Bóng đá Việt Nam: Chọn đường mà đi

02/05/2024 12:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

Năm 2014, bóng đá Việt Nam từng xác định sẽ làm bóng đá theo kiểu Nhật Bản. V-League thì thuê chuyên gia hàng đầu Nhật Bản sang điều hành trực tiếp, còn đội tuyển thì giao cho HLV người Nhật, ông Toshiya Miura. Bây giờ, hình như chúng ta xoay sang trường phái Hàn Quốc khi dự kiến sẽ đàm phán với một HLV đồng hương của ông Park Hang Seo.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bóng đá Việt Nam nhận nhiều bài học liên tiếp đến từ các đối thủ như Indonesia hay Uzbekistan. Không biết các nhà điều hành bóng đá Việt có rơi vào trạng thái mất phương hướng hay không, nhưng thực tế thì cho đến nay, những gì mà chúng ta có thể làm chỉ là thay một HLV này bằng một HLV khác cho đội tuyển quốc gia.

Năm 2016, cả Uzbekistan và Việt Nam đều lần đầu tiên góp mặt tại VCK U23 châu Á và đều dừng chân tại vòng bảng. Hai năm sau, đây là 2 đội bóng góp mặt ở trận chung kết lịch sử tại Thường Châu – Trung Quốc và U23 Uzbekistan lần đầu tiên vô địch còn U23 Việt Nam cũng có thành tích lớn nhất trên đấu trường châu Á với ngôi á quân.

Nhưng sau đó, hai đội bóng đi theo hai hướng khác nhau. Đội tuyển Uzbekistan với nhiều cầu thủ nòng cốt từng đá trận chung kết tại Thường Châu nay đã là một thế lực của bóng đá châu Á. Còn thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay, tạm xem là chúng ta gần như quay trở lại thời điểm trước năm 2018.

Bóng đá Việt Nam: Chọn đường mà đi - Ảnh 2.

Nam Định tuy đang dẫn đầu V-League nhưng lại không đóng góp bất cứ cầu thủ nào đá chính cho ĐT U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2024 vừa qua. Ảnh: Hoàng Linh

Hãy xem các thành tích của bóng đá Uzbekistan ở những giải bóng đá trẻ. Với lứa tuổi U23, từ năm 2018 đến nay đã 4 lần liên tiếp Uzbekistan vào đến bán kết và có lần thứ 3 vào chơi chung kết cũng như lần đầu có vé dự Olympic.

Ở lứa tuổi U20, từ năm 2018 đến nay họ vô địch châu Á năm 2023 và vào vòng 16 đội U20 World Cup. Với lứa tuổi U17, họ vào bán kết giải châu Á và tứ kết World Cup. Cứ nhìn những thành tích của bóng đá trẻ của Uzbekistan thì sẽ hiểu tại sau đội tuyển quốc gia của họ ngày càng mạnh.

Uzbekistan là ví dụ tiêu biểu cho thấy việc phát triển sức mạnh của nền bóng đá không có con đường tắt nào cả, mà phải từ gốc rễ đó là bóng đá trẻ. Dù từng là quốc gia thuộc Liên Xô, nhưng xét về thể hình, Uzbekistan không có nhiều ưu thế.

Họ vẫn thuộc hàng "thấp bé, nhẹ cân" nếu so sánh với cầu thủ châu Âu. Cụ thể như ở VCK U23 châu Á đang diễn ra, chiều cao trung bình của Uzbekistan chỉ đứng hạng 14, thua cả Indonesia và chỉ hơn U23 Việt Nam đúng 1cm. Uzbekistan đã chọn con đường phát triển bóng đá trẻ để bù đắp cho điểm yếu khiến họ khó vươn lên tốp đầu.

Với Indonesia, cách làm thì khác nhưng chiến lược thì cũng tương tự. Họ giao cho ông Shin Tae Yong nhiệm vụ ngay từ đội U20 nhằm phục vụ cho việc đăng cai giải U20 World Cup (sau đó bị tước quyền đăng cai).

Chúng ta nhìn thấy việc Indonesia thành công với một HLV người Hàn Quốc, nhưng xét về bản chất thì những gì mà Indonesia đang có đến từ sự quyết liệt trong cách thực hiện chiến lược nâng tầm của mình. Họ chấp nhận 3 năm đầu không đạt kết quả tốt khi trẻ hóa đội tuyển, họ sẵn sàng nhập tịch cầu thủ để đạt các mục tiêu ngắn hạn.

Tài năng của HLV Shin Tae Yong chỉ là phần còn lại của tiến trình đó: Một HLV có đẳng cấp đã được chứng minh.

Việc tìm ngay một HLV để quản lý đội tuyển Việt Nam dĩ nhiên là việc phải làm vì AFF Cup 2024 đã cận kề và Việt Nam cần một thành tích tốt để giữ con tàu đi đúng đường ray. Nhưng việc chọn một HLV người Hàn Quốc cho thấy có vẻ như chúng ta đang cố gắng sửa cái sai trước mắt hơn là mang ý nghĩa của một giải pháp tổng thể.

Trong khi đó, hãy nhìn lại thành tích của các đội trẻ Việt Nam. Từ sau lần đoạt vé dự U20 World Cup hồi năm 2016 đến nay, các tuyến trẻ của chúng ta đều thất bại chóng vánh tại các giải U châu Á.

Tham vọng dự World Cup thực ra đã phi thực tế nếu căn cứ vào phong độ của các tuyến U. Ngay cả lúc này, khi cơ hội tham dự World Cup 2026 gần như đã hết, thì World Cup 2030 cũng chẳng có gì rõ ràng cả.

Hệ thống bóng đá trẻ vẫn vậy, VFF cũng chỉ hy vọng ý thức của các CLB, còn các CLB thì "né" được trách nhiệm đối với bóng đá trẻ được lúc nào, hay lúc đó.

Bóng đá Việt Nam cũng không còn một Giám đốc kỹ thuật sau khi ông Jurgen Gede chia tay. Về cơ bản, dù có thuê bất kỳ HLV nào cho đội tuyển thì nguồn cung cấp cầu thủ cho ông ấy vẫn chẳng có gì thay đổi. Đó chắc chắn không phải là cách mà chúng ta hy vọng sẽ thay đổi trong tương lai.

Tóm lại, thay vì chọn người cho đội tuyển, cái cần làm là chọn con đường để đi. Bóng đá trẻ, nhập tịch cầu thủ, "siết" kỷ luật cho V-League… đâu mới là mục tiêu của chúng ta?


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm