14/07/2025 19:57 GMT+7 | Multimedia
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Di sản đặc biệt mà Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đóng góp cho nhân loại
Di sản văn hóa thế giới Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 12 điểm di tích chính, trải rộng ở ba tỉnh thành là Hải Phòng, Quảng Ninh và Bắc Ninh. Trong đó, 5 điểm di tích ở Quảng Ninh, gồm: Chùa Hoa Yên, chùa Lân, Thái Miếu, am chùa Ngọa Vân và bãi cọc Yên Giang.
Trong đó, một trong những khu vực được xem là linh thiêng bậc nhất theo quan niệm Phật giáo là núi Bảo Đài, Am Ngọa Vân, nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành những ngày cuối đời và hóa Phật tại đây. Am Ngọa Vân thuộc Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều. Tại đây có sự hiện diện của Phật Hoàng tháp nơi tôn trí xá lợi của Ngài. Chùa Ngọa Vân được xây sau khi Phật Hoàng qua đời, cũng vào đời nhà Trần, để thờ Phật và thực hiện việc hành đạo.
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, AHLLVTND, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an), PCT thường trực Hội Cựu CANDVN: Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngọa Vân có ý nghĩa sâu sắc. Nơi đây được truyền lại nhiều đời về mặt tâm linh, vì nơi đây Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Đây là Thiền phái rèn luyện cho con người ta đi lễ với tấm lòng yêu nước, nên linh thiêng ở điều đó.
TS. Bùi Hữu Dược, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ: Từ trên đỉnh bàn cờ, ngài đã nghĩ và tìm đến cho Phật giáo Việt Nam với phương châm chỉ ba chữ: Phật tại tâm. Trong tâm có Phật, người không có chữ cũng biết mình phải làm gì điều tốt, điều thiện lành, người cầm gươm giáo nơi chiến trường cũng biết mình phải trung trinh, bảo vệ Tổ quốc. Khi giặc đã thua rồi, sẵn sàng vì nhân quản mà khoan dung tha thứ. Chỉ ba chữ Phật tại tâm mà khắp nước Việt này ai cũng biết đến Phật pháp, ai cũng hành theo Phật pháp.
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị quân chủ duy nhất được biết đến ở châu Á đã từ bỏ vương vị để trở thành một nhà tu hành, có công khai sáng nên một dòng Thiền mang đậm triết lý nhân sinh, cốt cách Việt Nam. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại.
TS. Bùi Hữu Dược, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ: Chính tại Ngọa vân am, tư tưởng khoan dung của người đã vượt trội để đi khắp thế gian. Ngài ngồi một chỗ, ngài hiểu về việc cần phải giáo hóa cho dân, biết độc lập tự chủ nhưng phải biết khoan hòa, hòa hiếu với mọi người. Việt Nam làm bạn với thế giới, một câu nói đơn giản của ngày nay nhưng thực ra bắt nguồn từ tư tưởng của Đức Trần Nhân Tông đã có hơn 700 năm trước.
Ông Nguyễn Minh Vũ - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam: Có thể nói là đây là một kết quả của hơn 13 năm công tác chuẩn bị và chúng ta đã đi đến thành công. Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc đã trở thành di sản thế giới... Qua đây chúng ta thấy hết sức tự hào và xúc động vì cộng đồng quốc tế, đặc biệt UNESCO và các cơ quan chuyên môn đánh giá rất cao về ý nghĩa và giá trị của di sản Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm được sáng lập bởi Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ thế kỷ 13 với những giá trị hết sức là tốt đẹp về hòa bình, hòa hợp, hòa giải, về những tư tưởng nhập thế. Và đây chính là những giá trị rất phù hợp với tôn chỉ mục đích và những giá trị chung của UNESCO.
Di sản văn hóa thế giới thứ 9, Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được vinh danh là niềm tự hào to lớn khi Việt Nam được thừa nhận có đóng góp mạnh mẽ cho những giá trị văn hóa, tinh thần của nhân loại bằng di sản quý giá mà Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại../.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất