Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025 - Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo"

28/05/2025 07:09 GMT+7 | Văn hoá

Các tranh của Phạm Hải Nguyên (sinh năm 2012, Lạng Sơn) mang lại cảm xúc đặc biệt cho Hội đồng giám khảo của Giải thưởng Dế Mèn 2025. Xúc động vì nhận ra tinh thần sáng tác tự do, mới mẻ của cậu học sinh lớp 7A7 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025

Phạm Hải Nguyên vẽ tranh từ năm 5 tuổi, đa số tranh khổ lớn, đến nay đã có gần 90 bức, đã làm triển lãm cá nhân Góc nhìn đa chiều vào cuối năm 2024 tại Hà Nội.

Nói về tranh của con trai, chị Ngọc Anh chia sẻ: "Những sáng tác của con có thể chưa làm thỏa mãn nhiều người xem, nên gia đình rất mong nhận được sự đóng góp mang tính xây dựng để con hoàn thiện hơn trong tương lai. Bởi thật ra, con đang là cậu bé mê hội họa, đang tập sự học vẽ mà thôi".

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 1.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên

Sớm thích danh họa Picasso

Phạm Hải Nguyên thích vẽ từ năm lớp 2 (năm học 2019 - 2020), khi đang học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (là trường thực hành, thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn). Trong suốt những năm tiểu học, Nguyên được học thêm về hội họa, âm nhạc bên cạnh các môn văn hóa.

Nguyên học vẽ tại trường và vẽ những hình theo đề bài của thầy cô giáo, đến năm lớp 4, nhận thấy khả năng vẽ khác biệt của con, từ bức tranh ngộ nghĩnh đến hình khối, nên thầy giáo đề nghị gia đình tạo thêm điều kiện và đồng hành cùng con trong quá trình học vẽ. Thế là gia đình đã mua toan, sơn acrylic, bút vẽ và cho con đi học vẽ với họa sĩ Hoàng Văn Điểm vào dịp cuối tuần, trong 2 tháng nghỉ Hè thì học hàng ngày.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 2.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên vẽ tranh

Song song với việc học vẽ, các thầy thường kể về các câu chuyện hội họa, khuyến khích tìm hiểu tiểu sử của các danh họa.

Họa sĩ Hoàng Văn Điểm kể rằng ngay rất sớm Nguyên đã đặc biệt thích phong cách vẽ tự do của Picasso, dù chưa biết gì nhiều về cuộc đời danh họa này. "Thật thà mà nói, nhiều người lớn chúng ta nghe danh Picasso trước, cảm được tác phẩm của ông sau, đôi khi khâm phục danh tiếng mà không thích tác phẩm, cũng là bình thường. Nhưng con nít thì khác, khi xem các tranh danh họa, thích là thích, không là không, chẳng mấy khi phụ thuộc vào danh tiếng của họ. Nguyên thích tranh Picasso ngay cái nhìn đầu tiên" - Hoàng Văn Điểm chia sẻ.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 3.

Tác phẩm “Thiên thần sa ngã” (acrylic, 120 x 150 cm, 2024)

Vì thích tranh Picasso và các họa sĩ trừu tượng, biểu hiện khác, mà ngay từ mùa Hè lớp 4 (năm 2022), Phạm Hải Nguyên đã chập chững vẽ tranh trừu tượng, sau này là trừu tượng - siêu thực. Đi học về thường tranh thủ vẽ, nhưng vẽ nhiều hơn là vào các dịp nghỉ Hè năm lớp 5 và lớp 6.

Nguyên cho biết đa số các tranh vẽ trong vòng 1 ngày, một số bức vẽ 2 - 3 ngày mới xong. Một vài bức vẽ mãi không xong, vì không thấy thích, nên bỏ luôn; nhưng cũng có bức rất thích mà mất gần 2 tháng mới xong, ví dụ như Thời gian, dù khổ tranh chỉ 100 x 120cm. Dù vẽ khá nhanh, nhưng Nguyên thường phác thảo chì trên giấy trước, sau thấy phác thảo nào ưng ý thì mới dùng acrylic vẽ lên toan. Khá bài bản.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 4.

Tác phẩm “Em bé và mùa Xuân” (acrylic, 120 x 150 cm, 2025)

Phạm Hải Nguyên mơ ước rằng nếu được xem trực tiếp tranh của Picasso ở một bảo tàng nào đó thì quá hạnh phúc. Còn trong nước thì rất thích tranh họa sĩ Lê Kinh Tài, cũng mong rằng có dịp vào TP.HCM để xin đến xưởng xem tranh trực tiếp cho thỏa thích.

"Thật ra, con đang là cậu bé mê hội họa, đang tập sự học vẽ mà thôi" - CHỊ NGỌC ANH, MẸ CỦA PHẠM HẢI NGUYÊN, CHIA SẺ.

"Tôn trọng sự khác biệt"

Dù vẽ trừu tượng pha siêu thực, nhưng căn bản thì các tác phẩm của Phạm Hải Nguyên vẫn dựa vào những hình ảnh thân thuộc trong đời sống, từ tình cảm gia đình, sự đùm bọc của mẹ, cho tới cô bạn tóc dài chăm học có đôi kính to tròn... Các bức Nàng thơ, Tiểu thư… được vẽ từ hình ảnh cô bạn tóc dài như đã nói.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 6.

Tác phẩm “Nàng thơ” (acrylic, 150 x 120cm, 2024)

Tại Lễ trao Giải thưởng Dế Mèn 2025, gia đình rất vui vẻ khi BTC đề nghị mang 12 tranh của Phạm Hải Nguyên đến trưng bày. Xem cách họa sĩ nhí này đặt tên tranh có thể thấy phần nào suy tư "hơi già dặn" trước tuổi, nào là Nữ hoàng, Cơn ác mộng, Sứ giả hòa bình, Nàng thơ, Bad luck - xui… Nguyên còn có một số tác phẩm đầy suy tư khác.

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 7.

Tác phẩm “Nữ hoàng” (acrylic, 120 x 150cm, 2024)

Phạm Hải Nguyên nhắc lại một suy nghĩ của mình: "Đã có nhiều người bảo tranh con vẽ xấu quá, vẽ không hiểu gì. Nhưng con thích mọi người xem tranh khách quan, tôn trọng ý kiến của trẻ con, đề cao sự sáng tạo, mặc dù cách nhìn cuộc sống của con chưa nhiều. Con mong mọi người sẽ tôn trọng sự khác biệt, vì ai cũng cần có suy nghĩ riêng".

Hỏi chị Ngọc Anh có mong Phạm Hải Nguyên sau này sẽ thành họa sĩ thực thụ không? Chị trả lời: "Gia đình nội ngoại không có ai theo học ngành nghệ thuật, nên khi thấy con có đam mê với hội họa, thật sự rất vui, chỉ biết tạo điều kiện và đồng hành với con, để con phát triển bản thân và đam mê. Thế nhưng hành trình trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thì còn rất dài, tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau, phải chờ xem sau này con có còn giữ được đam mê với hội họa nữa hay không. Thành họa sĩ thì quá tốt, mà không thành cũng không sao cả, vì con có đời riêng của mình, có cả khoảng trời phía trước".

TOP 10 CHUNG KHẢO GIẢI DẾ MÈN LẦN THỨ 6 - 2025

(xếp theo thứ tự A, B, C của tên tác phẩm)

1. 120 năm lưu lạc của rùa Xám Đen Hy Lạp (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn).

2. À ơi (bản thảo tập thơ của Vũ Thị Thanh Tâm, minh họa: Windy Trúc Hoàng).

3. Bộ tranh của họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên (13 tuổi).

4. Có một Trái Đất phẳng trong mắt em (bản thảo tập thơ của Lý Thăng Long).

5. Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá (truyện tranh của nghệ sĩ Quang Thảo và Comicola Studio, NXB Dân trí).

6. Cuốn cổ thư của một mẫu thần (truyện của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, NXB Kim Đồng).

7. Hai cuốn truyện của Dy Duyên: Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu (Đốm Đốm vẽ) và Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố (Thanh Vũ vẽ, NXB Kim Đồng).

8. Khu tập thể đường tàu (truyện vừa của Đặng Ngọc Hưng, NXB Trẻ).

9. Trang trại cuối rừng (truyện của Phạm Công Luận, NXB Kim Đồng).

10. Về quê - Khúc đồng dao của bé (tuyển tập nhạc đa phương tiện của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến, NXB Đại học Sư phạm).

Họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên: "Thích đề cao sự sáng tạo" - Ảnh 10.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm