08/05/2025 10:00 GMT+7 | Văn hoá
Thống kê từ khối tư liệu rìu chiến Đông Sơn có thể nhận ra 10% lợi hình rìu chiến có lưỡi xòe cân. Đây sẽ là chủ đề được tập trung trong buổi "rì rầm từ tiếng đất" kỳ này, sau chuỗi 3 bài nói về các loại rìu chiến lưỡi lệch.
1. Phân loại khảo cổ học về rìu chặt Đông Sơn thường chia hai loại chính: lưỡi lệch (xéo) và lưỡi cân. Trong loại hình lưỡi cân, tùy độ cong của rìa lưỡi mà phân nhỏ hơn thành dạng hình chữ nhật, hình thang hay "búa rìu" - những lưỡi rìu cong xòe rộng sang hai bên.
Rìu chiến lưỡi xòe cân đa phần thuộc loại "búa rìu" này, bởi lẽ đường lưỡi rộng phù hợp cho chức năng vũ khí. Chiếc rìu chiến lưỡi xòe cân lớn nhất chúng tôi đã thấy có đường lưỡi cong với độ dài 30 cm.
Tiếp theo truyền thống những bài trước, bài này sẽ tập trung vào những rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe cân có trang trí hoa văn.
Hình trên: Chiếc rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe cân được trang trí đẹp nhất thuộc sưu tập của Mac Clean (Mỹ) và một số rìu chiến lưỡi xòe cân Đông Sơn khác ở hình bên dưới (hai hình bên trái là trang trí hai mặt trên chiếc rìu thuộc sưu tập CQK (California) và hình bên phải là của một sưu tập tư nhân ở Hà Nội)
Trong bài mở đầu về vũ khí chặt, bổ, tôi đã giới thiệu lưỡi rìu chiến có hoa văn đẹp nhất. Đây là loại rìu phân bố ở vùng Đông Sơn miền núi phía bắc. Cùng với lưỡi rìu trong sưu tập của Mac Clean, tôi đã từng chứng kiến một số chiếc rìu cùng loại với những đồ án trang trí đều rất đẹp, chỉ khác nhau chút ít. Đó là chiếc rìu trong các sưu tập của CQK (California, Mỹ), Đặng Tiến Sơn (Hà Nội), Nguyễn Văn Phẩm (TP.HCM)…
Điều dễ thấy điểm chung của những chiếc rìu kể trên là ở dáng thanh thoát trên phần họng cán với kiểu họng mở hình đuôi cá thuôn hẹp dần về phía bản lưỡi, tạo eo rồi lượn xòe rộng như tán váy của vũ nữ. Trên phần xòe rộng đó chính là nơi chủ nhân yêu cầu thợ đúc tạo ra những đồ án tâm linh mong muốn.
Trên bản lưỡi của chiếc rìu Mac Clean, chúng ta thấy nghệ nhân thể hiện một thế giới đa tầng với muông thú trong không gian nhiều chấm sao lung linh huyền ảo.
Trên cùng, ở phần họng rìu là năm tầng hoa văn hình sừng như vành trăng hình lưỡi liềm nằm ngửa. Chúng ta đã từng thảo luận về biểu tượng này khi chúng xuất hiện ở giữa tấm che ngực hay trên đầu những vị thần hộ mệnh.
Kiểu rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe cân thường thấy ở Thanh - Nghệ Tĩnh với dạng trang trí hình học trên bản lưỡi (Sưu tập Bảo tàng Tiền sử Phạm Huy Thông, Kim Bôi, Hòa Bình)
Phía dưới gồm các tầng muông thú được xếp đặt có chủ đích: Lớp trên cùng là nhóm 4 giao long. Dưới đó là đôi hổ châu đầu, nhìn vào một hình chữ thập như vị trí chính giữa bản lưỡi rìu. Dưới nữa là đôi voi đang chụm đầu đối nhau. Sau đuôi hai con voi có hình như người bò, nhưng có lẽ đó là hai con hổ con, theo đuôi hai con hổ lớn bên trên. Dưới cùng, ngay sát rìa lưỡi là bốn con huơu có sừng chia làm hai cặp đối xứng, châu đầu vào giữa, nơi có một chim bồ nông đang đứng. Cảnh tượng vừa trang trọng vừa thanh bình được lồng bên những chấm sao nổi và viền băng hình răng cưa chìm nổi.
Chiếc rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe trong sưu tập CQK cũng được trang trí kín hai mặt bằng những hình sừng chữ "C" nằm ngửa, giao long và chim.
Chiếc rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe trong sưu tập của Nguyễn Văn Phẩm (TP.HCM) lại bám phong cách giao long hai bên và rùa ở chính giữa. Còn của Đặng Tiến Sơn, cho dù rìu đã bị vỡ, nhưng vẫn thấy đàn chim dang cánh đối đầu bao quanh rìa lưỡi hai bên…
Loại rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe cân có gờ cánh dày trên vai bản lưỡi (hình trái), thảng hoặc có hình trang trí chiến binh trên thuyền (hình phải)
2. Trong vùng loại hình Đông Sơn miền núi Thanh - Nghệ mà tôi thường dùng cách gọi là loại hình Đông Sơn Làng Vạc có kiểu rìu chiến lưỡi xòe rất gần gũi với loại hình miền núi phía bắc mà tôi kể trên.
Những rìu này tạo hình rất đẹp với họng tra cán thanh gọn, mở hình đuôi cá. Bản xòe đều tạo độ cong của lưỡi nhiều hơn. Một số rìu vê hai đầu lưỡi thành hai cuộn cong rất đẹp. Phần bản lưỡi thường trang trí bằng những đồ án hình học tia dẻ quạt, chứ ít khi thấy hình người, thú.
Ngoài ra, chúng ta vẫn bắt gặp những rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe cân trang trí chiến binh trên thuyền. Dường như độ cong đều của lưỡi rìu rất dễ gợi mở cho tạo dáng những con thuyền.
Chiếc rìu chiến Đông Sơn lưỡi xòe cân miền núi tôi giới thiệu bên dưới đây thuộc một loại hình khác. Đây là kiểu rìu Đông Sơn phía nam gắn với đồng bằng ven biển Thanh - Nghệ Tĩnh. Đặc trưng là gờ nổi dày ở phần cánh vai rìu. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là lưỡi cày Đông Sơn, loại hình Thanh - Nghệ Tĩnh. Tôi cho chúng là vũ khí bổ, chặt. Trên bản lưỡi rìu mà chúng ta đang nhắc đến có hình chiến binh trên thuyền. Dáng cong của đáy thuyền độc mộc song song với lưỡi sắc của rìu.
"Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là lưỡi cày Đông Sơn, loại hình Thanh - Nghệ Tĩnh. Tôi cho chúng là vũ khí bổ, chặt" - TS Nguyễn Việt.
(Còn nữa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất