22/07/2025 17:43 GMT+7 | Văn hoá
Quan điểm về xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã được Đảng ta khẳng định qua nhiều kỳ Đại hội.
Xem chuyên đề Văn hóa soi đường TẠI ĐÂY
Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng quan điểm này tiếp tục được khẳng định và trở thành mục tiêu trọng tâm để phát triển văn hóa dân tộc trong điều kiện lịch sử mới. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là cơ sở, nền tảng để phát triển con người toàn diện; đồng thời, hiện diện sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến tôn giáo và các hoạt động xã hội khác.
Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng cũng xác định: Phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên nền tảng hệ giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người là định hướng quan trọng trong giai đoạn mới. Văn hóa được tiếp cận như nguồn lực nội sinh, động lực và hệ điều tiết phát triển đất nước, gắn bó chặt chẽ với đời sống xã hội, kinh tế, giáo dục và con người.
Trên tinh thần đó, nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian "gốc rễ” của hệ giá trị Việt Nam, đồng thời thúc đẩy công nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa và phát triển từ nền tảng văn hóa cá nhân nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa.
Phát huy giá trị văn nghệ dân gian
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đình Chỉnh, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Hải Phòng, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đang chi phối mạnh mẽ, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn nghệ dân gian, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc giữ gìn bản sắc và củng cố sức mạnh mềm của dân tộc.
Ông Chỉnh đề xuất, trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Đảng và Nhà nước cần quan tâm sâu sắc hơn đến lĩnh vực văn nghệ dân gian, đặc biệt là việc đầu tư cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa dân gian đang dần mai một. Theo ông, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu chính là lực lượng nòng cốt để khám phá, giải mã các giá trị văn hóa tiềm ẩn, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp với từng vùng, miền. Việc đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện làm việc đầy đủ cho lực lượng này là hết sức cần thiết để duy trì tính liên tục và chất lượng trong công tác bảo tồn.
Du khách thích thú tham gia trò chơi dân gian tại chương trình "Đông Giao May Hội" nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian, nghệ thuật (Hoa Lư). Ảnh: Hải Yến – TTXVN
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Chỉnh cũng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của các nghệ nhân dân gian – những “báu vật sống” đang trực tiếp nắm giữ, truyền dạy tinh hoa văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau. Việc phong tặng danh hiệu, hỗ trợ tài chính và chế độ đãi ngộ hợp lý sẽ giúp các nghệ nhân yên tâm cống hiến, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng văn hóa vững chắc và bền vững trong xã hội.
Một nội dung quan trọng khác là việc Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động văn hóa dân gian, nhất là các lễ hội truyền thống. Lễ hội không chỉ là biểu hiện sinh động của văn hóa cộng đồng mà còn có khả năng lan tỏa giá trị, kích thích sự tham gia tích cực của người dân và trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hỗ trợ kinh phí tổ chức, tạo không gian biểu diễn, khuyến khích người dân gìn giữ các phong tục tập quán chính là cách để phát huy vai trò của văn hóa dân gian trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội truyền thống động Hoa Lư. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN
Trong lĩnh vực truyền thông, cần có chiến lược bài bản để quảng bá văn hóa dân gian trên cả phương tiện truyền thống và nền tảng số. Việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, đồng thời xây dựng hình ảnh đất nước giàu bản sắc trong mắt bạn bè quốc tế. Biến giá trị văn hóa truyền thống thành sản phẩm có thể đầu tư, gắn với du lịch, giáo dục và phát triển con người là hướng đi chiến lược cho tương lai.
Văn hóa định hướng phát triển đất nước
Bên cạnh việc gìn giữ các giá trị truyền thống, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị cần bổ sung vào văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng những định hướng cụ thể hơn về vai trò điều tiết và định hướng phát triển của văn hóa trong thời đại mới. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, điểm mới nổi bật trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng là việc xác lập văn hóa như một hệ điều tiết sự phát triển, thay vì chỉ đơn thuần là sức mạnh mềm như trước đây.
Chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nguồn: TTXVN
Văn hóa chính là yếu tố điều chỉnh tư duy, hành vi và cách sống của mỗi người dân. Khi được đưa vào văn kiện như một hệ điều tiết, văn hóa không chỉ góp phần định hướng chính sách mà còn trở thành tiêu chuẩn cho giáo dục, kinh tế, công nghệ và quản trị xã hội. Từ đó, văn hóa được xác lập là yếu tố trung tâm định hình con đường phát triển đất nước trong dài hạn.
Để làm rõ hơn vai trò của văn hóa trong kỷ nguyên số, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Mai cho rằng cần đặc biệt nhấn mạnh đến công nghiệp văn hóa. Việc đưa văn hóa trở thành một ngành công nghiệp có khả năng tạo giá trị gia tăng cao, đồng thời lan tỏa bản sắc dân tộc, là yêu cầu cấp thiết. Văn hóa không chỉ là đối tượng của công nghệ, mà cần có vai trò định hướng lại công nghệ để phục vụ sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, cần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt trong giáo dục và truyền thông. Sự thiếu hụt sách thiếu nhi chất lượng, bạo lực học đường hay suy giảm chuẩn mực ứng xử đang cho thấy những "lỗ hổng" trong việc hình thành môi trường văn hóa chiều sâu. Vai trò của “làm gương” một giá trị từng được đề cao trong truyền thống, cần được khôi phục và lan tỏa mạnh mẽ, nhất là với giới trẻ đang tiếp xúc công nghệ thường xuyên.
Trình diễn BST thời trang trong khuôn khổ chương trình "Ninh Bình - Áo dài trên con đường di sản". Ảnh: TTXVN phát
Phát triển văn hóa cần bắt đầu từ nền tảng văn hóa cá nhân. Bài học từ lịch sử cho thấy, dù trải qua một nghìn năm đô hộ của ngoại xâm, người Việt vẫn giữ được bản sắc nhờ những giá trị văn hóa khắc sâu trong tâm thức mỗi người. Do đó, phát triển văn hóa hôm nay phải bắt đầu từ việc xây dựng hệ giá trị cá nhân bền vững, tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc, tạo nền tảng cho văn hóa xã hội phát triển toàn diện.
Nền tảng văn hóa cá nhân cần trở thành một tiêu chí then chốt trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Khi những người đứng đầu mang trong mình giá trị văn hóa sâu sắc, thì chính họ sẽ là nhân tố lan tỏa những chuẩn mực tích cực đến toàn xã hội. Từ cá nhân đến cộng đồng, từ cộng đồng đến quốc gia, văn hóa sẽ trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, nâng bước Việt Nam trong hành trình phát triển và hội nhập.
Nhìn chung, những nhận định về văn hóa được thể hiện trong Dự thảo cho thấy một bước tiến quan trọng trong tư duy của Đảng ta về vai trò của văn hóa. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, của con người, mà còn là thước đo sự phát triển của đất nước. Chỉ khi sự phát triển hướng tới việc nâng cao giá trị con người thì mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài cho đất nước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất