Bóng đá trẻ Việt Nam: 'Tiền đâu đám cưới bây giờ?'

11/07/2025 07:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sự kiện 18 cầu thủ trẻ và cả cầu thủ đã trưởng thành (độ tuổi từ 16-20) của CLB TP.HCM sẽ lên đường đi Brazil du học 3 năm trong kế hoạch hợp tác với CLB Gremio (Brazil) trở nên đặc biệt, nhất là khi bóng đá trẻ nói chung và bóng đá thành phố nói riêng, vẫn "ăn đong" từ nhiều năm qua.

Trước đó, hồi tháng 3/2025, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Liên đoàn bóng đá Brazil cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong 3 năm (có điều khoản gia hạn thêm 2 năm) và có thể, 18 cầu thủ của TP.HCM đến Gremio là gói kích hoạt đầu tiên. Phần lớn (nếu không nói là tất cả) các cầu thủ trẻ này đều trưởng thành từ Học viện Bóng đá Juventus (sau này là BMG, tức Bình Minh Group), đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ).

Trong thời gian dài tính bằng nhiều năm, các HLV và học viên của BMG thậm chí còn bị nợ cả tiền lương, lẫn tiền... giày. Về lý, BMG đã vi phạm hợp đồng đào tạo từng ký với các phụ huynh ở khâu tuyển chọn đầu vào. Các bữa ăn bị cắt giảm dưỡng chất, bởi nguồn kinh phí vốn dĩ đã eo hẹp, lại phải dồn cho cả đội 1 CLB TP.HCM và CLB Bà Rịa - Vũng Tàu chơi hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Không rõ số phận của đội hạng Nhất Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ra sao, sau khi thanh lý và không gia hạn hợp đồng với hàng loạt trụ cột, song có vẻ như CLB TP.HCM với phiên hiệu mới trong nay mai sẽ "đổi đời". Bất kể gói hợp tác với Gremio FC có điều khoản biệt đãi như thế nào, thì chắc chắn chi phí cho chuyến tu nghiệp của 18 cầu thủ kéo dài trong 3 năm cũng sẽ rất khủng.

Người quan sát: "Tiền đâu đám cưới bây giờ?" - Ảnh 1.

U13 TP.HCM (trắng) thua U13 SHB Đà Nẵng với tỷ số sát nút 0-1 ở tứ kết U13 toàn quốc 2025 và phải dừng bước. Ảnh: CCKM

TP.HCM sẽ "đón lõng" lứa cầu thủ này, khi họ trở về ở độ tuổi sung mãn nhất, hay sẽ lại là một lần se duyên dang dở nữa như hợp đồng hợp tác đào tạo với Juventus, cách đây hơn nửa thập niên? Thời gian sẽ cho câu trả lời, giờ thì cứ vui đi đã!

Tiếp câu chuyện về bóng đá trẻ, ngoại trừ các Học viện cỡ lớn như PVF, Viettel, Hà Nội hay HAGL, phần lớn các địa phương hiện nay đều gặp khó khăn về tài chính. Ví như An Giang, sau khi khởi đi rất tốt tại Vòng loại bảng E U15 toàn quốc 2025 (đang diễn ra trên sân Thống Nhất), bất ngờ sa sút ở những vòng đấu gần đây. Họ thậm chí thua cả Khánh Hòa và bị bỏ lại. Tương tự là trường hợp của U15 Tây Ninh ở bảng F...

Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, kinh phí dự VCK U15 toàn quốc (lần thứ 2 liên tiếp sẽ diễn ra ở PVF, Hưng Yên) cho một đại diện phía Nam là... quá khó. Đó là lý do một số đội bóng đã chủ động lùi lại, nhường suất chơi cho người khác. U15 TP.HCM - Trí Việt bất ngờ được (hay bị) trao cơ hội, nhưng... "tiền đâu đám cưới bây giờ?". Đây là đội bóng non trẻ, mới lần đầu tham dự Vòng loại U15 toàn quốc, bằng kinh phí hoạt động 100% của tư nhân.

Như đã thông tin, các VCK giải bóng đá trẻ đã, đang và sắp diễn ra từ Bình Dương (U13), Tây Ninh (U9), Quảng Nam (U11), PVF (U15)..., rất sôi động. Song, đó dường như vẫn chỉ là cuộc chơi của một số đội bóng (hay địa phương), có tiềm lực kinh tế. Nguồn lực xã hội, hay chúng ta vẫn gọi là xã hội hóa, thực ra vẫn từ túi tiền của các phụ huynh. Phụ huynh đóng tiền để con em được chơi bóng, thay vì đáng ra, bóng đá phải nuôi được chính cơ thể mình.

Bóng đá trẻ Việt Nam rất tiềm năng, nhưng làm sao để kích hoạt tiềm năng ấy theo một chiến lược bài bản, có chiều sâu và có lớp lang, vẫn là một bài toán nan giải.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm