Để sách mở ra nghề nghiệp đa dạng cho trẻ em

06/05/2025 18:53 GMT+7 | Văn hoá

Chủ đề nghề nghiệp trong sách thiếu nhi có vai trò định hình nhận thức và khơi mở ước mơ tương lai cho trẻ em. Khi hình ảnh nghề nghiệp vẫn bị bó hẹp trong khuôn mẫu giới, trẻ em dễ mang theo định kiến vô thức ngay từ thuở nhỏ.

Muốn xây dựng một thế giới nghề nghiệp đa dạng, bình đẳng và tự do hơn, sách thiếu nhi cần những câu chuyện phá vỡ lối mòn, giàu cảm hứng và không giới hạn bởi giới tính. Đây chính là tinh thần nổi bật tại buổi thảo luận "Sự đa dạng của nghề nghiệp qua lăng kính sách thiếu nhi" diễn ra mới đây tại Hà Nội trong khuôn khổ chương trình kêu gọi sáng tác Gặp tôi trong tương lai. Chương trình này được khởi xướng bởi The Initiative of Children's Book Creative Content (ICBC), với sự đồng hành của ECUE-VGEM và NXB Kim Đồng, kéo dài đến 6/7/2025.

Ảnh hưởng vô thức của khuôn mẫu giới

Theo các chuyên gia, ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã bắt đầu hình dung về nghề nghiệp tương lai và những hình dung ấy thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ khuôn mẫu giới mà các em tiếp xúc hằng ngày. Điều đáng nói, những ảnh hưởng này diễn ra một cách vô thức, len lỏi qua từng trải nghiệm, từng hình ảnh tưởng chừng quen thuộc, nhưng mang tính định hướng rõ nét.

Anh Hoàng Giang Sơn (Quản lý đối tác Truyền thông và kết nối cộng đồng, sáng kiến Investing in Women) cho hay: "Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã được "thả tõm" vào một trật tự giới. Từ màu sắc quần áo, cách nuôi dạy, đến những lời khen, lời mắng thường ngày… tất cả đều mang thông điệp giới mà trẻ âm thầm ghi nhớ qua quan sát".

Để sách mở ra nghề nghiệp đa dạng cho trẻ em - Ảnh 1.

Workshop “Sự đa dạng của nghề nghiệp qua lăng kính sách thiếu nhi”

Theo anh, khuôn mẫu giới xuất hiện từ rất sớm. Khi đứa trẻ càng lớn, khuôn mẫu ấy càng được củng cố, thay đổi hình thức nhưng vẫn giữ nguyên định hướng. Đơn cử, những câu nói tưởng chừng vô hại như "con gái phải dịu dàng", "con trai phải mạnh mẽ", khi được lặp lại đủ nhiều, sẽ trở thành khuôn mẫu tâm lý bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến cách trẻ đánh giá bản thân và định hình vai trò giới trong tương lai.

Trong khi đó, chị Vũ Thị Quỳnh Liên (Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng) cho rằng, ngay cả khi chưa tiếp xúc với sách vở, trẻ em đã có những khái niệm mơ hồ về công việc thông qua việc quan sát người lớn. Tuy nhiên, chính sự quan sát này khiến trẻ dễ dàng tiếp thu luôn cả những khuôn mẫu giới. "Trẻ thường thấy giáo viên là nữ, thì tự động gắn nghề giáo với phụ nữ. Thấy lái xe là nam, thì tin đó là công việc của đàn ông" - chị Liên phân tích - "Đây không phải là lỗi của bất kỳ ai, mà là hệ quả của một chuỗi ảnh hưởng văn hóa, nơi những quan niệm truyền thống được kế thừa một cách vô thức từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Cũng theo chị Vũ Thị Quỳnh Liên, từ khoảng 5 tuổi là thời điểm thích hợp để giới thiệu cho trẻ về các nghề nghiệp. Đây là giai đoạn các em có trí tưởng tượng phong phú, tin rằng mình có thể làm bất kỳ điều gì, nhưng cũng là lúc các khuôn mẫu giới bắt đầu bám rễ. Không hiếm gặp trường hợp các bé trai mơ làm siêu nhân, kỹ sư, còn bé gái lại muốn trở thành cô giáo hoặc công chúa. Đây là những hình mẫu đã ăn sâu từ phim ảnh, sách truyện, và thậm chí là chính từ lời kể của người lớn.

Như thế, khi trẻ bước vào độ tuổi bắt đầu khám phá thế giới xung quanh một cách chủ động hơn, các em cũng bắt đầu gắn đặc điểm, hành vi và vai trò cụ thể cho từng giới tính. Quá trình này diễn ra rất tự nhiên nhưng mang ảnh hưởng lâu dài. Những suy nghĩ ngây thơ về nghề nghiệp ở thời điểm này thực chất là tấm gương phản chiếu những khuôn mẫu giới đang vận hành trong xã hội.

"Lối mòn" của sách thiếu nhi về nghề nghiệp

Trong bối cảnh những khuôn mẫu giới vẫn đang bủa vây lấy trẻ ở nhiều dạng thức, cả vô thức lẫn có chủ đích, các chuyên gia cho rằng sách thiếu nhi chính là "cầu nối" để trẻ có thể nhìn thấy một thế giới nghề nghiệp rộng mở hơn.

Cụ thể, qua những câu chuyện sinh động và hình minh họa đầy màu sắc, trẻ có thể sống với muôn vàn trải nghiệm nghề nghiệp, và khám phá những ước mơ của mình. Những hình mẫu tích cực và đa dạng trong sách sẽ giúp mở rộng giới hạn tư duy, cho trẻ tự do lựa chọn con đường của mình. Ở đây, vai trò của sách thiếu nhi trong việc nới rộng sự hình dung của trẻ về nghề nghiệp là điều không thể xem nhẹ.

Để sách mở ra nghề nghiệp đa dạng cho trẻ em - Ảnh 2.

Bộ sách “Những người sống quanh em” của NXB Kim Đồng

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ấn phẩm hiện nay vẫn đang đi theo lối mòn, vừa thiếu sự đa dạng ngành nghề, vừa tồn tại khuôn mẫu giới rõ nét.

Theo chị Vũ Thị Quỳnh Liên, thị trường sách thiếu nhi về chủ đề nghề nghiệp hiện nay "vừa thừa mà lại vừa thiếu". Thừa là vì có rất nhiều sách nói về những nghề phổ thông như bác sĩ, giáo viên… nhưng thiếu vắng sách nói về những công việc gần gũi, thiết yếu, hoặc những nghề đặc thù nhưng lại ít được khai thác.

"NXB Kim Đồng từng xuất bản bộ sách Những người sống quanh em tuy đề cập đến các nghề gần gũi trong đời sống, nhưng vẫn còn giới hạn. Trong bộ sách này có một vài cuốn sách khác biệt như Thím giúp việc nhà - một nghề mà rất nhiều gia đình đều có nhu cầu. Nhưng nhìn rộng ra, sách viết về những công việc như thế này vẫn rất hiếm" - chị dẫn chứng.

Mặt khác, không chỉ thiếu về số lượng ngành nghề, vấn đề khuôn mẫu giới cũng là điều đáng chú ý trong sách thiếu nhi về chủ đề nghề nghiệp hiện nay. Anh Hoàng Giang Sơn cho rằng, khuôn mẫu giới len lỏi trong nhiều lớp nội dung của những cuốn sách thiếu nhi về chủ đề nghề nghiệp, từ việc chọn nhân vật chính, thiết kế màu sắc, đến cách dùng từ.

"Về màu sắc, chúng ta có đang lặp lại quan niệm mang khuôn mẫu giới: Nữ màu hồng, nam màu xanh? Rồi đến ngôn ngữ, có rất nhiều từ ngữ tiếng Việt mang thiên kiến giới mà chúng ta không nhận ra" - anh phân tích - "Ví dụ từ "hero" dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "anh hùng". Khi dùng từ này cho nữ gọi là "nữ anh hùng", vẫn chứa từ "anh" mang hàm ý giới. Làm sao để kể về một "hero" là nữ mà lại dùng được từ trung tính là rất khó".

Hoặc, "nhiều câu chuyện kể về động vật, biến chúng trở thành những người bạn với con người. Nhưng đa phần các tác giả lại gọi là "chú mèo", "chú chó", "chú chuột"… những cách gọi mặc định tính nam. Dù không cố ý, cách sử dụng ngôn từ này đã vô tình củng cố khuôn mẫu giới" - anh dẫn chứng thêm.

Tạo ra những câu chuyện khơi gợi tò mò

Theo các chuyên gia, để tạo ra những thay đổi thực chất, sách thiếu nhi, đặc biệt là sách về nghề nghiệp cần vượt ra khỏi lối mòn cũ. Việc chỉ tăng số lượng nhân vật nữ hoặc đơn thuần "đảo vai" giới tính trong các hình mẫu quen thuộc là chưa đủ. Điều cần thiết hơn là tạo ra những câu chuyện đa chiều, sâu sắc, từ đó khơi gợi sự tò mò, mở rộng nhận thức và giới thiệu đến trẻ một thế giới nghề nghiệp phong phú hơn, cả về nội dung lẫn cách tiếp cận.

Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên nhấn mạnh: "Một tác phẩm hay cần có nhiều lớp nội dung để người đọc khám phá, đặc biệt là với trẻ em".

Để sách mở ra nghề nghiệp đa dạng cho trẻ em - Ảnh 3.

Bộ sách “Danh nhân khoa học Việt Nam” của NXB Kim Đồng

Theo chị, sách về nghề nghiệp không nhất thiết phải mang hình thức liệt kê thông tin khô cứng. Có nhiều cách để lồng ghép nghề nghiệp vào trong những câu chuyện lớn hơn, từ truyện văn học cho tới sách danh nhân, miễn là tác phẩm gợi cảm hứng và tạo kết nối tự nhiên với trải nghiệm sống của trẻ.

Ví dụ, NXB Kim Đồng gần đây đã in bộ sách Danh nhân khoa học Việt Nam giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong giới khoa học Việt Nam thế kỉ 20 như Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa,… Đây là những tấm gương có thể truyền cảm hứng về mặt nghề nghiệp cho trẻ.

Mặt khác, theo chị Liên, những khuôn mẫu giới đang khá đậm nét trong các cuốn sách thiếu nhi có chủ đề nghề nghiệp. Vì vậy, các nhà xuất bản luôn mong muốn tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ hơn để sách thiếu nhi không chỉ phong phú về ngành nghề mà còn tiến bộ hơn về bình đẳng giới.

"Một ví dụ đặc biệt là cuốn Chang hoang dã của tác giả Trang Nguyễn, kể lại hành trình trở thành nhà bảo tồn động vật hoang dã từ chính trải nghiệm của tác giả. Không chỉ mở ra một lĩnh vực nghề nghiệp hiếm khi xuất hiện trong sách thiếu nhi, câu chuyện còn khơi gợi cảm hứng khám phá mạnh mẽ, đặc biệt đối với các bạn nữ. Đây là 1 trong những tác phẩm hiếm hoi thực sự tạo được dấu ấn mới mẻ, cả về chủ đề lẫn hình tượng giới" - chị Liên dẫn chứng.

Nói rộng ra, anh Hoàng Giang Sơn nhấn mạnh rằng, nếu coi sách thiếu nhi là tấm gương phản chiếu thế giới hiện tại, thì việc các khuôn mẫu giới vẫn hiện diện trong sách là điều dễ hiểu. Chúng phản ánh những định hình xã hội vốn đang tồn tại rộng rãi, phổ biến.

"Ngay cả khi không có những lời kêu gọi thay đổi, sách vẫn tiếp tục được sản xuất, và các khuôn mẫu giới vẫn tiếp tục được duy trì và tái tạo mỗi ngày. Vì vậy, điểm khác biệt quan trọng của việc kêu gọi sáng tác ở thời điểm này không phải là "tấn công" những cuốn sách có khuôn mẫu giới, mà là nỗ lực mở rộng thêm những câu chuyện, hình ảnh còn thiếu" - anh Sơn bày tỏ - "Chẳng hạn, nếu hình ảnh các nhà khoa học nữ vẫn còn hiếm hoi, thì chính sách thiếu nhi nên là nơi góp phần lấp đầy khoảng trống đó".

Ở đây, theo chuyên gia này, việc viết và xuất bản sách thiếu nhi cũng là một cách kiến tạo tương lai. Đó là những cuốn sách không chỉ phản ánh thế giới quen thuộc quanh trẻ, mà còn mở rộng tầm nhìn, giúp các em hình dung ra nhiều con người, nghề nghiệp và vai trò đa dạng trong xã hội.

"Gặp tôi trong tương lai"

Chương trình này nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho phụ nữ) - một sáng kiến của chính phủ Australia.

Chương trình kêu gọi sáng tác sách tranh thiếu nhi nhằm tạo nhiều nội dung phong phú về quyền tự do khám phá và lựa chọn nghề nghiệp - một chủ đề còn nhiều khoảng trống trong hệ sinh thái xuất bản và giáo dục hiện nay.

Chương trình chào đón mọi công dân Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, có thể tham gia với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm. Người tham gia có cơ hội được phát triển bản thảo, xuất bản tác phẩm với NXB Kim Đồng và lan tỏa đến hệ thống trường học, thư viện, cộng đồng đọc sách thiếu nhi trên toàn quốc.

Hạn chót nhận hồ sơ tham gia kêu gọi sáng tác vào ngày 18/5/2025. Từ ngày 29/6 - 6/7/2025, Ban tổ chức công bố ý tưởng được chọn và trưng bày các tác phẩm được chọn tại Gặp tôi trong tương lai.

Hướng tới Lễ trao giải Dế Mèn 2025

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 6 năm 2025 thuộc báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã kết thúc nhận bản thảo và tác phẩm lúc 24h ngày 20/4/2025, hiện đang trong vòng chấm chung khảo. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) năm 2025.

Hội đồng giám khảo năm nay tiếp tục do nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm