Bác Hồ đã từng viết: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố". Bản thân Người là minh chứng rực rỡ, sống động nhất.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản vô giá, một kho báu không thể đong đếm bằng vật chất, không thể đo lường bằng thước đo thông thường. Đó không chỉ là độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ - những giá trị mà bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để giành lấy, mà trên tất cả, đó là một hệ thống tư tưởng, một tấm gương đạo đức, một phong cách sống, phong cách làm việc đã trở thành ngọn hải đăng soi đường, thành chuẩn mực, thành khuôn vàng thước ngọc cho toàn xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại Khu di tích Đền Hùng, trước khi đơn vị vào tiếp quản Thủ đô. Người nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Phú Thọ, 19/9/1954). Ảnh: TTXVN
Từ lòng yêu nước thương dân nồng nàn, chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, khiêm tốn giản dị, đến phong cách dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn - tất cả đều hội tụ, lấp lánh trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên một hình mẫu người lãnh đạo gần dân, vì dân, một biểu tượng mà mỗi khi nhắc tới, lòng người Việt Nam lại rưng rưng xúc động, ngập tràn tự hào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là một lãnh tụ xa vời, không phải là hình ảnh chỉ tồn tại trên các bức tượng đài hoặc trang sách sử. Người là sự sống động của lòng dân, là sự gần gũi giản dị trong từng câu chuyện mà bao thế hệ kể nhau nghe. Người là vị Chủ tịch nhưng vẫn xắn quần lội ruộng cùng nông dân, vẫn ghé thăm lớp học xóa mù chữ, vẫn đi bộ giữa phố phường hỏi thăm những người bán hàng rong. Người là lãnh đạo tối cao nhưng khi ăn chỉ đôi bát cơm rau dưa, khi mặc chỉ bộ áo ka-ki bạc màu, khi ngủ chỉ chiếc giường mộc mạc, chiếc chăn mỏng, cây quạt nan. Đôi dép cao su giản dị đã đi cùng Bác qua biết bao chặng đường, từ chiến khu Việt Bắc, đến Hà Nội mùa Thu năm ấy, đến những cuộc tiếp đón nguyên thủ các quốc gia. Chiếc quạt nan giản dị đã theo Bác qua những đêm thao thức lo chuyện nước nhà. Và cả những bữa cơm đạm bạc, bữa cháo loãng chia cùng chiến sĩ, đồng bào - tất cả không chỉ là vật dụng, mà là những biểu tượng bất tử của một triết lý sống, một phong cách lãnh đạo, một nhân cách lớn.
2. Từ chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tuổi 16, mang trong lòng nỗi đau mất nước, đã dấn thân ra đi tìm đường cứu nước, Người đã lăn lộn giữa những bến cảng, những xưởng thợ, những tòa soạn báo, những giảng đường, nhà lao... ở năm châu bốn bể. Để rồi từ một người yêu nước trở thành một nhà cách mạng, từ một nhà cách mạng trở thành một người cộng sản quốc tế, từ một người cộng sản trở thành người Cha già dân tộc. Nhưng dù ở đâu, ở đỉnh cao quyền lực nào, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đập nhịp yêu thương đồng bào, vẫn giữ phong thái ung dung, thanh khiết, vẫn giản dị, khiêm nhường.
Những vị khách quốc tế khi đến thăm Bác đều xúc động không chỉ vì được gặp một nguyên thủ quốc gia, mà còn vì được gặp một con người bình dị, gần gũi lạ lùng. Bác tiếp khách bằng ấm trà xanh, bằng nụ cười hiền hòa, bằng đôi bàn tay ấm áp. Bác tiễn khách ra tận cửa, ân cần dặn dò. Những câu chuyện ấy, những hình ảnh ấy đã chạm vào trái tim của không chỉ người Việt Nam, mà cả bạn bè năm châu.
Có vị nguyên thủ từng nói: "Tôi đến gặp một lãnh tụ, nhưng ra về với ấn tượng về một người cha hiền từ". Có nhà báo phương Tây thốt lên: "Hồ Chí Minh là 1 trong số ít những con người mà sự vĩ đại không nằm ở quyền lực, mà nằm ở nhân cách".
Bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. Ảnh: TTXVN
Đối với đồng bào, đồng chí, Bác là chỗ dựa tinh thần, là ngọn đuốc dẫn đường, là nguồn cảm hứng sống. Với người già, Bác là sự sẻ chia, quan tâm. Với trẻ nhỏ, Bác là ông bụt nhân từ, là người gửi thư khen những em học sinh ngoan, gửi quà Tết thiếu nhi, là người luôn căn dặn "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, bước vào hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường, những giá trị ấy không chỉ là quá khứ để tưởng nhớ, mà là tương lai để noi theo, là ngọn đuốc soi đường cho từng cán bộ, đảng viên, từng thanh niên, từng người dân Việt Nam"
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Với bộ đội, công nhân, nông dân, Bác là người bạn, người đồng chí, người thủ lĩnh luôn lắng nghe, luôn quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ, từng nỗi lo, niềm vui. Với cán bộ, Bác là tấm gương về đạo đức, về lối sống, về phong cách làm việc, về tinh thần "nói đi đôi với làm," "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt, là mạch nguồn chảy mãi trong trái tim người Việt Nam. Đó là di sản của lòng nhân ái, của niềm tin sắt son vào nhân dân, của ý chí sắt đá, của tấm lòng thủy chung son sắt với Đảng, với dân, với nước. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, bước vào hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường, những giá trị ấy không chỉ là quá khứ để tưởng nhớ, mà là tương lai để noi theo, là ngọn đuốc soi đường cho từng cán bộ, đảng viên, từng thanh niên, từng người dân Việt Nam.
Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong lối sống giản dị, thanh bạch, mà còn toát lên một triết lý lãnh đạo sâu sắc, một trường học lớn mà từng lời nói, từng cử chỉ, từng việc làm của Người đều là bài học sống động cho những người làm cách mạng. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư duy chiến lược và hành động cụ thể, giữa tầm nhìn của một lãnh tụ và trái tim của một người dân bình dị.
1. Bác Hồ luôn đề cao tinh thần nói đi đôi với làm, coi đó là chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên. Người từng nhắc nhở: "Nói thì phải làm, đã nói thì phải làm cho kỳ được, đừng nói suông".
Với Bác, học không phải để sáo rỗng, để khoe khoang, mà học để hành, để làm cho dân được nhờ, nước được lợi. Trong mỗi chuyến đi thực tế, Bác không chỉ quan sát, kiểm tra, mà còn lắng nghe, hỏi han, ghi nhận từng ý kiến nhỏ nhất của nhân dân. Người thường nói: "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề mà cán bộ, đảng viên không ngờ tới. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại nhà cũ ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (12/1961). Ảnh: TTXVN
Những năm tháng kháng chiến gian lao, hình ảnh Bác Hồ với bộ quần áo nâu giản dị, chân đi dép cao su, miệng cười hiền hậu, tay bắt tay đồng bào, chiến sĩ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của niềm tin. Người về thăm làng quê, ngồi bên bếp lửa cùng đồng bào nghe chuyện mùa màng. Người thăm đơn vị bộ đội, chia sẻ từng bữa cơm dã chiến, động viên các chiến sĩ giữ vững tinh thần.
Với công nhân, Bác vào tận phân xưởng, hỏi thăm từng người về đời sống, việc làm. Với nông dân, Bác ra đồng, xem lúa má, nghe kể về những mùa vụ được, mất. Bác gần gũi, giản dị đến mức có người không tin rằng mình vừa được trò chuyện với Chủ tịch nước, lãnh tụ của dân tộc.
Chính sự giản dị và gần dân ấy đã làm nên sức mạnh của lòng tin, làm nên uy tín không gì lay chuyển nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng dân.
Khi đất nước giành được độc lập, Bác vẫn giữ thói quen gần dân, lắng nghe dân. Câu chuyện Bác đi thăm nhà máy xe lửa Gia Lâm, lắng nghe công nhân kể về năng suất, về cuộc sống, về những khó khăn trong sản xuất, rồi động viên anh em cố gắng tăng gia sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, đã trở thành một bài học mẫu mực về phong cách lãnh đạo sâu sát, thiết thực.
Khi nói chuyện với cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, Bác nhắc nhở: "Các chú đi là mang theo cả niềm tin của đồng bào miền Nam. Dù khó khăn thế nào cũng phải giữ trọn phẩm chất cách mạng, giữ vững niềm tin ấy".
Với thiếu nhi, Người quan tâm từ những điều nhỏ bé. Khi nghe tin một em nhỏ nhặt được của rơi trả lại người mất, Bác đã viết thư khen, coi đó là việc làm cao quý, đáng trân trọng, để nêu gương cho cả người lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tát nước chống hạn với nông dân xã Đại Thanh, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) ngày 12/1/1958. Ảnh: Đinh Đăng Định - TTXVN
2. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân gọi Bác bằng hai tiếng "Bác Hồ" thân thương, chứ không chỉ là "Chủ tịch Hồ Chí Minh". Hai tiếng "Bác Hồ" đã vượt lên mọi danh xưng, mọi chức tước, để trở thành biểu tượng của tình yêu thương, của sự gần gũi, của niềm tin trọn vẹn.
Người ta kể rằng, có lần Bác về thăm một gia đình nông dân, thấy con cái họ thiếu thốn quần áo, Bác đã rút ngay trong tay nải của mình ra một chiếc áo gửi tặng. Có lần, Bác đến thăm bộ đội, thấy chiến sĩ thiếu lương thực, Bác đã xin giảm khẩu phần ăn của mình. Những cử chỉ nhỏ ấy, nhưng sức lan tỏa thì vô cùng lớn, bởi nó xuất phát từ một trái tim lớn, một nhân cách lớn.
Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là cách ứng xử, làm việc, mà còn là một phương pháp lãnh đạo: dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và hành động. Bác từng căn dặn cán bộ: "Muốn biết, phải hỏi dân. Muốn giỏi, phải học dân. Muốn khéo, phải gần dân". Bác không chấp nhận thứ lý luận giáo điều, quan liêu, xa rời cuộc sống. Người quan niệm: "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Chính nhờ vậy mà những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dưới thời Bác luôn đi vào lòng dân, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là cách ứng xử, làm việc, mà còn là một phương pháp lãnh đạo: dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và hành động"
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Khi nhìn lại những câu chuyện ấy, ta không chỉ thấy một lãnh tụ vĩ đại, mà thấy một con người của yêu thương, của sẻ chia, của hết lòng vì dân. Trong thời đại ngày nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, khi những cải cách về bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính đang diễn ra mạnh mẽ, khi yêu cầu về đạo đức, phong cách cán bộ được đặt lên hàng đầu, thì những bài học từ phong cách Hồ Chí Minh vẫn nóng hổi tính thời sự. Làm cán bộ, làm lãnh đạo, không thể chỉ ngồi bàn giấy, hô hào khẩu hiệu; không thể chỉ dừng ở các cuộc họp, báo cáo thành tích; càng không thể xa dân, coi thường dân. Làm cán bộ, làm lãnh đạo, phải "dấn thân", phải "gần dân, trọng dân, học dân", phải biết lắng nghe và hành động vì dân, như Bác đã dạy.
Phong cách Hồ Chí Minh chính là một trường học lớn, mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người Việt Nam đều có thể học suốt đời. Đó không phải trường học của những lý thuyết khô cứng, mà là trường học của những việc làm giản dị, của những hành động cụ thể, của những trái tim biết yêu thương, của những khối óc biết nghĩ lo cho đất nước, cho nhân dân. Và chính nhờ phong cách ấy, nhờ những tấm gương sống động ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một phần máu thịt của dân tộc, trở thành người thầy, người đồng chí, người cha, người bạn lớn của muôn triệu con người Việt Nam.
Sự trường tồn của giá trị Hồ Chí Minh nằm chính ở chỗ: dù thời đại có thay đổi, dù đất nước có tiến vào kỷ nguyên công nghệ 4.0, 5.0, dù cuộc sống có hiện đại, tiện nghi đến đâu, thì những giá trị cốt lõi về lòng yêu nước, về phụng sự nhân dân, về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư vẫn vẹn nguyên sức sống, vẫn là cội nguồn để mọi cải cách, đổi mới đều hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Ngày nay, Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển rực rỡ mà có lẽ chính Bác Hồ năm xưa cũng từng hằng mơ ước. Từ một đất nước nhỏ bé, đi lên từ biết bao những khó khăn do chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có dân số hơn 100 triệu người, tăng trưởng kinh tế ổn định, hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, tiếng nói ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế.
Những đại lộ mới được mở ra, những khu công nghiệp sầm uất, những đô thị năng động, những thế hệ thanh niên tràn đầy khát vọng - tất cả vẽ nên một bức tranh Việt Nam thời kỳ mới: đầy sức sống, đầy hoài bão, đầy tự tin bước ra thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, nhân dịp Người lên dự Lễ kỷ niệm 5 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1959). Ảnh: TTXVN
Những giá trị cốt lõi
Nhưng trên hành trình tiến tới tương lai, đất nước cũng phải đối diện với muôn vàn thách thức. Đó là yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số, là thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, là cuộc cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa các quốc gia lớn, là vấn đề già hóa dân số tác động tới lực lượng lao động và an sinh xã hội. Đặc biệt, đó là yêu cầu đổi mới bộ máy nhà nước, tinh gọn, hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, để không ai, không vùng nào bị bỏ lại phía sau.
Những thách thức ấy, nếu không có một điểm tựa tinh thần, nếu không có những giá trị dẫn dắt, rất dễ khiến chúng ta chệch hướng, mệt mỏi, thậm chí lạc lối giữa dòng xoáy hội nhập.
Và chính lúc ấy, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lại hiện lên như một ngọn đuốc soi đường, như một sợi dây neo giữ tinh thần dân tộc, như một la bàn để chỉnh hướng phát triển.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước là một bước đi quan trọng để giảm trùng lặp chức năng, tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả phục vụ nhân dân. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu cải cách chỉ dừng lại ở việc thay đổi cơ cấu tổ chức, giảm đầu mối, gộp địa bàn. Cái cần cải cách sâu sắc hơn, căn bản hơn, chính là cải cách con người - là phẩm chất, là đạo đức, là phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ. Một bộ máy dù được thu gọn, tinh giản bao nhiêu, nhưng nếu vẫn tồn tại những cán bộ thờ ơ, quan liêu, thiếu trách nhiệm, nếu vẫn tồn tại những người chỉ biết "ấm chỗ", chỉ biết giữ quyền mà không giữ lòng dân, thì mọi nỗ lực tổ chức đều trở nên vô nghĩa.
Chính vì thế, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là một phong trào, một đợt vận động nhất thời, mà phải trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của từng địa phương, từng cơ quan, từng con người.
Bác Hồ dạy chúng ta biết yêu nước không phải bằng lời nói suông, mà bằng những hành động cụ thể, bằng những đóng góp nhỏ bé nhưng bền bỉ hàng ngày. Bác dạy cán bộ phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân. Bác dạy lãnh đạo phải dám chịu trách nhiệm, dám xông pha, không quan liêu, không cửa quyền. Bác dạy từng người dân phải sống ngay thẳng, lương thiện, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, Tổ quốc.
Trong những ngày tháng Tư vừa qua, cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại TP.HCM, lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể, để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong lòng hàng triệu người dân. Hình ảnh những đoàn diễu binh uy nghiêm trên đại lộ Nguyễn Huệ, những chương trình nghệ thuật đong đầy cảm xúc, những cuộc gặp gỡ giữa cựu chiến binh và thế hệ trẻ - tất cả không chỉ là một sự kiện mang tính lễ hội, mà là lời nhắc nhở sâu sắc rằng: thành quả ngày hôm nay được đánh đổi bằng máu xương, bằng biết bao gian khổ của cha ông. Trong từng nụ cười, từng ánh mắt, từng lời ca vang lên trên sân khấu, dường như ai cũng thấy bóng dáng Bác Hồ, thấy lời căn dặn của Người về giữ gìn hòa bình, độc lập, thống nhất, về tinh thần đoàn kết, về trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với tương lai đất nước.
Như đã nói, những giá trị cốt lõi về lòng yêu nước, về phụng sự nhân dân, về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư vẫn vẹn nguyên sức sống, vẫn là cội nguồn để mọi cải cách, đổi mới.
Để thực hiện được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải tự soi mình vào tấm gương Bác Hồ, phải tự hỏi mình rằng: ta đã thực sự vì dân chưa, đã thực sự nêu gương chưa, đã thực sự xứng đáng với niềm tin mà nhân dân giao phó chưa? Bởi lẽ, không có lòng dân, không có niềm tin của dân, thì dù cơ cấu tổ chức có hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể mang lại thành công. Chỉ khi học Bác một cách thực tâm, làm theo Bác một cách bền bỉ, khi từng lời nói, từng việc làm của người cán bộ đều thấm nhuần tinh thần "vì dân, gần dân, trọng dân, học dân", khi đó, bộ máy mới thực sự mạnh mẽ, cải cách mới thực sự có ý nghĩa, đất nước mới thực sự vươn tới những đỉnh cao của khát vọng hùng cường.
Nêu gương - yêu cầu bức thiết đối với cán bộ, đảng viên
Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không bao giờ chỉ dừng lại ở những lời hô hào, khẩu hiệu hay những bài diễn văn đẹp đẽ. Đó là những giá trị sống động, cụ thể, được thể hiện bằng hành động, bằng gương sáng trong đời sống hằng ngày.
Bác Hồ từng nói giản dị mà sâu sắc: "Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Một câu nói ngắn gọn, mà chứa đựng cả triết lý lãnh đạo, cả quan điểm về xây dựng Đảng, về rèn luyện con người. Với Bác, làm cán bộ không phải là một đặc quyền để hưởng thụ, mà là một bổn phận, một trách nhiệm, một sự gương mẫu để đi đầu, để làm trước, để nhân dân nhìn vào mà tin, mà yêu, mà làm theo.
Đảng ta gần đây cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về việc các cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa chính mình, lấy dân làm gốc, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Đó là lời nhắc nhở đầy tính thời sự trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm, khi bộ máy nhà nước đang tinh giản mạnh mẽ để phục vụ dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh ấy, sự nêu gương không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc, một tiêu chuẩn căn bản của người cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân nông trường Mộc Châu (8/5/1959). Ảnh: TTXVN
Trong thực tế, có không ít tấm gương cán bộ đã làm được điều đó, lặng lẽ mà vĩ đại, bình dị mà đáng kính trọng. Ta có thể nhắc đến Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đi đốc thúc các công trình trọng điểm quốc gia. Chủ tịch UBND TP.HCM nhiều lần đối thoại trực tiếp, tháo gỡ bức xúc của người dân Thủ Thiêm. Ta cũng không thể quên hình ảnh những cán bộ y tế bám trụ giữa đại dịch COVID-19, những giáo viên cắm bản nơi rẻo cao, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, sự an nhàn của bản thân, để góp phần thắp lên ngọn lửa tri thức, thắp lên hy vọng đổi đời cho bao lớp học trò nghèo. Họ chính là những minh chứng sống động, những người đã và đang thực hành lời dạy của Bác, là những tấm gương để xã hội noi theo.
Nhưng đáng buồn thay, bên cạnh những hạt ngọc sáng ấy, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên chưa thực sự nêu gương, thậm chí đi ngược lại lời dạy của Bác. Đó là những người lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân, tham ô, tham nhũng, vơ vét của công. Đó là những người nói nhiều, làm ít, hứa nhiều, thực hiện chẳng bao nhiêu. Đó là những người đứng trên dân, xa rời dân, quan liêu, hách dịch, để mặc những bức xúc của dân tồn đọng, những nguyện vọng của dân rơi vào im lặng. Chính họ đã làm xói mòn niềm tin của nhân dân, làm tổn hại uy tín của Đảng, làm chậm lại bước tiến của cả dân tộc.
Bác Hồ đã từng cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm này từ rất sớm. Người viết: "Một dân tộc, một Đảng, và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không có nghĩa là ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Lời cảnh tỉnh ấy vang vọng đến tận hôm nay, trở thành tấm gương soi để mỗi cán bộ, đảng viên tự vấn, tự sửa, tự rèn. Đất nước đang đứng trước những bước ngoặt lớn, những cơ hội lớn. Muốn nắm bắt được những cơ hội ấy, không gì khác hơn là phải có một đội ngũ cán bộ mạnh về trí tuệ, vững về bản lĩnh, trong về đạo đức, sáng về phong cách.
Trong kỷ nguyên mới, khi khát vọng vươn mình của dân tộc đang bừng cháy, khi những cải cách lớn lao đang đòi hỏi sự đồng lòng, gắn kết..., sự nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là một nhiệm vụ chính trị, mà còn là một mệnh lệnh của trái tim, một nghĩa vụ thiêng liêng..."
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước tại TP.HCM vừa qua, khi những đoàn diễu binh rầm rập tiến qua đại lộ, khi những gương mặt thế hệ trẻ ánh lên niềm tự hào, xúc động, khi những cựu chiến binh rưng rưng nước mắt ôn lại ký ức hào hùng, ai cũng hiểu rằng: thành quả hôm nay không chỉ được xây dựng bằng súng đạn, bằng mồ hôi và máu, mà còn bằng niềm tin, bằng trách nhiệm, bằng sự gương mẫu của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên. Họ đã sống, đã chiến đấu, đã cống hiến với một niềm tin son sắt, rằng nếu mình làm gương, dân sẽ theo; nếu mình vì dân, dân sẽ vì mình; nếu mình đặt Tổ quốc lên trên hết, dân tộc sẽ trường tồn, đất nước sẽ hùng cường.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong kỷ nguyên mới, khi khát vọng vươn mình của dân tộc đang bừng cháy, khi những cải cách lớn lao đang đòi hỏi sự đồng lòng, gắn kết, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên không chỉ là một nhiệm vụ chính trị, mà còn là một mệnh lệnh của trái tim, một nghĩa vụ thiêng liêng trước Tổ quốc, trước nhân dân, trước thế hệ mai sau. Chỉ khi mỗi người soi mình vào tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ mình trong sạch, làm việc tận tụy, cống hiến không ngừng, thì lúc ấy, đạo đức, phong cách Bác Hồ mới thực sự thấm sâu vào đời sống, mới thực sự trở thành nguồn sức mạnh bất tận để đất nước bứt phá vươn lên, để dân tộc sải bước vào tương lai với niềm tự hào và khát vọng cháy bỏng.
Đất nước đang bước vào một kỷ nguyên mới với những đòi hỏi chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Chuyển đổi số len lỏi vào mọi ngõ ngách đời sống, hội nhập quốc tế mở ra những cánh cửa lớn lao nhưng cũng đặt ra những thử thách to lớn; phát triển xanh, bền vững không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để đi tới tương lai…
Trong bức tranh đầy chuyển động ấy, Đảng ta đã và đang nỗ lực xây dựng những chuẩn mực đạo đức mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại: đó là cán bộ, đảng viên không chỉ giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, mà còn phải vững vàng về bản lĩnh, trong sạch về đạo đức, và trên hết, phải giữ được ngọn lửa phụng sự nhân dân.
Nhưng dẫu cho tiêu chuẩn có cập nhật, thì những giá trị cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại vẫn là nền tảng bất di bất dịch: lòng yêu nước cháy bỏng, sự trung thực không khoan nhượng, tinh thần trách nhiệm không ngừng nghỉ, đức liêm chính trong sạch, phong cách gần dân, yêu dân, vì dân.
Học tinh thần sáng tạo không ngừng
Bác Hồ từng dạy, làm dân vận là phải "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", nghĩa là phải toàn tâm toàn ý, phải lắng nghe từ tiếng thở dài của dân cho tới niềm vui bé nhỏ của họ. Trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính, khi hàng loạt địa phương, đơn vị, bộ máy được tái cấu trúc, những cán bộ ở cơ sở chính là cầu nối quan trọng nhất giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Họ cần học ở Bác cách "dân vận khéo", cách lắng nghe không chỉ để nghe, mà để thấu hiểu; cách giải thích không chỉ để dân nghe theo, mà để dân đồng thuận từ trái tim. Trong những ngày tháng ấy, khi một quyết định sáp nhập có thể làm thay đổi thói quen sống, nếp nghĩ của bao nhiêu người dân, thì một cán bộ biết mềm mỏng, biết lắng nghe, biết kiên nhẫn giải thích chính là liều thuốc xoa dịu, là nhịp cầu gắn kết lòng dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu TTXVN
Khi bộ máy được tinh giản, biên chế được rút gọn, đồng nghĩa với việc khối lượng công việc trên vai từng cán bộ càng lớn, yêu cầu về công tâm, khách quan càng cao. Một người lãnh đạo trong thời điểm ấy phải học Bác sự thẳng thắn, sự sẵn sàng đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, biết hy sinh cái riêng vì cái chung. Hình ảnh Bác những năm tháng kháng chiến, chắt chiu từng đồng gạo cho dân, nhường phần tốt nhất cho chiến sĩ, dành phần gian khó nhất về mình, chính là minh chứng sống động nhất cho tinh thần ấy. Trong cuộc sống hôm nay, cán bộ lãnh đạo phải biết tự hỏi: "Mình đã thực sự nghĩ cho dân, lo cho dân chưa? Đã dám chịu thiệt về mình để anh em, đồng chí, nhân dân được hưởng lợi chưa?" Nếu không soi mình vào tấm gương ấy, mọi cải cách chỉ còn là những con chữ vô hồn.
Trong chuyển đổi mô hình quản lý, khi những phương thức cũ không còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thì tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm lại càng cần được phát huy. Học Bác, không chỉ là học sự nhẫn nại, cẩn trọng, mà còn học tinh thần sáng tạo không ngừng. Ta nhớ câu chuyện Bác từng căn dặn cán bộ: "chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa". Một cán bộ quản lý hôm nay, nếu cứ khư khư ôm lấy cái cũ, sợ hãi trước đổi mới, sợ mất ghế, sợ trách nhiệm, thì sẽ không thể nào đưa tập thể mình, địa phương mình, ngành mình vươn lên được…
Trong những ngày đất nước tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất, ta thấy rõ hơn bao giờ hết sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của khát vọng đổi mới, của niềm tin dân tộc. Những đoàn diễu binh không chỉ là biểu tượng của sức mạnh quân sự, mà còn là biểu tượng của một dân tộc biết tự đổi mới mình, biết nương theo dòng chảy thời đại nhưng vẫn giữ chắc cội rễ truyền thống. Những em nhỏ hân hoan cầm cờ đỏ sao vàng, những cụ già rưng rưng nước mắt nhớ lại ngày đất nước liền một dải, những thanh niên hừng hực khí thế trên các tuyến đầu xây dựng Tổ quốc - tất cả như một bản hợp xướng lớn, nhắc nhở rằng mọi thay đổi, mọi cải cách đều phải bắt đầu từ lòng dân, từ sự nêu gương, từ những giá trị bền chặt mà Bác Hồ đã để lại.
Và chính vì vậy, khi chúng ta bước vào những năm tháng quyết định của công cuộc phát triển, hãy nhớ rằng: xây dựng chuẩn mực mới không có nghĩa là phủ nhận giá trị cũ, mà là làm sống dậy tinh thần của những giá trị ấy trong hoàn cảnh mới. Để chuẩn mực mới thực sự đi vào đời sống, để cải cách không chỉ là thay đổi hình thức mà là nâng cao chất lượng, mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải lấy Bác làm gương soi, phải thắp sáng ngọn đuốc Hồ Chí Minh trong từng suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình. Chỉ khi đó, con đường tiến tới một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu mới không còn là khát vọng xa vời, mà sẽ trở thành hiện thực sống động, rạng rỡ ngay trên chính quê hương này.
Khơi dậy khát vọng phát triển, dựng xây tương lai
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân sống động, rực rỡ nhất của khát vọng Việt Nam. Người ra đi tìm đường cứu nước trong những năm tháng đất nước chìm đắm dưới ách nô lệ, mang theo một khát vọng tưởng như quá lớn lao đối với một chàng thanh niên tuổi đôi mươi: Đất nước phải được độc lập, nhân dân phải được tự do.
Hơn ba mươi năm bôn ba, băng qua những bến cảng châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, chịu biết bao gian khổ, tù đày, mưa bom bão đạn, Người đã đem về cho dân tộc ta không chỉ con đường giải phóng, mà còn một ngọn lửa khát vọng, một niềm tin cháy bỏng rằng dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ, hoàn toàn có thể đứng lên, hoàn toàn có thể sánh vai với cường quốc năm châu.
Học sinh Thủ đô tham quan khu di tích, cùng nghe "hiện vật kể chuyện" với các cô hướng dẫn viên. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Khi đất nước giành được độc lập, Người không dừng lại ở đó, mà tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc, một dân tộc có vị thế, có danh dự trên trường quốc tế. Đó là khát vọng không chỉ của một đời người, mà trở thành lý tưởng, thành lẽ sống của cả một dân tộc.
Hôm nay, Đảng ta, nhân dân ta đang tiếp nối và hiện thực hóa khát vọng ấy bằng những mục tiêu cụ thể, đầy tham vọng: đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, hội nhập sâu rộng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những mục tiêu ấy không phải chỉ là những dòng chữ trong văn kiện, mà đang dần trở thành hiện thực qua từng dự án hạ tầng hiện đại, từng khu công nghiệp sôi động, từng lớp thanh niên ưu tú du học nước ngoài rồi trở về cống hiến, từng sản phẩm trí tuệ Việt Nam chinh phục thị trường thế giới. Nhưng con đường phía trước cũng đầy thử thách, đòi hỏi một nội lực mạnh mẽ, một ý chí sắt đá, và trên hết, một đội ngũ dẫn dắt đủ tầm, đủ tâm, đủ đức.
Muốn hiện thực hóa khát vọng lớn ấy, trước hết phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên "vừa hồng, vừa chuyên", vừa có tài năng, trí tuệ, vừa có đạo đức, lý tưởng. Đây không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong mỏi tha thiết của nhân dân. Học Bác, làm theo Bác chính là con đường ngắn nhất, vững chắc nhất để đạt tới thành công. Bởi học Bác không phải là sao chép hình thức, không phải là học thuộc lòng những lời dạy của Người, mà là thấm nhuần tinh thần tự học, tự rèn, tự soi, tự sửa; là sống giản dị, trung thực, khiêm nhường; là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là gắn bó máu thịt với nhân dân, lắng nghe dân, học hỏi dân, phụng sự nhân dân.
Đó không phải là khẩu hiệu treo tường, không phải những lời hô hào trên diễn đàn, mà là hành động cụ thể, là kết quả cụ thể, là sự chuyển biến rõ ràng trong tư duy, trong lối sống, trong cách làm việc của từng người. Một cán bộ trẻ hôm nay có thể học Bác từ cách làm việc khoa học, cẩn trọng, trách nhiệm; một lãnh đạo có thể học Bác từ phong cách dân chủ, lắng nghe, gần gũi; một đảng viên có thể học Bác từ sự khiêm nhường, giản dị, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Khi mỗi người đều học Bác từ những điều nhỏ nhất, đất nước sẽ thay đổi từ những điều lớn lao nhất.
Khơi dậy khát vọng phát triển, dựng xây tương lai, trước hết là khơi dậy từ chính trái tim, khối óc của mỗi người. Khi từng cán bộ, đảng viên, từng công dân thắp lên trong mình ngọn lửa ấy, khi từng cơ quan, từng tổ chức hun đúc được tinh thần ấy, khi cả dân tộc cùng chung nhịp đập ấy, Việt Nam chắc chắn sẽ không chỉ vươn mình trỗi dậy, mà sẽ bừng sáng trên bản đồ thế giới như một minh chứng sống động về sức mạnh của khát vọng, của niềm tin, của ý chí con người.
Hướng về Bác, vươn tới tương lai tươi sáng của dân tộc
Trong khoảnh khắc thiêng liêng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi khắp các miền quê, phố thị rợp sắc cờ đỏ sao vàng, khi lòng người trào dâng niềm xúc động, tự hào, cũng là lúc chúng ta lắng mình nhìn lại chặng đường đã qua, để nhận ra rằng: mọi vinh quang hôm nay đều khởi nguồn từ một ngọn lửa - ngọn lửa khát vọng mà Người đã thắp lên, giữ gìn và truyền lại cho muôn đời con cháu.
Bác ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, chỉ mang theo một niềm tin cháy bỏng vào dân tộc. Bác trở về với một chân lý, một con đường giải phóng dân tộc, nhưng hơn hết, với một trái tim không bao giờ ngơi nghỉ vì dân, vì nước. Cả cuộc đời Bác là một bản hùng ca của niềm tin vào con người, vào sức mạnh đoàn kết, vào những giá trị chân - thiện - mỹ giản dị mà bất diệt. Người đã để lại cho ta không chỉ một đất nước độc lập, tự do, mà còn một di sản tinh thần vô giá, một hệ giá trị mà qua bao biến thiên thời cuộc vẫn sáng ngời, soi đường chỉ lối.
Hôm nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, khi những thử thách phía trước không còn là bom đạn, chia cắt, mà là sự khốc liệt của cạnh tranh toàn cầu, của chuyển đổi số, của biến đổi khí hậu, của những đòi hỏi bức thiết từ chính nhân dân mình, thì lời Bác dạy, tấm gương Bác để lại càng trở nên quý giá. Đó không chỉ là di sản để chiêm ngưỡng, mà là lời nhắc nhở từng phút, từng giờ rằng: muốn dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải nêu gương; muốn cải cách thành công, phải lấy dân làm gốc; muốn đất nước hùng cường, phải khơi dậy khát vọng từ mỗi trái tim Việt Nam.
Khi mỗi người đều học Bác từ những điều nhỏ nhất, đất nước sẽ thay đổi từ những điều lớn lao nhất”
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Trong không khí náo nức của lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vừa qua tại TP.HCM, hình ảnh những đoàn diễu binh hùng tráng, những màn trình diễn nghệ thuật rực rỡ, những gương mặt trẻ tràn đầy tự tin đã trở thành một lời nhắc nhở xúc động: khát vọng phát triển, khát vọng dựng xây tương lai không phải là điều gì mơ hồ, mà là trách nhiệm cụ thể của mỗi thế hệ hôm nay. Những cựu chiến binh xúc động khi trở lại nơi xưa, những giọt nước mắt nghẹn ngào trên má những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những cái siết tay đầy xúc động giữa các thế hệ - tất cả như gửi gắm một thông điệp chung: hãy gìn giữ những thành quả hôm nay, hãy tiếp tục cống hiến để mai này đất nước không chỉ hùng mạnh mà còn hạnh phúc, không chỉ giàu về vật chất mà còn giàu về văn hóa, nhân ái.
Trong lễ kỷ niệm ý nghĩa và đầy cảm xúc ấy, những hình ảnh đẹp nhất không chỉ nằm ở những đoàn xe, đoàn quân chỉnh tề tiến qua lễ đài, mà còn ở những giọt nước mắt của các mẹ già, những ánh mắt bừng sáng của lớp trẻ, những bàn tay nắm chặt nhau trong niềm tự hào chung. Ở đó, Bác hiện diện - không bằng vóc dáng, mà bằng tinh thần, bằng niềm tin, bằng lời nhắc nhở thiêng liêng: hãy sống xứng đáng, hãy làm việc xứng đáng, hãy cống hiến xứng đáng với máu xương bao thế hệ đã đổ xuống để đất nước này trường tồn.
Hướng về Bác hôm nay, mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình vào tấm gương Bác để rèn luyện, để sửa mình. Đó là mỗi công dân tự hỏi: ta đã làm gì cho đất nước, cho cộng đồng, cho người xung quanh? Đó là cả dân tộc đồng lòng, chung sức, viết tiếp khúc tráng ca dựng xây, đổi mới, hội nhập, để "Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu" - giấc mơ mà Bác hằng ấp ủ.
Để rồi một ngày, khi nhìn lại, ta có thể mỉm cười thanh thản mà nói rằng: chúng ta đã không phụ Bác, không phụ những hy sinh của cha ông, không phụ niềm tin của lớp lớp thế hệ đi trước. Để khi bước ra thế giới, Việt Nam không chỉ được biết đến như một dân tộc kiên cường, mà còn là một dân tộc nhân ái, sáng tạo, có bản lĩnh, có khát vọng vươn tới những đỉnh cao.
Và để khi khép lại những ngày tháng Năm rợp sắc cờ hoa, lòng người vẫn còn ngân nga câu hát năm nào: "Người là niềm tin tất thắng", vẫn còn bừng cháy trong tim một lời hứa thiêng liêng: học Bác, làm theo Bác, để đất nước vươn lên, để tương lai rạng rỡ, để Việt Nam mãi mãi xứng đáng với tình yêu, khát vọng, niềm tin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cả cuộc đời.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất