'Nắng nghiêng lưng trời' - cổ tích của Hiền!

05/05/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá

Hơn 60 bức tranh, gần 30 tác phẩm điêu khắc gốm và một gian phòng sắp đặt tái hiện không gian gia đình của mình và Cám (con gái) - chừng đó là quá nhiều để bày biện kín cả các phòng triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Nhưng tất cả như quá nhỏ so với tâm hồn nghệ thuật tràn ngập tình yêu và dạt dào sáng tạo của Nguyễn Thị Thu Hiền.

Xem Triển lãm Điêu khắc 2022: Những tác phẩm 'đối ứng' với tự nhiên

Xem Triển lãm Điêu khắc 2022: Những tác phẩm 'đối ứng' với tự nhiên

Vừa qua, Triển lãm Điêu khắc 2022 tại Sảnh chính Sân Golf Long Biên (Hà Nội,kéo dài đến 5/2022) đã được chọn làm sự kiện mở đầu trongchuỗi sự kiện nghệ thuật “Đường tới Ánh Dương”.

Đó cũng là những gì mà người xem có thể cảm nhận được khi chớm bước vào không gian triển lãm mang tên Nắng nghiêng lưng trời của Hiền, còn kéo dài đến hết ngày 9/5/2022.

Khi tình yêu con là niềm cảm hứng

Bắt đầu từ khi sinh bé Cám - con gái đầu lòng - cho đến nay, Hiền dường như tìm thấy nguồn cảm hứng bất tận từ con để bắt tay vào sáng tác nghệ thuật. Điều này, chỉ cần nhìn vào toàn bộ tác phẩm của triển lãm đã có thể khẳng định được. Hơn 90 tác phẩm đủ các chất liệu: sơn dầu trên toan, giấy dó bồi trên bố, lụa, gốm, sơn mài, acrylic… Tất cả đều hiện diện lên hình ảnh thiên thần Cám với nhiều góc độ yêu thương của hai mẹ con và tái hiện một cách thơ mộng những hiện diện của bé trong căn nhà của Hiền cũng như trong mắt nhìn, suy cảm của chị.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền

Tranh cũng như gốm của Hiền phong phú về chất liệu là vậy nhưng lại rất nhất quán về đề tài. Ở đề tài mẫu tử, Hiền hầu như không làm mới, không làm dáng, không muốn khác lạ như nhiều nghệ sĩ sáng tạo vẫn đeo đuổi. Chị chỉ đơn giản là vẽ, tạc lại những khoảnh khắc quấn quýt của hai mẹ con, hay là vẽ ra những tưởng tượng về một em bé bay bổng trong những câu chuyện kể, những bộ phim hoạt hình đầy tính thần thoại và cổ tích.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Ba vắng nhà” (acrylic và giấy dó trên vải, 100cm x 130cm, 2021)

Chỉ chừng đó đề tài nhưng triển lãm của Hiền không khiến người xem thấy chán. Ngược lại, nó cuốn hút, quyến rũ, kêu gọi sự đồng cảm, đánh thức những quan cảm xúc của người xem. Vì sao? Vì cách Hiền vẽ, đắp nên những câu chuyện cũng giống như cách mà cuốn thần thoại kinh điển Nghìn lẻ một đêm, từ chuyện đẻ ra chuyện, cảnh đẻ ra cảnh… cứ như vậy thành một thế giới phong phú những mộng mơ. Có những không gian, hoàn cảnh hiện lên phi thực tế nhưng lại rất hợp tình, hợp ý.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Noel hân hoan” (acrylic và giấy dó trên vải, 130cm x 160cm, 2022)

Tranh Hiền vừa có nét của nghệ thuật dân gian châu Âu, pha lẫn nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Dường như Hiền có một đôi cánh tự do tự tại, bay lượn giữa những lựa chọn khi sáng tạo vậy. Tuỳ nghi, tuỳ cảnh, tuỳ cảm xúc. Không một chút gò bó hay đắn đo nào hiện diện trong tác phẩm của Hiền.

Như chính chị chia sẻ: “Sáng tác như là ăn cơm, như là chăm con, như là làm việc nhà vậy thôi. Tôi thấy mình bận rộn vô cùng với việc nội trợ và chăm con nhỏ, nên lúc đầu vẽ trở thành thứ phải tranh thủ, phải linh động, rảnh đâu làm đấy, không chờ đợi. Mà nhiều khi chờ đợi lại quên mất ý tưởng, nhờ tranh thủ như vậy mà thành ra có phản ứng tự nhiên, thành ra nhẹ nhàng. Nên một hai năm gần đây, ngày nào tôi cũng làm việc được, khi thì phác thảo, khi thì mài, khi thì vẽ, khi thì nắn tượng, khi thì làm men…”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thú tiên - Mẹo” (gốm, 32cm x 22cm x 20cm, 2018)

Bày biện một hệ thống tác phẩm như vậy mà không khiến người xem bị rối, bị bội thực thì đòi hỏi người sáng tạo, phải có một bút pháp vững vàng và kĩ thuật điêu luyện, ý thức rõ ràng. Hiền có tất cả những điều ấy. Và cứ qua một tác phẩm, những phẩm chất ấy trong Hiền lại hiện lên mỗi lúc một thuyết phục hơn. Thật ra không phải đến bây giờ mà ngay từ khi là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, khả năng tạo hình của Hiền đã được các giảng viên và họa sĩ gạo cội nhìn nhận là vững vàng và đầy tiềm năng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Thú tiên - Ngọ” (gốm, 18cm x 32cm x 22cm, 2018)

Khi vợ chồng cùng là họa sĩ

Dễ thấy ở bối cảnh Việt Nam hiện thời, có rất nhiều cặp vợ chồng trước đó là bạn học hoặc đồng nghiệp ở lĩnh vực hội hoạ, nảy sinh tình cảm và đi đến đời sống hôn nhân. Khó có khảo sát chuẩn, nhưng hầu hết các trường hợp như vậy, người phụ nữ lựa chọn lui về phía sau, chăm lo cho đời sống gia đình, dù không phải học không có khả năng. Và thật may mắn là Hiền đã vượt qua được những rào cản mà hầu hết các hoạ sĩ nữ cùng thời hay mắc phải để rồi phải gác cọ: ra trường, lập gia đình, sinh con.

Hiền ngược lại, chị kết hôn với họa sĩ Đinh Văn Sơn - hiện cũng là một người tạo được chỗ đứng trong giới ở lĩnh vực sơn mài và gốm - và sinh con rồi chăm sóc gia đình. Nhưng những điều đó không hề là rào cản. Chị biến tất cả những điều đó thành tình yêu, và tình yêu con, yêu gia đình đã tạo ra những cảm hứng vô hạn cho hoạ sĩ 9X này.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chúc phúc” (lụa, 50cm x 90cm, 2020)

Và không biết Nguyễn Thị Thu Hiền sẽ tiến xa như thế nào. Nhưng với những rào cản trước mắt, nữ họa sĩ này đã biến chúng thành niềm cảm hứng để hăng hay lao động nghệ thuật thì chúng ta có thể tự hào tán dương và đợi chờ Hiền ở cả những tác phẩm đã, đang và sẽ hình thành.

Khi họa sĩ nói về... họa sĩ

Hoạ sĩ Đinh Văn Sơn, chồng Hiền, không ngần ngại đánh giá trong một cuộc trà dư tửu hậu với anh em trong nghề: “Tôi tin và thấy được nội lực của Hiền. Từ lúc Hiền vẽ lại sau khi sinh con, tôi nghĩ cô ấy có thể tiến xa hơn tôi ở con đường hội hoạ”.

Đây hoàn toàn là những nhận xét cá nhân của anh. Tuy nhiên có cơ sở để tin vào nhận định ấy, khi mà tranh của chị mang đến cho người thưởng thức một năng lượng sống vui tươi, thơ mộng và đặc biệt là ngập tràn cảm xúc yêu thương.

Bảo Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm