Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 01 Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight), các giải đồng hạng mang tên Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire) và một số Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo.
Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên và bộ phận thường trực.
Trải qua 5 mùa giải đã có 3 giải Hiệp sĩ Dế Mèn lần lượt được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (2020), Trần Đức Tiến (2023), Lý Lan (2024) cùng 23 giải Khát vọng Dế Mèn, 4 Tặng thưởng được trao cho các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có 7 tác giả là thiếu nhi.
Mùa giải thứ 6 năm 2025 được khởi động từ 14/3/2025, đã xem xét, thẩm định 97 tác phẩm thiếu nhi tiêu biểu được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời trong năm 2024 - 2025 (cụ thể, từ 1/1/2024 - 20/4/2025). Các tác phẩm này đến từ 2 nguồn: Một là từ các tác giả trực tiếp gửi dự thi; Hai là từ sự đề cử của các nhà xuất bản và lực lượng cộng tác viên thân thiết của báo Thể thao và Văn hóa - những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, những người yêu mến nghệ thuật thiếu nhi và luôn theo dõi sát sao những sáng tác mới nhất.
Từ những tác phẩm này, qua 2 vòng chấm, bộ phận thường trực của Hội đồng giám khảo đã chọn ra Top 10 tác phẩm, chùm tác phẩm xuất sắc nhất vào chung khảo. Top 10 chung khảo được đánh giá là khá phong phú về mặt thể loại, quy tụ đông đảo nhiều thế hệ tác giả tham gia.
Trong đó, có tác phẩm của nhạc sĩ gạo cội Phạm Tuyên và con gái Phạm Hồng Tuyến (Về quê - Khúc đồng dao của bé); có tác phẩm của thiếu nhi (Bộ 14 tranh của Phạm Hải Nguyên, 13 tuổi); có truyện tranh (Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá của nghệ sĩ Quang Thảo và Comicola Studio), có thơ (À ơi của Vũ Thị Thanh Tâm và Có một Trái Đất phẳng trong mắt em của Lý Thăng Long)…
Đáng chú ý trong top 10, riêng tác giả Dy Duyên có 2 cuốn truyện lọt vào chung khảo (Từ những ruộng rau ở trang trại Cúc Cu và Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố). Bên cạnh đó top 10 năm nay cũng có sự trở lại của nhiều tác giả từng ghi danh tại Giải thưởng Dế Mèn như Vũ Thị Thanh Tâm, Đặng Chương Ngạn, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy…
Từ Top 10 tác phẩm xuất sắc, Hội đồng giám khảo do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng, sẽ bắt đầu quy trình chấm chung khảo vào ngày 20/5 tới để chọn ra 01 giải Hiệp sĩ Dế Mèn (nếu có) và các giải Khát vọng Dế Mèn.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào dịp 1/6 tới tại Hà Nội. Năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trở thành Đại sứ Truyền cảm hứng của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Vừa qua, tại Hà Nội, nhà báo Nguyễn Thiện Thuật – Tổng biên tập Báo Thể thao và Văn hóa/TTXVN - đã chính thức trao Bằng chứng nhận Đại sứ truyền cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
120 năm lưu lạc của rùa xám đen Hy Lạp - ngay từ tên gọi đã thể hiện được độ dài của thời gian cũng như độ rộng của không gian mà tác giả muốn dồn nén lại trong tác phẩm công phu này. Hành trình của một chú rùa suốt hơn một thế kỷ là ý tưởng khơi gợi, mà cũng hoài niệm, nhắc nhớ về những tác phẩm phiêu lưu lớp lang, kỳ thú, trong dòng văn học thiếu nhi.
Theo đó, tập truyện kể về hành trình lưu lạc 120 năm kỳ lạ của một chú rùa, qua rất nhiều vùng đất và những sự kiện lịch sử lớn của nhân loại. Cuối cùng chú dừng chân ở Việt Nam. Ở mỗi không gian và thời gian đó, chú rùa gặp trải qua những nỗi buồn và niềm vui, và ngẫm ra nhiều bài bài học của cuộc sống. Đây là một bản thảo có ý tưởng sáng tạo và đầy tham vọng.
Bản thảo tập thơ thiếu nhi mang tên À ơi của Thanh Tâm và Windy Trúc Hoàng là một tuyển tập gồm 26 bài thơ, mà mỗi bài như một nhịp nối dịu dàng và mới mẻ của lời ru xưa, được viết bằng tâm hồn trong trẻo, tình yêu thương sâu sắc với trẻ em và khát vọng gìn giữ dòng chảy tâm hồn Việt Nam.
Tựa như những câu ru "à ơi" thuở nào vọng ra từ lòng mẹ, từ mái hiên làng quê, từ lời bà ngoại bên bếp lửa, À ơi tái hiện nhịp thở ấy bằng hơi thơ hiện đại nhưng đầy chất truyền thống. Mỗi bài thơ là một thế giới nhỏ lung linh, nơi con trẻ được chạm vào thiên nhiên, cảm nhận tình thân, học cách lắng nghe cảm xúc và lớn lên trong ánh sáng của trí tưởng tượng.
Có thể nói rằng, À ơi đã thể hiện một nỗ lực đáng quý của hai tác giả nhằm khơi lại dòng mạch lời ru - một di sản văn hoá đang dần mai một trong đời sống hiện đại. Thơ và tranh minh họa hòa quyện vào nhau trong sự nhịp nhàng, khiến toàn bộ bản thảo như một bức tranh chi tiết của những giấc mơ thơ trẻ, với sự tồn tại và cuộc dạo chơi cùng các vị thần, với dòng sữa ngọt, với câu hỏi ngây thơ "con từ đâu đến?", với lần đầu đi chơi có nắng vàng êm và gió trời xanh lùa qua má nhỏ,… Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ giúp các bạn đọc nhỏ tuổi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và kết nối với cội nguồn yêu thương - tình cảm gia đình.
Tập thơ không kể những câu chuyện ồn ào, mà chọn cách trò chuyện nhẹ nhàng với tuổi thơ: một chú cún cũng biết lắng nghe, một tán cây biết chờ đợi, một thiên nhiên ôm ấp được những rung động vi tế nhất nơi con người: "Bé con rồi sẽ biết/ Những nức nở đầu tiên: Càng lớn giữa thiên nhiên/ Tim càng hay rung động…". Dường như với À ơi, ngôn ngữ của yêu thương và sự dịu dàng được cất lên bằng âm hưởng thơ ca, như một sự tiếp nối di sản của lời ru mẹ ngày xưa. À ơi cũng chính là minh chứng cho khả năng hồi sinh của văn hóa lời ru trong hình thức hiện đại - không chỉ qua tiếng hát mà bằng câu chữ, hình ảnh được viết nên cùng với biết bao tâm sự nâng niu. Trong bối cảnh đời sống số đang cuốn trôi nhiều giá trị nền tảng, việc viết thơ như thế cho trẻ em không chỉ là một nỗ lực sáng tạo, mà còn là một hành vi gìn giữ tâm hồn dân tộc.
Với giọng thơ trong sáng, hình ảnh nên thơ và cảm xúc tinh tế, bản thảo À ơi thực sự sẽ trở thành một món quà quý cho các bậc phụ huynh, thầy cô và những ai quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ bằng ngôn ngữ đẹp đẽ và nhân hậu.
Từ nhỏ, họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên đã sớm bộc lộ thế giới quan sâu sắc của mình về những sự việc diễn ra trong cuộc sống xung quanh qua bộ tranh này. Nguyên có tư duy khá sâu sắc về con người và những sự việc diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Tuy mới 13 tuổi, nhưng nhãn quan của Nguyên có phần trưởng thành khá sớm. Sự trưởng thành ấy đã được Nguyên khắc họa bằng màu acrylic qua các đề tài như: Tham vọng, Cơn ác mộng, Tự do, Lao động… Nguyên đã có triển lãm cá nhân đầu tay Góc nhìn đa chiều tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) hồi 8/2024.
Tranh của Nguyên thể hiện sự quan sát tỉ mỉ mọi khía cạnh của cuộc sống mà em được tiếp cận, hình dung qua suy nghĩ và con mắt của trẻ thơ, đặc biệt là góc nhìn về những điểm nổi bật của con người - điều mà ít bạn bè đồng trang lứa với em ghi nhận được. Song, Nguyên cũng không đánh mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của một cậu bé đang tuổi cắp sách tới trường. Ở tranh của họa sĩ nhí này, có thể nhìn thấy sự kết hợp của suy nghĩ già dặn và sự ngộ nghĩnh của trẻ thơ.
Về bút pháp, tranh phong cách biểu hiện của Nguyên chịu ảnh hưởng của Picasso - danh họa mà em rất thần tượng, luôn tìm cách học hỏi - nhưng gần đây Nguyên chuyển dần qua vẽ trừu tượng, "vẽ xóa hình", nên sự ảnh hưởng này phai dần.
Sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn, trong gia đình không có ai theo nghệ thuật. Nhưng ngay từ 5 tuổi Nguyên đã bộc lộ năng khiếu hội họa của mình, lại ở gần nhà họa sĩ Hoàng Văn Điểm, nên theo học vẽ từ năm lớp 4. Nguyên cũng là bạn của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang - từng được trao giải Khát vọng Dế Mèn tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2023.
Có một Trái Đất phẳng trong mắt em là một tập thơ thiếu nhi đặc biệt, giàu triết lý và suy tư, thể hiện tầm nhìn sâu sắc của người trẻ viết cho thế giới của trẻ em. Với giọng thơ vừa dịu dàng vừa bản lĩnh, tập thơ chạm đến những vấn đề lớn như chiến tranh, môi trường, công nghệ, tình thương và sự khác biệt, nhưng luôn giữ được sự tự nhiên và đầy tính biểu tượng trong cách diễn đạt.
Giọng điệu thơ thấm đẫm sự tâm tình, thân mật. Tác giả chọn cách trò chuyện khẽ khàng với bạn đọc nhỏ tuổi, bằng những hình ảnh gần gũi và gợi cảm xúc, và chính sự dịu dàng ấy khiến thơ trở nên dễ đón nhận hơn, dù đang nói về những điều tưởng chừng rất phức tạp.
Điểm đáng trân trọng của tập thơ còn nằm ở sự tinh tế trong lựa chọn đề tài. Với 26 bài thơ, tác giả di chuyển linh hoạt giữa những bài thơ ngắn đầy nhịp điệu như Mèo mù vớ cá rán hay Điệu cười của Trứng tươi, đến những bài thơ mang đậm chất tự sự như Tôi gói gửi em hay Khi tôi lớn lên. Đề tài rất đa dạng: từ giấc mơ trẻ nhỏ, tình cảm gia đình, hành trình lớn lên, cho đến những suy tư về thời đại phẳng, nơi thế giới vừa rộng lớn vừa cô đơn. Chẳng hạn, những con "quái vật thuôn dài" trong bài số 6 là hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho các ống khói nhà máy - vừa gây tò mò trẻ nhỏ, vừa khơi dậy ý thức môi trường.
Có thể khẳng định rằng dù viết cho thiếu nhi, Có một Trái Đất phẳng trong mắt em không dừng lại ở việc làm bạn với trẻ thơ, mà còn mở ra một không gian suy ngẫm dành cho người trưởng thành. Những ai đã từng là trẻ con - từng tin vào cổ tích, từng thắc mắc về thế giới - sẽ tìm thấy trong tập thơ này một tấm gương soi lại chính mình, và cả một ước vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá xoay quanh câu chuyện thuyền trưởng Sinbad được mời đến Vịnh Tiên Cá để dự buổi trao Thủy ngọc Quyền năng cho Công chúa Mê Ly. Tuy nhiên, Tiên cá Đen Mê La có ý định chiếm Thủy ngọc nên quyết tâm ngăn cản. Thuyền trưởng Sinbad bắt đầu cuộc hành trình bảo vệ chân lý, tiêu diệt cái ác, mang lại sự bình yên cho dòng họ Tiên cá Trắng. Tiên cá Đen sau khi được yêu thương thì cũng nhìn nhận lại bản thân và nhận ra nhiều bài học giá trị.
Tác phẩm là lời nhắc nhở cho các bé về tầm quan trọng của tình yêu thương và ý thức bảo vệ đại dương, bảo vệ môi trường sống của muôn loài. Đáng chú ý, tập truyện đã được chuyển thể thành kịch, thuộc chuỗi kịch Ngày xửa ngày xưa. Vở này đã bán hơn 14.000 vé.
Đây là chuyện kể về việc hai chị em Mai và Pu bị bố mẹ "thả" về quê ở với ông bà, tách rời khỏi điện thoại, iPad - những thứ chiếm vai trò quá lớn trong đời sống những đứa trẻ đô thị - với mong muốn hai đứa trẻ sẽ được "rèn luyện cho cứng cáp", "kết nối với tự nhiên và nguồn cội".
Ở Cuốn cổ thư của một mẫu thần, người đọc được tác giả dẫn dắt bay xa hơn trong thế giới được tạo ra bởi hư cấu, tưởng tượng, nhưng vẫn nguyên vẹn thế giới trẻ thơ với ngôn ngữ, giọng điệu hồn nhiên của trẻ. Thế giới vùng quê miền núi bỗng như rộng ra, thêm phần huyền bí nhờ tuổi thơ không ngừng khám phá. Tác giả đã cài cắm, đan xen các tình tiết truyện khêu gợi trí tò mò, khiến người đọc hồi hộp, thậm chí không ít lần "thót tim" trước những pha mạo hiểm của lũ trẻ.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã viết được một cuốn sách hấp dẫn, lồng ghép những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục mà không tạo cảm giác khiên cưỡng, phù hợp với tâm lý trẻ thơ ham phiêu lưu, học hỏi và thả cho trí tưởng tượng bay xa. Tác giả còn khéo léo lồng ghép vào truyện những câu chuyện kể, những bài ca đẹp đẽ, những câu ca dao tục ngữ thú vị, dĩ nhiên có sự "biến tấu" phù hợp với lứa tuổi và tâm lý tiếp nhận.
Trước tiên, tập truyện Từ những ruộng rau ở trang trại Cúc Cu mở ra vẻ đẹp "siêu thực" ở nông trại Cúc Cu, khi đàn vịt đi bắt sâu để bảo vệ vườn rau cùng con dơi, con mèo. Trong thế giới "siêu" cổ tích đó, rất nhiều chi tiết tỏa sáng lấp lánh như cảnh con mèo và con dơi dậy từ tinh mơ bắt sâu và lần đầu tiên chúng trải nghiệm cảm giác… đón bình minh; là thư viện kia, nơi con chuột giữ sách luôn cảm thấy thấy buồn vì cuốn sách hay không có người đọc… Đây là câu chuyện về môi trường xanh, về bài học chiến thắng nỗi sợ theo một cách thức rất "thiền" - phải nhìn thẳng vào nó thì mới nhìn thấy nó - là con mèo muốn lao động; là con thỏ hoang cũng biết đòi quyền được ăn rau và điều đó khiến cho ông chủ vườn rau đã mở lòng, cho mọi loài vật được vào một khu để ăn rau thoải mái - một triết lý sinh tồn, cùng tồn tại hài hoà. Ở khía cạnh nghệ thuật, tập truyện sở hữu văn phong tinh tế, dựng lên cả một thế giới sống động kỳ lạ, đáng kinh ngạc…
Trong khi đó, tập truyện Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố, có một nhan đề mộc mạc, giản dị, nhưng đủ để khơi gợi người đọc bước vào thế giới giả tưởng mà người viết và người vẽ tạo ra. Phần chữ và phần tranh kết hợp tương đối ăn ý trong tông màu xám, xanh. Ý tưởng về việc mỗi người đều có một cái hố - một nỗi đau, một mất mát nào đó - vĩnh viễn không thể lấp đầy, được tác giả kể chuyện theo cách rất tinh tế để cho cả trẻ con và người lớn đều đọc và đều có thể thích được (với những nhân vật như em bé, quái vật, cấu trúc cốt truyện theo hướng giải đố, nhưng hóa ra đây lại là một câu đố không thể giải, chỉ có thể biết nguyên nhân và chấp nhận tình trạng bất toàn này của cuộc sống). Truyện để lại một dư âm tươi đẹp về sự cảm thông, đồng hành giữa người với người mà không cần đến những lời giáo điều, lên giọng dạy dỗ. Đây là một hiệu ứng cảm xúc tuyệt vời mà ít truyện nào viết cho thiếu nhi có thể làm được.
Tập truyện gồm nhiều câu chuyện nhỏ thấm đẫm hồi ức, kể về tuổi thơ của cậu bé Toàn (tuổi Nhâm Tý, 1972) và bốn "thằng bạn" cùng lớp và cùng sống trong một khu tập thể. Những chuyện đi học, giúp cha mẹ, những trò giải trí, quậy phá của năm nhân vật chính (trong đó nổi bật nhất là "tôi" và thằng Thủy) diễn ra trong cái xã hội thu nhỏ của Khu tập thể công nhân xây dựng cầu Thăng Long ở ngoại thành Hà Nội - mà ta có thể gọi là Khu tập thể đường tàu hay Khu tập thể giữa những cánh đồng. Cuộc sống thời bao cấp với tất cả những khó khăn, vất vả nhưng không thiếu tình yêu, sự đùm bọc, san sẻ, thậm chí những hành động anh hùng của cư dân khu tập thể được phác họa rất sinh động thông qua những câu chuyện của những đứa trẻ.
Những câu chuyện được kể dễ thương, trong vắt như những giọt nước mưa, tự nhiên như hơi thở nhưng không kém phần "lầy lội" như bùn đất ngoại thành. Được viết dưới dạng truyện ký, nội dung truyện gợi lên những ký ức thân thương, đặc biệt về cuối truyện có nhiều chi tiết cảm động như về nhân vật chú Xô, người công nhân xung phong đi bảo vệ biên giới và hy sinh.
Mặt khác, từ góc độ truyện ký tư liệu, truyện có chất liệu sinh động về kỷ niệm tuổi thơ của đội ngũ "con em công nhân cầu đường" với nhiều chi tiết chân thực, thấm thía.
Tập truyện kể về 2 cậu bé thành phố được ba mẹ cho về sống cùng ông nội trọn vẹn mùa Hè tại một trang trại rộng lớn. Trước mắt các cậu nhóc, cuộc sống mỗi ngày lại lật mở một trang kì thú: Từ quan sát cây cỏ muông thú xung quanh đến chuyến thám hiểm vào tận rừng nguyên sinh. Từ những người bạn vô tư đáng mến ở cùng trang trại đến những người lớn mang theo kí ức thăng trầm…
Không chỉ là câu chuyện sống động về trẻ thơ và thiên nhiên, Trang trại cuối rừng còn là bản nhạc với dư âm lắng đọng. Thả hồn vào từng trang sách, đến cuối cùng người đọc sẽ nhận ra, trên mảnh đất trải qua bao cuộc đổi thay, luôn còn đó sức sống mãnh liệt của thiên nhiên cùng sự bao dung vĩnh cửu của trái tim con người.
Dấu ẩn nổi bật của tập truyện này là màu sắc tình cảm, ấm áp về tình yêu cuộc sống gần gũi thiên nhiên, núi rừng và tình người sau những biến thiên. Thông qua chuyến về trang trại ông nội của 2 đứa trẻ, truyện tái hiện lại cuộc đời ông bà nội từ chỗ là người ở trọ cho chủ đất đã học hành vươn lên, trong khi con ông chủ đất thì lại thất bại. Dẫu vậy, họ vẫn có lối sống nghĩa tình cảm động, cuối cùng bắt tay nhau hợp tác để xây dựng trang trại phồn vinh.
Trong hơn 700 ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên dành riêng hơn 200 bài viết cho thiếu nhi. Những ca khúc như Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Tiến lên đoàn viên… đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của bao thế hệ. Thế nhưng, ít ai biết rằng ông còn có một "kho báu" đặc biệt: 41 bài đồng dao cổ được ông phổ nhạc, ẩn chứa vẻ đẹp hồn hậu và gần gũi của văn hóa dân gian Việt Nam.
Lần đầu tiên, sau bao năm nằm im trong cuốn sổ nhạc, "kho báu" ấy đã được giới thiệu qua dự án sách Khúc đồng dao của bé mà chính con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - là người kể chuyện!
Bộ sách gồm 5 tập, trong đó Về quê là tập đầu tiên, giới thiệu "kho báu" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Trong số 41 bài đồng dao được công bố trong dự án sách, chỉ có 5 bài là đã từng có bản thu: Rềnh rềnh ràng ràng, Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Bầu và Bí, Con chim chích chòe. 36 bài còn lại đều lần đầu tiên được thu âm - trong đó có nhiều khúc đồng dao quen thuộc như Mau mau tỉnh dậy, Thương con ba ba, Cái cò đi đón cơn mưa, Cái bống…
Không dừng lại ở việc "giới thiệu bài hát", Khúc đồng dao của bé chọn hình thức sách đa phương tiện, kết hợp giữa kể chuyện, âm nhạc, minh họa và mã QR để nghe nhạc, nghe kể chuyện - tạo thành trải nghiệm liên hoàn cho trẻ nhỏ.
Những mã QR được gài khéo léo trong từng trang sách giúp trẻ tự tìm tòi và tương tác. Không ít phụ huynh và giáo viên đã chia sẻ rằng, khi đọc cùng con, họ cảm thấy Về quê không chỉ khơi gợi tình yêu quê hương trong trẻ nhỏ, mà còn đưa người lớn trở về với những miền ký ức trong veo của tuổi thơ - nơi từng câu đồng dao, lời ru là tiếng hát nuôi lớn tâm hồn.
Có thể nói, mỗi tập sách trong bộ Khúc đồng dao của bé là một nỗ lực thầm lặng và kiên trì để giữ gìn hồn cốt Việt Nam - qua những nét vẽ minh họa tươi sáng, những câu chuyện giản dị và những bài hát ngọt ngào. Trong các tập tiếp theo, tác giả tiết lộ sẽ bổ sung thêm những nhân vật bé trai để bộ sách đa dạng và gần gũi hơn với mọi em nhỏ. Dự án không chỉ dừng lại ở việc làm sách, mà là một hành trình dài hơi để mỗi bài đồng dao được sống dậy giữa đời thường - trong lớp học, ở sân chơi, trong lòng mỗi em nhỏ.
Trình bày: Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất