Đổi mới để đưa mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian đến gần công chúng

06/07/2025 12:06 GMT+7 | Văn hoá

Khoảng 200 hiện vật cùng với các trải nghiệm, tương tác qua các ứng dụng công nghệ, trong Không gian Trưng bày Mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian, mới được ra mắt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Không gian trưng bày đã giúp công chúng trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và có hiểu biết sâu sắc, toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam từ xưa tới nay.

* Ấn tượng không gian trưng bày mỹ thuật mới

Bước vào Không gian trưng bày Mỹ thuật ứng dụng và Mỹ thuật dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công chúng bị hấp dẫn bởi những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian đặc sắc, được trưng bày bắt mắt. Tại đây, công chúng có thể ngắm và tìm hiểu về các loại hình tranh, tượng dân gian, các đồ dùng trong sinh hoạt... phản ánh đời sống tinh thần, kỹ năng nghề nghiệp tinh xảo, khả năng sáng tạo, bản sắc dân tộc, giá trị thẩm mỹ của nền văn hóa Việt Nam.

Đó cũng là những tác phẩm tranh dân gian độc đáo như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội); tranh Làng Sình (Huế); tranh thờ miền xuôi của dân tộc Kính ở Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An) và tranh thờ miền núi của các dân tộc Dao, Cao Lan, Tày, Nùng...; hay các bức tượng bằng gỗ, bằng đất nung, bằng sành, sứ… ở nhiều vùng, miền khác nhau…

Đổi mới để đưa mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian đến gần công chúng - Ảnh 1.

Du khách tham quan Không gian Trưng bày Mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Điểm đặc biệt của không gian trưng bày lần này là bên cạnh việc chiêm ngưỡng các hiện vật gốc qua hệ thống trưng bày chuyên nghiệp với tủ kính, giá đỡ, màu sắc và ánh sáng làm nổi bật yếu tố thẩm mỹ của từng hiện vật, Bảo tàng còn đưa ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình tương tác tra cứu thông tin hiện vật… vào trong không gian trưng bày, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt và giúp công chúng có thêm nhiều trải nghiệm hữu ích.

Tham quan gian trưng bày, em Lưu Thị Huyền, sinh viên khoa Di sản, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, em đã đi nhiều nơi, xem nhiều trưng bày khác nhau, nhưng em rất thích thú và bất ngờ với không gian trưng bày mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam này. Gian trưng bày không chỉ hấp dẫn bởi các hiện vật trưng bày bắt mắt với màu sắc, ánh sáng đẹp mà qua các màn hình ứng dụng công nghệ để tra cứu thông tin tại không gian trưng bày, giúp em tìm hiểu được nhiều thông tin hữu ích…

Vừa ngắm hiện vật, vừa tra cứu thông tin trên các ứng dụng công nghệ, bà Trần Thị Hương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, trong không gian trưng bày này, Bảo tàng đã kể một câu chuyện rất sinh động, thú vị. Việc kết hợp giữa kể chuyện theo cách truyền thống cùng với tích hợp ứng dụng công nghệ vào các hoạt động trưng bày của bảo tàng, đã dẫn dắt người xem tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về các hiện vật, mang đến cho công chúng nhiều thông tin hơn.

Đổi mới để đưa mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian đến gần công chúng - Ảnh 2.

Du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Vô cùng thích thú với việc tham quan hiện vật và trải nghiệm ứng dụng công nghệ tại gian trưng bày, anh Kanjanapong Rinsin, sinh viên Bộ môn Lịch sử Trường Đại học Naresuan (Thái Lan), hiện đang làm nghiên cứu sinh văn hóa tại Đại học Sư phạm Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 2 anh đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lần đầu tiên anh đến Bảo tàng chưa có gian trưng bày này, nên anh chỉ xem và tìm hiểu được ít thông tin. Lần này, khi đến Bảo tàng tham quan không gian trưng bày mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian, được trải nghiệm các ứng dụng công nghệ tại đây, anh thấy rất hấp dẫn và ý nghĩa.

"Tại gian trưng bày này, khi muốn xem và tìm hiểu rõ hơn thông tin về hiện vật, tôi có thể tìm ảnh hiện vật đó trên ứng dụng công nghệ, có thể zoom to, thu nhỏ để xem rõ ràng, chi tiết hơn về từng hiện vật. Trong ứng dụng còn tích hợp nhiều hình ảnh, hiện vật khác, cùng với các thông tin chi tiết về nguồn gốc, các thông số kỹ thuật, mỹ thuật giúp cho khách tham quan có thể tìm hiểu rõ ràng hơn. Đối với một nghiên cứu sinh nước ngoài như tôi, các thông tin này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó giúp tôi có thêm những hiểu biết quan trọng về văn hóa Việt Nam", anh Kanjanapong Rinsin chia sẻ.

* Gia tăng trải nghiệm đưa mỹ thuật đến gần công chúng

Chia sẻ về không gian trưng bày mới ra mắt này, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian là một phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Không gian Trưng bày Mỹ thuật ứng dụng và Mỹ thuật dân gian là một trong những nội dung quan trọng của hệ thống trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, góp phần phản ánh rõ nét lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tại đây, giới thiệu chọn lọc một số hiện vật mỹ thuật ứng dụng tiêu biểu của một số dân tộc và một số loại hình tranh, tượng dân gian, thể hiện vẻ đẹp trong tư duy thẩm mỹ, phản ánh đời sống tinh thần, kỹ năng nghề nghiệp tinh xảo, khả năng sáng tạo, bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị thẩm mỹ của nền văn hóa Việt Nam…

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh, không gian trưng bày mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật dân gian trước đây đã được trưng bày tại tầng 2 và 3 nhà B của Bảo tàng. Sau nhiều năm phục vụ công chúng, trang thiết bị đã xuống cấp, giảm giá trị thẩm mỹ và không còn đáp ứng được yêu cầu của khách tham quan. Vì lẽ đó, năm 2022, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã triển khai Dự án Chỉnh lý trưng bày Bộ sưu tập Mỹ thuật ứng dụng và Mỹ thuật dân gian. Sau 2 năm triển khai, đến nay, dự án đã hoàn thành và mới ra mắt công chúng.

Đổi mới để đưa mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian đến gần công chúng - Ảnh 3.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết thêm, do diện tích không gian trưng bày hạn chế, Bảo tàng cùng với các đối tác đã nghiên cứu, tìm tòi và sử dụng công nghệ như một giải pháp tối ưu hóa không gian và khắc phục những hạn chế về diện tích trưng bày. Song song đó, Bảo tàng xây dựng phần mềm tra cứu nhằm cung cấp thông tin, hình ảnh những hiện vật chưa trưng bày, giúp người xem có thể tìm hiểu sâu hơn về bộ sưu tập mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật dân gian của Bảo tàng. Đồng thời, Bảo tàng cũng xây dựng kế hoạch để định kỳ có thể luân phiên thay đổi hiện vật, góp phần làm đa dạng và phong phú không gian trưng bày này.

Điểm mới khác biệt của không gian trưng bày mới này, là các hiện vật được trưng bày theo dòng chảy mỹ thuật. Theo đó, thay vì trưng bày theo lối dân tộc học như trước đây là giới thiệu những bộ sưu tập bộ trang phục, bộ sưu tập về trang sức…, lần này Bảo tàng lựa chọn trưng bày những hiện vật liên quan đến yếu tố mỹ thuật nhiều hơn, đó là màu sắc, tạo hình…

Bên cạnh đó, Bảo tàng sử dụng công nghệ để gia tăng các trải nghiệm tạo cho khách tham quan. Ví dụ, không gian trưng bày có 200 hiện vật gốc, nhưng Bảo tàng đã số hóa hơn 2.000 hiện vật, khách tham quan có thể tìm hiểu thêm các hiện vật khác trên màn hình số, cùng với các video clip giới thiệu những bộ sưu tập đó, giúp khách tham quan tìm hiểu nhiều thông tin hữu ích hơn.

Nguyễn Anh Minh chia sẻ, việc đưa ứng dụng công nghệ vào không gian trưng bày kết hợp với trưng bày hiện vật gốc, nhằm giúp gia tăng các trải nghiệm, tạo ra sự hấp dẫn và thu hút khách tham đến bảo tàng ngày càng nhiều hơn. Hiện, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đưa nhiều ứng dụng công nghệ vào trong các trưng bày chuyên đề hoặc trưng bày cố định, như Photograph, công nghệ 3D mapping, sử dụng iMuseum VFA, sử dụng công nghệ trong triển lãm mỹ thuật trực tuyến… giúp khách tham quan tìm hiểu sâu hơn về các hiện vật.

"Có thể nói, yếu tố cốt lõi vẫn là trưng bày các hiện vật gốc, các bộ sưu tập để giới thiệu tới công chúng. Việc sử dụng công nghệ kết hợp với các hình thức trưng bày truyền thống nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan, tăng sự tương tác và thu hút ngày càng nhiều du khách đến bảo tàng hơn", Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm