04/07/2025 07:08 GMT+7 | Giải trí
Hội thảo "Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)", một hoạt động chuyên môn tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 (DANAFF III), đã thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất phim và công chúng yêu điện ảnh.
Đây là dịp nhìn lại hành trình nửa thế kỷ của một dòng phim đặc biệt - vừa mang giá trị lịch sử, vừa là không gian nghệ thuật giúp công chúng hôm nay tiếp cận và thấu hiểu ký ức chiến tranh.
Những cách kể mới
Tại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh: phim chiến tranh là nơi lưu giữ ký ức dân tộc, đồng thời là công cụ giáo dục lòng yêu nước và ý thức lịch sử cho thế hệ trẻ.
Viện trưởng Viện phim Việt Nam Lê Thị Hà sau đó bổ sung: sau năm 1975, dòng phim này chuyển từ "điện ảnh trong chiến tranh" sang "điện ảnh về chiến tranh", từ mô hình tuyên truyền đơn tuyến sang nghệ thuật đa chiều. Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền, sự chuyển đổi này là kế thừa chọn lọc. Điện ảnh chiến tranh hậu 1975 đã chuyển từ khúc tráng ca tập thể sang hồi cố cá nhân, từ lý tưởng hóa sang hiện thực hóa, từ biểu tượng hóa sang khắc họa người lính như những con người bình thường với nhiều cảm xúc thật. Phim trở thành không gian đối thoại - nơi khán giả không chỉ tiếp nhận mà còn cùng tư duy, phân tích, đánh giá chiến tranh và con người trong chiến tranh.
Nhiều bộ phim hậu chiến đặt trọng tâm vào người còn sống trở về, với nỗi đau sau chiến tranh, sự giằng xé nội tâm và cả những mối quan hệ bị tổn thương. Một số tác phẩm tiêu biểu được nhắc đến như: Tướng về hưu, Đừng đốt, Người trở về, Truyền thuyết về Quán Tiên, Mùi cỏ cháy… cho thấy nỗ lực đi sâu vào những khía cạnh ít được phản ánh trước đây như bi kịch hậu chiến, tâm lý người lính và thân phận người ở lại.
Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”
Ba giá trị cốt lõi
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, tác giả Những người viết huyền thoại, cho rằng ba yếu tố làm nên một bộ phim chiến tranh hay gồm: kịch bản sâu sắc, giá trị nghệ thuật và cảm xúc. Theo ông, một bộ phim chiến tranh không thể chỉ có bối cảnh lớn hay hành động kịch tính, mà phải khơi dậy sự đồng cảm sâu xa, sự chân thực từ cảm xúc và số phận con người.
Ông nhấn mạnh, điều đặc biệt khó khi làm phim chiến tranh là làm sao để khán giả hôm nay - vốn không còn ở trong bối cảnh chiến tranh - vẫn có thể đồng cảm và xúc động. Muốn làm được điều đó, người đạo diễn phải thực sự hiểu nhân vật, hiểu được hoàn cảnh lịch sử và những xung đột nội tâm có thật của người lính, người mẹ, người vợ, người ở lại... Chính cái đau riêng, cái day dứt không hô khẩu hiệu, mới là điều giúp phim đi sâu vào lòng người.
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn và biên kịch không thể xây dựng nhân vật chiến tranh theo kiểu "người tốt - kẻ xấu" đơn giản. Nhân vật phải có lựa chọn, có mâu thuẫn, có sai lầm và vượt qua sai lầm. Đó là cách để chiến tranh trong phim không còn là bối cảnh sân khấu, mà trở thành không gian để con người bộc lộ chiều sâu tính cách và giá trị sống.
Cùng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười nhận định: phim chiến tranh ngày nay cần đi sâu hơn vào góc nhìn nhân văn, vào tâm lý nhân vật và bi kịch của con người. Ông đánh giá cao những tác phẩm như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng Mười, Áo lụa Hà Đông - nơi chiến tranh không hiện lên bằng tiếng súng mà bằng sự mất mát âm thầm và lòng yêu thương hiện lên qua những hành động nhỏ bé.
Các tham luận tại hội thảo đều thống nhất rằng sự thay đổi trong nghệ thuật kể chuyện không chỉ do yêu cầu đổi mới mà còn đến từ sự phát triển tự nhiên của xã hội và tâm thế người làm phim. Khi có thời gian lùi lại, nghệ sĩ có thể chiêm nghiệm sâu hơn về sự hy sinh, những tổn thất tinh thần sâu kín khó gọi thành tên.
Vai trò của khối tư nhân
Sự tham gia của khối tư nhân không chỉ góp phần đa dạng hóa cách tiếp cận đề tài chiến tranh mà còn cho thấy khả năng làm mới thể loại này cả về hình thức lẫn tư duy nghệ thuật. Trong bối cảnh nguồn đầu tư nhà nước có phần hạn chế và khán giả ngày càng đòi hỏi những câu chuyện chân thực, điện ảnh tư nhân đã trở thành lực đẩy quan trọng để phim chiến tranh bước ra khỏi lối kể truyền thống, thử nghiệm nhiều phương thức thể hiện mới và tiệm cận với thị hiếu hiện đại.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích: dòng phim chiến tranh do tư nhân thực hiện đã mở ra một cảm thức mới, giúp đề tài từng bị nhiều người coi là "cúng cụ" trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn. Bà dẫn chứng ba bộ phim: Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông và Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - mỗi tác phẩm là một cách tiếp cận khác nhau nhưng đều tạo được dấu ấn riêng.
Trong số các ví dụ bà Trịnh Thanh Nhã nêu tại hội thảo, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là trường hợp tiêu biểu cho hướng tiếp cận đề tài chiến tranh từ khối làm phim tư nhân: được đầu tư hoàn toàn ngoài ngân sách nhà nước nhưng vẫn đạt thành công lớn về nghệ thuật và doanh thu (172 tỷ đồng). Theo bà, thành công này không đến từ sức hút của đạo diễn hay ê-kíp, mà trước hết nằm ở chất lượng kịch bản - yếu tố quyết định khả năng gọi vốn trong môi trường sản xuất độc lập.
Không như phim đặt hàng nhà nước, nơi nguồn lực được cấp theo kế hoạch, phim chiến tranh của các đơn vị tư nhân thường phải trải qua quá trình phát triển dài hơi, nhiều lần phản biện, hiệu chỉnh, nhằm thuyết phục nhà đầu tư về khả năng chạm tới khán giả. Chính cơ chế này, theo bà Trịnh Thanh Nhã, buộc kịch bản phải được xây dựng với tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời tạo điều kiện để các nhà làm phim thử nghiệm nhiều cách kể mới.
Phim chiến tranh của các đơn vị tư nhân, theo đánh giá tại hội thảo, đang góp phần tái cấu trúc hình tượng người lính - từ mẫu hình lý tưởng sang thân phận đời thường - và từ đó khơi dậy sự thấu cảm của khán giả.
Một dòng phim còn dư địa
TS Ngô Phương Lan - Giám đốc DANAFF III, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - nhận định: việc lựa chọn và trình chiếu 22 phim chiến tranh tại DANAFF III không chỉ là dịp tôn vinh quá khứ, mà còn là cơ hội để nhìn lại toàn cảnh dòng phim này, từ đó xây dựng một bản đồ nghiên cứu và thúc đẩy các đề án phát triển tiếp theo.
Bà cho rằng dòng phim này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nếu được đầu tư bài bản và biết cách kết nối với khán giả trẻ - những người đang tìm kiếm các cách kể hiện đại, cảm xúc và gần gũi hơn. Việc hỗ trợ các nhà làm phim tư nhân tiếp cận đề tài lịch sử bằng những cơ chế phù hợp là điều cần thiết, nhằm khuyến khích họ tiếp tục dấn thân và đổi mới cách tiếp cận.
Nhà phê bình Philip Cheah (Singapore) chia sẻ thêm góc nhìn quốc tế: phim chiến tranh Việt Nam khác biệt ở chỗ không dựa vào kỹ xảo hay khí tài hoành tráng như nhiều nền điện ảnh khác, mà gây ấn tượng bằng những chi tiết nhỏ gợi nhiều suy nghĩ - từ đó tạo nên bản sắc riêng và sự đồng cảm vượt biên giới. Đây là lợi thế cần được phát huy nếu dòng phim này muốn tiếp tục phát triển trong bối cảnh hội nhập.
Kết
Từ những phát biểu, thảo luận và tham luận tại hội thảo, có thể thấy phim về chủ đề chiến tranh được sản xuất sau năm 1975 không chỉ là một dòng chảy ký ức mà đang từng bước trở thành không gian nghệ thuật giàu suy ngẫm, đa chiều và hướng đến con người.
Không còn là diễn ngôn một chiều, phim chiến tranh hôm nay đã và đang tìm cách kết nối với hiện tại - không chỉ để kể lại những gì đã xảy ra, mà còn để gợi lên những câu hỏi về cách chúng ta nhìn nhận quá khứ và hiểu rõ hơn về chính mình trong thế giới hôm nay.
22 phim chiến tranh của Việt Nam trình chiếu tại DANAFF III
Mối tình đầu - NSND Hải Ninh
Cánh đồng hoang - NSND Nguyễn Hồng Sến
Mẹ vắng nhà - NSND Nguyễn Khánh Dư
Về nơi gió cát - NSND Huy Thành
Biệt đội Sài Gòn (Phần 4: Trả lại tên cho em) - Long Vân
Huyền thoại người mẹ - NSND Bạch Diệp
Chuyện cổ tích cho tuổi 17 - NSƯT Xuân Sơn
Tuổi thơ dữ dội (2 tập) - NSƯT Nguyễn Vinh Sơn
Lưỡi dao - NSƯT Lê Hoàng
Ngã ba Đồng Lộc - Lưu Trọng Ninh
Vào Nam ra Bắc - NSƯT Phi Tiến Sơn
Người đàn bà mộng du - NSND Nguyễn Thanh Vân
Vũ khúc con cò - Jonathan Foo, Nguyễn Phan Quang Bình
Hà Nội 12 ngày đêm - NSND Bùi Đình Hạc
Giải phóng Sài Gòn - Long Vân
Sống trong sợ hãi - Bùi Thạc Chuyên
Áo lụa Hà Đông - Lưu Huỳnh
Sinh mệnh - NSƯT Đào Duy Phúc
Mùi cỏ cháy - NSƯT Nguyễn Hữu Mười
Những người viết huyền thoại - NSƯT Bùi Tuấn Dũng
Người trở về - NSƯT Đặng Thái Huyền
Truyền thuyết về Quán Tiên - Đinh Tuấn Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất