10/05/2025 19:50 GMT+7 | Tin tức 24h
Trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu gia tăng và nguy cơ Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa Việt Nam, hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp, nhà sáng lập và chuyên gia chiến lược đã quy tụ tại diễn đàn cấp cao "Vươn mình vượt biên giới: Lãnh đạo trong kỷ nguyên hội nhập khu vực" ở TP HCM.
Sự kiện do nền tảng lãnh đạo Vanguard Việt Nam phối hợp cùng Singapore Leaders Network tổ chức, nhằm tạo không gian cho các nhà hoạch định chiến lược hai nước chia sẻ các hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng giữa bối cảnh kinh tế đầy biến động.
Lãnh đạo hôm nay không thể đi tiếp bằng tư duy của hôm qua
Khai mạc diễn đàn, ông Cường Đặng, Nhà sáng lập Vanguard Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Forbes Vietnam vào thẳng vấn đề cốt lõi: tư duy lãnh đạo. Dẫn lời Peter Drucker, người được xem là "cha đẻ của ngành quản trị hiện đại", ông Cường Đặng nhấn mạnh: "Điều nguy hiểm nhất trong thời kỳ biến động không phải chính sự biến động ấy mà là tiếp tục hành xử bằng logic của ngày hôm qua". Thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đã gây dựng nên những tập đoàn vững mạnh... trong bối cảnh không có nguồn vốn quốc tế, không có tấm bằng Ivy League, nhưng có một thứ mà không trường lớp nào dạy được: niềm tin vào chính mình và đất nước.
Ông Cường Đặng, Nhà sáng lập Vanguard Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn
Tuy nhiên, ông Cường Đặng nhấn mạnh: "Thế giới ngày hôm nay đã khác, mô hình cũ cần được thay đổi. Chúng ta đang cạnh tranh trong một môi trường không chỉ nhanh hơn, mà còn phức tạp và khốc liệt hơn rất nhiều. Lãnh đạo hôm nay không thể đi tiếp bằng tư duy của hôm qua".
Tiếp nối thông điệp đó, ông Nadir Ali Zafar, Giám đốc Trải nghiệm tại Học viện Lãnh đạo Nhân sự, đồng thời là Giám đốc Mạng lưới Lãnh đạo Singapore (Singapore Leaders Network), đã khái quát triết lý hành động qua ba chữ L: Lead, Learn, Link - Lãnh đạo, Học hỏi, Kết nối. Ông Zafar khẳng định: "Một ai đó phải bước lên để lấp đầy khoảng trống. Đã đến lúc chúng ta đầu tư nghiêm túc vào năng lực lãnh đạo - không chỉ để tồn tại, mà để vươn ra sân khấu khu vực và toàn cầu".
Ông Nadir Ali Zafar Giám đốc Singapore Leaders Network phát biểu tại diễn đàn
Ông Marco Breu, Chủ tịch Orionis Capital, cố vấn cấp cao tại McKinsey & Company đã chia sẻ những đúc kết từ hơn 25 năm đồng hành cùng các chính phủ và tập đoàn lớn khắp châu Á, bằng một lời cảnh tỉnh: "Thời đại của kế hoạch 5 năm bất di bất dịch đã kết thúc". Theo ông, trong một thế giới biến động không ngừng, chiến lược không còn là một bản đồ chi tiết mà phải là một hệ sinh thái các sáng kiến, được phân tầng theo mức độ rủi ro và thời gian thực hiện.
"Doanh nghiệp cần một danh mục chiến lược, ncó thứ quen thuộc để duy trì ổn định, có thứ táo bạo để bứt phá, và quan trọng nhất là phải đủ linh hoạt để điều chỉnh theo tín hiệu thị trường" – ông Marco Breu khẳng định.
Hành trình lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt
Các đại diện của bốn doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu của Việt Nam gồm Masan Group, TTC AgriS, PNJ và REE Corporation cũng đã mang đến những góc nhìn khác biệt nhưng chung khát vọng: làm sao để doanh nghiệp Việt bước ra khu vực, không chỉ bằng quy mô mà bằng tư duy, chiến lược và con người.
Đại diện Masan Group, TTC AgriS, PNJ và REE Corporation chia sẻ về quá trình phát triển doanh nghiệp
Ông Michael H. Nguyễn, Phó Tổng giám đốc Masan Group chia sẻ về hành trình tái định vị của tập đoàn, từ một nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh với các sản phẩm như nước mắm, mì gói, đến việc xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ khép kín thông qua thương vụ mua lại WinMart. Ông Michael H. Nguyễn nhấn mạnh: "Khi bạn sở hữu 4.000 điểm bán và một nền tảng khách hàng thân thiết, bạn không còn chỉ là người bán hàng - bạn trở thành người lắng nghe và thấu hiểu".
Ông Michael H. Nguyễn, Phó Tổng giám đốc Masan Group chia sẻ về hành trình tái định vị của tập đoàn
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch TTC AgriS và Betrimex mang đến diễn đàn một câu chuyện đối lập đầy cảm hứng: làm nông nghiệp với tư duy công nghiệp và tầm nhìn toàn cầu. Khởi đầu từ ngành mía đường, TTC đã đầu tư sâu vào nghiên cứu, tài chính chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo yêu cầu của thị trường quốc tế.
Mở rộng trong nông nghiệp không còn là bài toán sản lượng mà là kết nối, kết nối giữa nông dân, công nghệ, ngân hàng và thị trường. Bà My khẳng định: "Chúng tôi muốn nâng nông sản Việt lên chuẩn quốc tế, bằng khoa học, hệ thống và cả trách nhiệm xã hội".
Bà Đặng Huỳnh Ức My mang đến diễn đàn câu chuyện đối lập nhưng đầy cảm hứng
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ kể lại hành trình chuyển mình của doanh nghiệp từ một thương hiệu vàng gắn với tích trữ tài sản thành một thương hiệu trang sức dẫn đầu thị trường, định vị trong ngành thời trang và phong cách sống. "Chúng tôi không còn là nơi mua vàng, mà là nơi gửi gắm cảm xúc" – ông Thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng giám đốc REE Corporation thì chia sẻ thêm khía cạnh khác của doanh nghiệp Việt: bền bỉ, kỷ luật và có tầm nhìn dài hạn. Từ một xưởng cơ khí sau chiến tranh, REE là một trong những công ty đầu tiên thực hiện cổ phần hóa vào những năm 1990 và đã mở rộng thành tập đoàn đa ngành từ điện, nước, bất động sản đến cơ điện lạnh. Nhưng Tập đoàn không chạy theo xu hướng mà chọn những lĩnh vực có dòng tiền ổn định và khả năng tích lũy tài sản lâu dài. Ông Nguyễn Thái Bình khẳng định: "Chúng tôi không tăng trưởng bằng những cú nhảy, mà bằng những bước đi có chủ đích, có logic và có kỷ luật đầu tư".
Xem thêm VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất