lại nhịp thở tự nhiên cho thành phố. Ảnh: Lê Đông - TTXVN

Trên thế giới, cây xanh cũng là "đại sứ hình ảnh" thầm lặng nhưng hiệu quả, được nhiều đô thị phát huy để định hình bản sắc riêng. Như đường Gonçalo de Carvalho (Brazil) với 500 mét hầm cây Tipuana lộng lẫy, đường Jacaranda tím ngát ở Zimbabwe, đường Baobab cổ thụ độc đáo ở Madagascar hay đường phong rực rỡ bên hồ Kawaguchiko ở Nhật Bản… Điều này cho thấy, quy hoạch cây xanh thông minh có thể biến một con đường bình thường thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Kiến tạo ký ức thị giác và bản sắc Hà Nội

Hà Nội hiện có khoảng 1,8 triệu cây xanh đô thị. Trong quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là đạt diện tích cây xanh đô thị khoảng 10 - 12m²/người. Đây không chỉ là "lá phổi" mà còn được xác định là yếu tố chủ đạo kiến tạo cảnh quan, gìn giữ bản sắc.

Thực tế, Hà Nội có những bước tiến đáng kể trong vài năm gần đây. Nhiều tuyến phố mới như Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp… được quy hoạch trồng cây đồng bộ, hiện đại, gần gũi thiên nhiên. Các loài cây giáng hương, bàng lá nhỏ, chà là, hoa ban… được đưa vào thay thế, làm phong phú thêm hệ thực vật đô thị, đồng thời nâng cao khả năng thích ứng điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn hiện nay không nằm ở số lượng mà ở chất lượng quy hoạch cây xanh và khả năng tạo dựng bản sắc cảnh quan đặc trưng cho từng khu vực.

Cây xanh Hà Nội: Kiến tạo bản sắc đô thị từ bóng mát và ký ức - Ảnh 2.

Công viên Thống Nhất đoạn phố Lê Duẩn. Ảnh: Lê Đông - TTXVN

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần một kịch bản trồng cây xanh cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có câu chuyện gắn với bản sắc từng con phố.

Theo ông, thành phố cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây phù hợp không gian đô thị, thay thế cây không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, môi trường và an toàn cho người dân.

Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Quang Đê (Trường Đại học Lâm Nghiệp) thông tin, Hà Nội đang thiếu vắng những loài cây nở hoa vào mùa Đông. Thành phố cần nghiên cứu bổ sung giống cây phù hợp khí hậu lạnh để bốn mùa đều có hoa nở, tạo cảnh quan sinh động quanh năm.

Một số ý kiến cho rằng, những tuyến phố có bề rộng lớn, không gian thoáng có thể ưu tiên cây bóng mát tán rộng như lát hoa, dầu rái, muồng hoàng yến… Trong khi đó, những tuyến phố nhỏ, vỉa hè hẹp nên khuyến khích trồng các loại cây thấp tầng, hoa dây leo, cây chậu hoặc cây mọc thành bụi như ngọc lan, sứ đại, đậu tía… có thể tạo sự mềm mại, không cản trở sinh hoạt. Một số loại cây đặc trưng như trà bạch, trà đỏ, cây dổi…nên được thử nghiệm để tăng vẻ đẹp và cá tính cảnh quan.

Cây xanh Hà Nội: Kiến tạo bản sắc đô thị từ bóng mát và ký ức - Ảnh 3.

Không gian xanh công viên Thống Nhất góp phần thúc đẩy rèn luyện thể chất trong cộng đồng. Ảnh: Lê Đông - TTXVN

Không chỉ vậy, mỗi mùa, mỗi khu vực nên gắn liền với một "màu hoa riêng" tạo ký ức thị giác cho đô thị. Một "Hà Nội mùa Xuân" ngập sắc hồng của kèn hồng, sắc vàng rực của muồng hoa đào hay Osaka vàng. Một "Hà Nội mùa hạ" đầy lãng mạn với sưa trắng hay phượng vĩ đỏ rực bên hồ… tạo dấu ấn riêng biệt, đủ sức níu chân du khách và thắp lên tình yêu đô thị trong mỗi cư dân.

Từ những mô hình cây xanh thành công trên thế giới, Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi và vận dụng sáng tạo theo cách riêng của mình. Mỗi tuyến phố gắn với một loại cây hoa biểu trưng. Mỗi mùa là một lễ hội sắc màu. Hoặc khai thác triệt để các tuyến đường đi bộ, phố cổ, ven sông để xây dựng "hành lang xanh" với cảnh quan đặc sắc và đậm chất nghệ thuật.

Để cây xanh tạo nên bản sắc Hà Nội cần chiến lược bài bản và dài hạn. Việc tích hợp quy hoạch cây xanh vào chiến lược phát triển văn hóa - du lịch, nhất là các chương trình về công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo UNESCO cần được cụ thể hóa bằng các đề án hành động, cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả. Hà Nội là thành phố sáng tạo UNESCO, việc quy hoạch cây xanh kết nối chặt chẽ với các không gian công cộng như, công viên, vườn hoa, quảng trường, không gian nghệ thuật công cộng, du lịch xanh góp phần tạo hệ sinh thái đồng bộ và hội nhập.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích cộng đồng, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, chăm sóc và bảo tồn hệ thống cây xanh, nhất là ở các khu đô thị mới, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện - những nơi thiếu hụt bóng mát và không gian xanh. Mỗi tuyến phố, khu dân cư nếu có thể trở thành "đơn vị văn hóa xanh", gắn đời sống cư dân, bản sắc đô thị.

Cây xanh Hà Nội: Kiến tạo bản sắc đô thị từ bóng mát và ký ức - Ảnh 4.

Hà Nội rợp bóng cây xanh. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Việc ban hành Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên và hồ điều hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (QĐ 1495/QĐ-UBND), cùng với sự điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 (QĐ 1668/QĐ-TTg) đã tạo nên nền tảng pháp lý và quy hoạch vững chắc cho phát triển không gian xanh, trong đó có cây xanh đường phố.

Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung nhiều điều khoản mới, khuyến khích đầu tư xanh, xã hội hóa công viên và bảo tồn hành lang sinh thái. Để nâng cao tỉ lệ mảng xanh, Hà Nội đang tập trung vào các giải pháp trọng tâm, trước hết đẩy mạnh rà soát, cập nhật quy hoạch bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch phân khu và chi tiết.

Kế hoạch trồng 500.000 cây xanh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 cũng nêu rõ: Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị đồng bộ với quy hoạch, phù hợp đặc điểm của không gian khu vực, đáp ứng yêu cầu mỹ quan đô thị.

Cây xanh không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn là chất liệu kết nối con người với không gian sống. Cây cơm nguội, cây bàng mùa thu, cây phượng mùa hạ… từ lâu đã trở thành những hình ảnh khắc sâu trong âm nhạc, thi ca và ký ức người dân Hà Nội như lời ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ…

Trước áp lực của biến đổi khí hậu và đô thị hóa, lựa chọn sống xanh không còn là xu hướng mà là yêu cầu chiến lược. Một Hà Nội xanh - nơi có bóng cây cho con trẻ nô đùa, có màu hoa cho người già hoài niệm, có những hành lang sinh thái cho phát triển bền vững sẽ là nền tảng để kiến tạo một đô thị nhân văn, đáng sống và giàu bản sắc.

Tuyết Mai/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm