Ứng dụng công nghệ số quảng bá vùng đất "rừng trầm, biển yến"

08/05/2025 16:06 GMT+7 | Văn hoá

Ứng dụng công nghệ số trên không gian mạng internet, anh Nguyễn Khắc Duy (sinh năm 1990), Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa đã tạo nên nhiều hình ảnh, clip về văn hóa và lịch sử của đất nước nói chung và vùng đất "rừng trầm, biển yến" nói riêng. 

Nhiều sản phẩm của anh đã tiếp cận trường học để tạo sự yêu thích, thúc đẩy học sinh tìm hiểu về ứng dụng số trong học tập.

Quảng bá văn hóa địa phương

Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có nhiều điểm đến hấp dẫn về thiên nhiên, di tích văn hóa, lịch sử như: Tháp Bà Ponagar, đảo Hòn Yến, tháp Trầm hương… cùng nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc biệt hấp dẫn như: lễ hội cầu ngư, lễ hội Yến sào, bài chòi, lễ hội Tháp Bà Ponagar… Để những giá trị văn hóa lịch sử trên đi sâu vào lòng du khách, anh Duy đã nảy ra ý tưởng biến các hình ảnh thực tế thành những hình ảnh động, có kèm video thuyết minh dựa trên các công cụ trí tuệ nhân tạo có sẵn.

Truyền tải văn hóa hấp dẫn nhờ ứng dụng công nghệ số - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Khắc Duy sáng tạo các sản phẩm quảng bá văn hóa - lịch sử trên công cụ máy tính và công nghệ số trên không gian mạng. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Theo anh Duy, việc quảng bá văn hóa ở một điểm đến nếu du khách chỉ quét mã QR và tự đọc thì không hấp dẫn bằng việc khi quét mã hiện lên những video thuyết minh sinh động. Trước mắt, để tạo hiệu ứng quảng bá, anh Duy sử dụng các câu lệnh để tạo nên các hình ảnh dưới dạng mô hình có âm thanh để đăng tải trên nền tảng mạng xã hội, website của Trung tâm, nhận được sự quan tâm của người xem rất lớn.

Truyền tải văn hóa hấp dẫn nhờ ứng dụng công nghệ số - Ảnh 2.

Những cảnh đẹp của thành phố Nha Trang được anh Duy sáng tạo nên dựa trên các công cụ trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TTXVN

Nói về sản phẩm video số “Lễ hội cầu ngư” từ trí tuệ nhân tạo, anh Duy cho biết, anh tìm hiểu rất kỹ các thông tin lễ hội từ những người lớn tuổi ở địa phương, các bài nghiên cứu, bài báo viết về lễ hội này ở Khánh Hòa. Thu thập được thông tin, anh chuyển ngữ tiếng Anh đưa vào câu lệnh của một ứng dụng trí tuệ nhân tạo, để ứng dụng này chuyển đổi thành một bức ảnh minh họa kiểu hoạt hình, vừa hấp dẫn, thú vị lại dễ dàng tiếp cận mọi người. Không chỉ dừng lại ở hình ảnh, anh Duy tiếp tục ứng dụng công nghệ số tạo thành một sản phẩm hình ảnh có hiệu ứng, lồng ghép điệu hò bá trạo của ngư dân Nam Trung Bộ, cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh đăng tải quảng bá về lễ hội cầu ngư của Khánh Hòa.

Truyền tải văn hóa hấp dẫn nhờ ứng dụng công nghệ số - Ảnh 3.

Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa được sáng tạo bằng công nghệ số. Ảnh: TTXVN

Hay như khi muốn thể hiện về di tích và lễ hội Tháp Bà Ponagar hằng năm của tỉnh Khánh Hòa, anh Duy cẩn thận từng chi tiết về trang phục của đồng bào Chăm khi họ thực hiện các nghi thức cúng tế và những hình ảnh của Tháp Bà Ponagar đúng nguyên bản nhất, tạo sự thu hút đặc biệt ấn tượng khi đăng tải nội dung. Trong tương lai, để các sản phẩm số được ứng dụng vào thực tiễn có hiệu quả hơn nữa, anh Duy dự tính sẽ thực hiện dự án in 3D, tạo nên các sản phẩm lưu niệm có hình ảnh về văn hóa, điểm đến của tỉnh Khánh Hòa.

Tính đến nay, anh Duy đã có hàng chục sản phẩm quảng bá văn hóa - lịch sử được tạo nên từ công nghệ số. Nói về quá trình thực hiện các sản phẩm này, anh Duy khẳng định, dù đang công tác trong lĩnh vực văn hóa nhưng anh rất tò mò về công nghệ, thích sáng tạo và đặc biệt là trong xu hướng công nghệ số lên ngôi như hiện nay, việc quảng bá văn hóa bằng các ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo rất quan trọng.

“Là người trẻ sống trong kỷ nguyên vươn mình phát triển như hiện nay, bản thân càng phải học tập, nâng cao hiệu quả tuyên truyền văn hóa - nhiệm vụ chính trị của trung tâm”, anh Duy chia sẻ.

Công nghệ chạm vào cảm xúc

Không chỉ học cho mình, anh Duy còn dành thời gian rảnh của mình đến với các trường học tại thành phố Nha Trang để chia sẻ các kiến thức về cách sử dụng các công cụ số, tạo nên các sản phẩm số hay, hấp dẫn cho học sinh.

Ở tiết học ngoại khóa của lớp 9A, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, anh Duy đã mở đầu buổi chia sẻ với video Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Đây là nội dung học sinh đã được học trong sách giáo khoa, nhưng qua tiết học của anh Duy chia sẻ, các bạn học sinh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị hơn.

Truyền tải văn hóa hấp dẫn nhờ ứng dụng công nghệ số - Ảnh 4.

Sản phẩm Tháp Bà Ponagar Nha Trang và người dân Chăm tín ngưỡng hành lễ được chế tạo từ các công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TTXVN

Em Trần Ngô Huy Hải, học sinh lớp 9A cho biết, với em, buổi học không chỉ là kiến thức lịch sử thông thường mà là một buổi truyền cảm hứng, động lực cho em sử dụng trí tuệ nhân tạo vào việc học có hiệu quả hơn. Trước kia, em chỉ dùng những câu lệnh đơn giản để tìm hiểu các bài học, nay em có thể sử dụng nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo để làm cho các bài học thành các sản phẩm video dễ hình dung, dễ quan sát và học tập ở các môn lịch sử, địa lý. Hải cũng khẳng định, em sẽ sử dụng công nghệ số một cách hợp lý, có sản phẩm hữu ích sẽ đăng tải chia sẻ để các bạn trong lớp cùng học, cùng nâng cao cách sử dụng công nghệ số.

Cùng giống Hải, em Nguyễn Ngọc Trinh của lớp 9A cho biết, bài học trong tiết Lịch sử nhờ công cụ trí tuệ nhân tạo giúp em hứng thú nhiều hơn với môn học. Có hình ảnh, âm thanh nổi bật, những kiến thức khó nhớ nay rất dễ đọng lại, tạo nên xúc cảm đặc biệt trong quá học tập của học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Phát, giáo viên Lịch sử - Địa lý, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner cùng tham gia buổi ngoại khóa thú vị trên tin rằng, thầy sẽ làm nên những bài giảng hấp dẫn, sống động, đáp ứng cho việc dạy và học cho học sinh trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Với sự truyền cảm hứng của anh Nguyễn Khắc Duy, tôi cũng như các em học sinh về sau sẽ thực hành nhiều hơn ứng dụng số, tạo nên những bài học hay cho các em, giúp các em hứng thú với mỗi giờ lên lớp”, thầy Phát chia sẻ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm