"Phải khẳng định vai trò của xã trong không gian phát triển mới". Đó là thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm khi tham dự và phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ I của Đảng bộ xã Nghĩa Trụ (Hưng Yên).

Tại đó, khi nhắc tới việc trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp, xã là cấp hành chính trực tiếp, gần dân nhất, Tổng Bí thư yêu cầu: Cần phải đổi mới tư duy quản lý theo hướng chính quyền kiến tạo.

Ông cũng nhấn mạnh với Đảng bộ Nghĩa Trụ: Xã phải phấn đấu trở thành mô hình kiểu mẫu phát triển đô thị gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn các giá trị truyền thống; thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm...

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 1.

Không khó để nhận ra tính bao quát từ phát biểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi, lời nhấn mạnh và mỗi yêu cầu đổi mới của ông tại xã Nghĩa Trụ cũng là một thông điệp gửi tới các xã trên cả nước: Trong không gian phát triển mới, vai trò của đơn vị hành chính này cần phải được định vị lại trên từng địa phương.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Nghĩa Trụ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Ở đó, dưới góc nhìn của Tổng Bí thư, các xã không còn là một mắt xích thụ động của bộ máy, mà được nhấn mạnh như một chủ thể mới, đóng vai trò trung tâm trong một bối cảnh đã thay đổi về cơ bản.

Thẳng thắn, trong quá khứ, chúng ta từng quen nhìn đơn vị xã như "cấp hành chính cuối cùng" của bộ máy nhà nước: gần dân nhất, sát dân nhất, nhưng cũng dễ trở thành tầng nấc thuần túy "giải quyết thủ tục" theo chỉ đạo từ trên.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Nghĩa Trụ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Và với cách nghĩ của nhiều người, khái niệm "xã" thường gắn với những vùng nông thôn, miền núi chưa phát triển với bộ máy chính quyền còn mang nặng tính "làng xã" với những giấy tờ sổ sách dày cộp, với nhiều khâu hành chính còn chưa được hiện đại hóa, thậm chí còn trì trệ.

Còn bây giờ, sau cuộc sắp xếp, sáp nhập hành chính trên toàn quốc, số xã, phường, thị trấn đã được rút gọn từ con số hơn 10 ngàn xuống còn hơn 3.300 đơn vị. Kèm theo đó, cấp trung gian (quận, huyện) được xóa bỏ để hình thành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Nghĩa Trụ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Với thay đổi ấy, thay vì là "cánh tay hành chính nối dài", các xã đã trở thành những thực thể sống động, trực tiếp hoạch định, tổ chức, hiện thực hóa mọi mục tiêu phát triển và quyết định vận mệnh của địa phương mình.

Bởi vậy, việc Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy quản lý theo hướng chính quyền kiến tạo tại cấp xã gắn với một bước chuyển bắt buộc trong đổi mới. Khi cấu trúc hành chính đã thay đổi căn bản, chính quyền cấp xã không được phép bằng lòng với vai trò thụ động, mà buộc phải chủ động, tự định vị lại đơn vị mình. Xa hơn vấn đề tổ chức, đó là thử thách về tư duy và năng lực đổi mới.

Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Nghĩa Trụ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chính quyền xã giờ đây phải biết phát huy lợi thế đặc biệt của mình - sự gần gũi, am hiểu từng ngõ ngách đời sống cộng đồng - để trở thành nơi khởi phát các ý tưởng và giải pháp thiết thực cho phát triển địa phương.

Theo đúng tinh thần "kiến tạo", bộ máy này không còn là cỗ máy truyền đạt mệnh lệnh, mà phải là nơi tập trung trí tuệ tập thể, là trung tâm của sự lắng nghe và hội tụ nguồn lực. Mỗi quyết sách ở đó phải xuất phát từ thực tiễn, từ sự thấu hiểu người dân, từ khả năng phát hiện vấn đề kịp thời và linh hoạt thích ứng với những thay đổi mới mẻ.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 6.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 7.

Nhìn từ sự chuyển động nền tảng ấy, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò và tiềm năng của cấp xã càng trở nên thuyết phục khi được soi chiếu qua trường hợp xã Nghĩa Trụ. Không chọn cách tiếp cận xã như một "vùng trũng" chờ làn sóng đô thị hóa cuốn qua, cách nhìn của ông cho thấy: Một xã - dù ở bên rìa thành phố lớn - như Nghĩa Trụ vẫn giữ trong mình sức mạnh nội tại và tiềm năng phát triển.

Tại đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh một lộ trình đa chiều: Quy hoạch phải hợp lý và linh hoạt, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo tồn sinh thái, phát triển dịch vụ nông thôn mới nhưng tuyệt đối không đánh đổi các giá trị truyền thống làm nên "phần hồn" của mỗi cộng đồng.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 8.

Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu với Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nghĩa Trụ khóa I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Nghĩa Trụ - qua những nhiệm vụ được giao - không phải là một xã sẵn sàng hy sinh bản sắc để trở thành "phường" hay "thị trấn" theo lối mòn, mà là đại diện tiêu biểu cho tinh thần phát triển dựa trên thế mạnh riêng, chủ động thích ứng với những sự đổi thay.

Và, từ cách tiếp cận dựa trên đặc thù về vị trí, truyền thống nông nghiệp, khả năng thích ứng với công nghệ và nguồn lực văn hóa của địa phương này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi đi một thông điệp mang tính gợi mở về tinh thần sáng tạo, chủ động cho hàng ngàn đơn vị cấp xã trên cả nước.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 9.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nghĩa Trụ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thông điệp từ Nghĩa Trụ không chỉ là câu chuyện của một xã cụ thể, mà cũng là câu chuyện về phép thử ý chí và năng lực sáng tạo của mọi đơn vị xã, phường khác - dù ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, ven đô hay đồng bằng. Mỗi đơn vị hành chính ấy đều đang đứng trước những "tọa độ phát triển" hoàn toàn mới về quy mô dân số, diện tích, tiềm lực kinh tế và văn hóa, trong một không gian rộng lớn hơn nhưng cũng nhiều thách thức so với trước đây.

Thoát khỏi "cái bóng" cũ kỹ của quá khứ để trở thành chủ thể tự kiến tạo, mỗi xã trên cả nước là một bài toán riêng, cần được giải bằng trí tuệ của cộng đồng, bằng khả năng khơi dậy nội lực riêng từng ngủ quên sau lũy tre làng hay giữa cảnh đô thị hóa ngổn ngang. Nói cách khác, điều phân biệt một xã hiện đại với một xã "ngày xưa" không nằm ở con dấu, văn phòng hay những thiết bị hiện đại, mà ở chính khát vọng và bản lĩnh đổi mới.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 10.

Chỉ khi dám làm mới mình mà không đánh mất căn cốt, kiên định bản sắc mà vẫn chủ động kiến tạo, mỗi xã mới trở thành điểm khởi phát cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - nơi "xã" không còn là cái bóng cũ hôm qua, mà là hình mẫu cho đổi thay mạnh mẽ hôm nay.

Đổi mới tư duy từ cấp xã - Ảnh 11.