Những thành phố lớn trên thế giới "ứng xử" thế nào với xe chạy xăng, dầu?

12/07/2025 22:02 GMT+7 | Tin tức 24h

Chỉ thị 20 yêu cầu Hà Nội thực hiện lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1...

Như tin đã đưa, ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, theo đó, Hà Nội cần thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Những thành phố lớn trên thế giới "ứng xử" thế nào với xe chạy xăng, dầu? - Ảnh 1.

Các phương tiện tham gia giao thông tại cầu vượt nút Mai Dịch. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Trên thực tế, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã có những biện pháp siết chặt sử dụng xe máy chạy xăng để chống ô nhiễm. Lệnh cấm xe máy được nhiều thành phố Trung Quốc áp dụng hơn ba thập kỷ qua, với một trong những mục tiêu chính là giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, số lượng xe máy lớn cũng kéo theo nhiều vấn đề như gây thêm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tại Ấn Độ, Thủ đô Delhi dự kiến cấm đăng ký xe máy chạy xăng, diesel hoặc CNG mới từ 15/8/2026, như một phần trong chính sách hỗ trợ xe điện, giảm lượng khí thải giao thông tăng cao.

* Trung Quốc quyết tâm loại bỏ tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Theo PV TTXVN, tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố một mục tiêu đầy tham vọng: cơ bản loại bỏ tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào năm 2025, năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).

Phát biểu trước báo giới, ông Li Tianwei, quan chức của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cho biết để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và giảm phát thải, cải thiện hệ thống dự báo chất lượng không khí và cảnh báo sớm, đồng thời tăng cường công tác quản lý phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và ô nhiễm khí quyển.

Những thành phố lớn trên thế giới "ứng xử" thế nào với xe chạy xăng, dầu? - Ảnh 2.

Người dân và các phương tiện tham gia giao thông tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: Công Tuyên-PV TTXVN tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, ô nhiễm không khí đặc biệt là từ các phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng phát thải chất gây ô nhiễm. Lượng khí thải từ các phương tiện giao thông chiếm khoảng 60% lượng nitơ oxit và 24% lượng hợp chất hữu cơ bay hơi trên toàn quốc.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm từ các nguồn này, ông Li Tianwei cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện và điều chỉnh các tiêu chuẩn phát thải phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ nâng tỷ lệ sử dụng phương tiện và máy móc sử dụng năng lượng sạch tại các sân bay, cảng biển và khu công nghiệp logistics. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt và đường thủy, nhằm giảm thiểu lượng khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ.

* Thủ đô của Ấn Độ cấm bán nhiên liệu cho xe cũ

Ngày 1/7 vừa qua, thủ đô New Delhi của Ấn Độ chính thức cấm bán nhiên liệu cho các phương tiện cũ. Đây là nỗ lực mới nhất của chính quyền sở tại nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm ở siêu đô thị rộng lớn này.

Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày công bố và các cơ quan thực thi có quyền thu giữ ngay lập tức những phương tiện cũ như vậy. Cảnh sát và các lực lượng hỗ trợ đã được triển khai tại các trạm xăng trên khắp thủ đô. Những địa điểm này cũng được lắp đặt loa thông báo và camera nhận diện biển số xe.

Những thành phố lớn trên thế giới "ứng xử" thế nào với xe chạy xăng, dầu? - Ảnh 3.

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Ấn Độ (tháng 12/2024). Ảnh: ANI/TTXVN

Cảnh sát sở tại dẫn số liệu thống kê cho biết ước tính có 6.114.728 xe - bao gồm xe chở hàng, ô tô cá nhân và xe hai bánh - nằm trong diện xe cũ không được tiếp nhiên liệu tại các trạm xăng và dầu diesel. Hơn 4 triệu xe trong số này được cho là phương tiện hai bánh.

Theo kế hoạch, kể từ tháng 11 năm nay, lệnh cấm sẽ được mở rộng đến các thành phố giáp thủ đô - một khu vực có hơn 32 triệu người sinh sống.

Thủ đô New Delhi thường xuyên có tên trong danh sách một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Mỗi mùa Đông, khí thải từ xe cộ và nhà máy kết hợp với việc người dân đốt rơm rạ ở các bang xung quanh khiến thành phố chìm trong màn khói mù ô nhiễm. Vào thời điểm khói bụi lên đến đỉnh điểm, nồng độ bụi mịn nguy hiểm PM2.5 tăng vọt lên hơn 60 lần so với mức khuyến nghị an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Lancet, ô nhiễm không khí đã gây ra 1,67 triệu ca tử vong sớm ở Ấn Độ vào năm 2019.

Hồi năm 2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết cấm ô tô chạy bằng xăng trên 15 năm và phương tiện chạy bằng dầu diesel trên 10 năm lưu thông trên đường phố New Delhi. Tuy nhiên, hơn 6,11 triệu phương tiện như vậy vẫn chạy trên đường phố New Delhi, phớt lờ mọi quy định. Các sáng kiến khác của chính phủ, chẳng hạn như hạn chế một phần đối với phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và xe chở nước phun sương, lại không thu được nhiều kết quả đáng kể.

Những thành phố lớn trên thế giới "ứng xử" thế nào với xe chạy xăng, dầu? - Ảnh 4.

Phun nước để làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Theo dữ liệu từ Ban Kiểm soát ô nhiễm trung ương (CPCB), chỉ số ô nhiễm không khí AQI của New Delhi vào lúc 8h sáng 21/11 là 379, ở mức "rất kém". Nhiều khu vực khác như Chandni Chowk (338), Sân bay quốc tế Indira Gandhi (370), và Sân vận động quốc giá Jawaharlal Nehru (354) cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức "rất kém". Một số khu vực khác như Anand Vihar (405), Ashok Vihar (414), Bawana (418) và Wazirpur (436) đã đạt mức AQI "nghiêm trọng".

Để đối phó với tình hình ô nhiễm nghiêm trọng, Ủy ban Quản lý chất lượng không khí (CAQM) đã triển khai Giai đoạn 4 của Kế hoạch Hành động ứng phó theo cấp độ (GRAP) tại Delhi kể từ ngày 18/11. Trong đó trọng tâm thực hiện các biện pháp như cấm xe tải vào thành phố và đình chỉ các dự án xây dựng công cộng.

* Loạt thành phố lớn trên thế giới nói không với xe chạy xăng, dầu

Stockholm có kế hoạch cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel tại một số khu vực của thành phố bắt đầu từ năm 2025, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

Những thành phố lớn trên thế giới "ứng xử" thế nào với xe chạy xăng, dầu? - Ảnh 5.

Một tuyến phố trung tâm Brussels. Ảnh: Hương Giang - Pv TTXVN tại Bỉ

Brussels vào tháng 12/2023 cũng đã cấm ô tô vào thời gian cao điểm hoặc từ địa phương khác trên 10 đường phố chính trong trung tâm thành phố.

London cũng đã hoàn thành một trong những chính sách phát thải phương tiện đầy tham vọng nhất thế giới bằng cách mở rộng vùng phát thải cực thấp.

Anh Bảo (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm