Đội tuyển TDDC Việt Nam kỳ vọng vào Khánh Phong

13/05/2025 07:40 GMT+7 | Thể thao

Trở về từ Cúp thế giới FIG World Challenge Cup 2025 tại Bulgaria với một HCV của Đặng Ngọc Xuân Thiện (ngựa vòng) và một HCB của Nguyễn Văn Khánh Phong (vòng treo), các thành viên của đội TDDC tiếp tục tập luyện với mức độ tập trung cao nhất cho các mục tiêu lớn trong năm 2025.

Theo các chuyên gia, Cúp thế giới là bài kiểm tra quan trọng giúp từng VĐV biết được khả năng thi đấu, cũng như khả năng chịu được áp lực cạnh tranh trước các đối thủ ở đẳng cấp cao hơn, để có sự chuẩn bị về chuyên môn, đảm bảo các tuyển thủ đạt được kĩ thuật và điểm rơi tốt nhất cho mỗi giải đấu.

TDDC là một trong những môn trọng điểm của thể thao Việt Nam, vì thế, các VĐV không chỉ phải chuẩn bị cho mục tiêu tranh chấp HCV tại SEA Games 33, mà còn hướng đến ASIAD 2026 và Olympic 2028.

Theo HLV Trương Minh Sang, Cúp thế giới vừa qua là cơ hội tích lũy chuyên môn cho các tuyển thủ, giúp họ nắm rõ các mục tiêu quan trọng. Đặc biệt là đối với Nguyễn Văn Khánh Phong, người duy nhất giành vé tham dự giải vô địch TDDC thế giới 2025 nhờ giành tấm HCV đơn môn vòng treo tại giải vô địch châu Á 2024.

Đáng tiếc một chút là ở giải Cúp vừa rồi, những chấn thương dai dẳng phần nào tác động đến nền tảng thể lực của Khánh Phong. Trong suốt quá trình tập luyện vừa qua, cái vai trái của VĐV sắp tròn 23 tuổi (sinh nhật 28/5) băng đầy cao dán giảm đau. Nhưng anh vẫn tham gia các buổi tập với sự nghiêm túc và tập trung cao nhất.

Trước khi gặp chấn thương vai, hy vọng vàng của TDDC Việt Nam cũng đã gặp chấn thương đầu gối và một vài chấn thương cũ. Để đạt được một thành công, đòi hỏi các VĐV sự hi sinh rất lớn, điều không thể tránh khỏi đối với Khánh Phong vào thời điểm này, khi đội tuyển còn tham dự 3 giải đấu lớn khác trong năm 2025.

Đội tuyển TDDC Việt Nam: Hy vọng vào Khánh Phong - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Khánh Phong là một trong những hy vọng vàng chủ chốt của TDDC Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Anh được coi là VĐV trọng điểm, nên việc tập luyện quá tải là không được phép và HLV Trương Minh Sang đang cố gắng điều chỉnh khối lượng giáo án tập luyện hàng ngày để Khánh Phong từng bước trở lại phong độ tốt nhất trước các giải đấu tới.

"Khánh Phong rất kiên trì, nỗ lực, và tinh thần tập luyện rất tốt. Dù đã có thành tích, nhưng không ngừng cố gắng, có tinh thần máu lửa. BHL cũng phải có sự điều chỉnh, vì nếu quá "sung", không điều chỉnh thì sẽ dẫn đến chấn thương nặng, có thể ảnh hưởng đến tương lai của VĐV", HLV Trương Minh Sang, đội tuyển TDDC quốc gia, phân tích.

Ngoài sự nỗ lực của các VĐV, BHL cũng liên tục có những điều chỉnh để các tránh chấn thương cho các tuyển thủ, giúp họ có được thể trạng và trạng thái tinh thần ở mức cao nhất. Sự chăm chỉ và nỗ lực của Khánh Phong cũng là một động lực thúc đẩy các thành viên trong đội cố gắng tập luyện.

Hầu hết các VĐV như Đinh Phương Thành, Đặng Ngọc Xuân Thiện, Đỗ Hải Nam cũng đang rốt ráo tập luyện nghiêm ngặt, chú trọng nâng cao kĩ thuật, độ khó trong các bài tập của mình trong thời gian này. Đó là lý do giải thích cho việc vì dù tấm HCV của Xuân Thiện ở Cúp thế giới vừa qua có phần bất ngờ, nhưng nó đến từ sự ổn định của tuyển thủ này từ đầu năm.

Sau Cúp thế giới, Khánh Phong và các đồng đội đang tiếp tục chuẩn bị cho giải vô địch châu Á, và xa nữa là SEA Games 33 diễn ra vào cuối năm. Khánh Phong vẫn rất tự tin với nội dung vòng treo sở trường của mình. Đối thủ lớn nhất của VĐV 23 tuổi trong thời gian tới vẫn là Carlos Yulo (Philippines), người giành 2 HCV Olympic.

Tại SEA Games 32, Khánh Phong đã giành được 2 HCV ở nội dung vòng treo và đồng đội nam, bảo vệ thành công 2 tấm huy chương này cũng là mục tiêu lớn nhất của anh trong năm 2025. Nhưng trước đó, anh sẽ tham dự giải vô địch châu Á vào tháng 6 cùng các đồng đội. Đến tháng 10, riêng tuyển thủ 23 tuổi sẽ tranh tài tại giải vô địch thế giới 2025 ở Jakarta (Indonesia). Đây là giải đấu có chất lượng gần như cao nhất thế giới, chỉ sau Olympic, nên sẽ là thời điểm đánh giá chính xác nhất phong độ, đẳng cấp của Nguyễn Văn Khánh Phong.

Trần Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm