Có một người lính trở về sau chiến trận, mang theo lời thề "trả món nợ không vay" với những đồng đội đã mãi mãi nằm lại ở đất lửa Quảng Trị. Đó là cựu chiến binh Lê Bá Dương - tác giả của 4 câu thơ Lời người bên sông khắc trên bia đá tại bến thả hoa đôi bờ Thạch Hãn.
Ngót nửa thế kỷ bền bỉ, lặng lẽ trở về chiến trường xưa và chỉ từ một hành động riêng tư, thả nhành hoa vọng nhớ đồng đội xuống dòng sông, ông đã tặng cho đời một truyền thống văn hóa tâm linh thiêng liêng, được nhiều người hưởng ứng như một nghĩa cử cao đẹp để tri ân liệt sĩ.
Những ngày tháng Bảy này, trong tâm tưởng của cựu chiến binh Lê Bá Dương lại trĩu nặng nỗi niềm thương nhớ những đồng đội năm xưa, từng sát cánh cùng ông nơi chiến trường Quảng Trị đỏ lửa những năm 1970. Những giấc ngủ chập chờn, những ký ức mờ ảo... cứ lần lượt hiện về.
Chính bởi vậy mà ông lại khoác ba lô trở về chiến trường xưa Quảng Trị, lặng lẽ thắp nén tâm hương, kết bè thả hoa trên dòng Thạch Hãn, nơi đồng đội ông đã mãi mãi nằm lại.
Trong hành trình gần nửa thế kỷ của người thả hoa trên dòng Thạch Hãn, có một khoảnh khắc mà cựu chiến binh Lê Bá Dương không bao giờ quên. Đó là vào một buổi chiều tháng Bảy năm 1987, sau khi một mình thả hoa trên bến sông, ông ngồi bó gối bên mép nước, bất chợt thấy một con thuyền ngược dòng. Mái chèo khua nước, tung bọt trắng xóa. Trong khoảnh khắc này, hình ảnh của đồng đội lại hiện về, những người hy sinh đã mãi mãi nằm lại nơi đáy sông. Xúc động dâng trào, ông thốt lên:
"Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sâu còn đó bạn tôi nằm
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin... xin đừng khuấy đục dòng trong"
Sau này, để bớt những từ "xin" ủy mị, bài thơ được tác giả viết lại thành khổ thơ tứ tuyệt, mang tên Lời người bên sông:
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm..."
Theo tác giả, bài thơ không được "làm" theo lối thông thường, mà đó là "những câu chữ bật ra từ trong lồng ngực", là lời thì thầm từ một người lính còn sống gửi đến những đồng đội không bao giờ trở lại. Một thời gian sau, bài thơ được khắc lên bia đá tại bến thả hoa ở đôi bờ dòng Thạch Hãn. Sừng sững giữa không gian tưởng niệm, những câu thơ này như tiếng vọng từ lòng sông, là tâm tình của người sống gửi cho những linh hồn đã hóa nước, hóa sóng.
Trong khoảnh khắc những câu thơ bật ra, cũng là lúc những hình ảnh về đồng đội năm xưa hiện về rõ nét: "Tôi ở Quảng Trị từ năm 1968. Đến chiến dịch năm 1972, khi lập cánh cùng đơn vị trở lại chiến trường, tôi khi đó là chính trị viên phó đại đội. Không phải chỉ riêng năm đó, mà suốt những năm tháng trước đó, đồng đội tôi vẫn thường vượt sông Bến Hải, đoạn Bến Tắc bây giờ, rồi tiếp tục tiến về hướng Đông, vượt qua sông Thạch Hãn…"
Ông hồi tưởng những cái chết không báo trước, những ánh mắt cuối cùng dưới ánh pháo sáng: "Có không ít anh em trúng đạn khi đang bơi qua sông. Tôi từng chứng kiến những người lính ôm phao, cứ chới với… mắt sáng lên trong ánh pháo sáng, rồi từ từ chìm xuống lòng sông. Có khi, máu sủi lên đỏ thẫm trong làn nước chớp sáng. Khi ấy, mình là chỉ huy mà hoàn toàn bất lực… Và điều đau đớn là đó không chỉ là một trường hợp, mà đã xảy ra nhiều lần".
Ngay trong những ngày tháng Bảy này, cựu chiến binh Lê Bá Dương lại tiếp tục hành trình trở lại dòng Thạch Hãn, nơi ông đã bao lần lặng lẽ thả hoa tưởng nhớ đồng đội. Trên bến thả hoa, Lời người bên sông khắc trên bia đá như vẫn vọng ngân như tiếng lòng của người ở lại kết nối với ký ức: "Đò lên Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm…"
Nhắc tới những mất mát ấy, cựu chiến binh Lê Bá Dương nghẹn ngào. Ông bảo, điều day dứt không chỉ nằm ở những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông. Với ông, nỗi ám ảnh về sự hy sinh còn gắn với biết bao đồng đội khác đã nằm lại rải rác giữa núi sông...
"Ai cũng nghĩ tôi chỉ nhớ những người lính nằm lại dưới sông, nhưng thật ra, tôi ở Quảng Trị từ năm 1968 đã chứng kiến biết bao sự hy sinh của anh em đồng đội. Anh em hy sinh rất nhiều, nằm khắp các đầu suối, cuối sông... Ngay cả dòng Thạch Hãn cũng là nơi đón các dòng phù sa từ phía Tây đổ về, mà trong phù sa đó có cả xương, máu, thịt của anh em mình. Đúng như trong một bài văn tế đồng đội đôi bờ Thạch Hãn, có một người cựu chiến binh từng viết rằng: "Bên dòng sông Thạch Hãn chạnh nghĩ thuở ra vào Thành cổ biết bao lần máu đỏ nhuộm dòng xanh" - ông bộc bạch.
"Xót xa lắm! Nhất là khi tôi từng chứng kiến cảnh mắt người lính sáng bừng lên, chói lên trong đêm, rồi trước khi chìm hẳn, đôi bàn tay còn bấu vào trong bẹ chuối… cứ chìm dần, chìm dần như thế… Sau này có một cựu chiến binh viết bài văn tế đồng đội đôi bờ Thạch Hãn, có mấy câu mà tôi rất thích, đúng tâm trạng: "Nơi bè chuối sang sông, sực nhớ khi trúng đạn giữa chừng xin đừng hỏi đâu mồ chôn liệt sĩ" - ông trải lòng.
Có mặt tại chiến trường Quảng Trị năm 1968, khi ấy, cựu chiến binh Lê Bá Dương chỉ mới 15 tuổi. Ông sinh ngày 10/4/1953, nhập ngũ đúng ngày 10/4/1968. Không hơn không kém một ngày. Người thiếu niên ấy sớm trưởng thành giữa lửa đạn, lập nhiều chiến công trên chiến trường. Tên tuổi Lê Bá Dương từng được lấy đặt cho phong trào thi đua chiến đấu tại các mặt trận năm xưa.
Thế nhưng, những chiến công vang dội này, có lẽ với cựu chiến binh Lê Bá Dương cũng không thể nào khỏa lấp được những mất mát tột cùng khi tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội.
Ông hồi tưởng: "Đó là câu chuyện của một người lính tiễn bạn lên chốt phía trước, anh ở lại phía sau, viết điều mình suy nghĩ vào mảnh bìa một khổ thơ với 2 câu cuối: "... Nếu được chết, xin một lần được chết/ Để bạn tôi trở về bình yên!/ Và rồi đêm ấy, người trên chốt, tuyến 1, người tuyến hai... đều hy sinh".
Lần khác, ông xúc động nhắc tới một đồng đội trong giờ phút cận kề cái chết: "Anh ấy bị thương toác hết ngực, tôi lấy băng của anh không đủ, tôi dùng luôn cả băng của mình để cầm máu. Biết tôi bị thương, anh nói: "Đường nào tao cũng chết. Thôi, mày để băng mà băng cho mày". Tôi gạt đi: "Không, anh nói bậy chứ tôi đâu có bị thương, máu của anh phun sang tôi đấy". Tôi cứ cố băng bó cho anh. Nhưng anh vẫn thều thào: "Đường nào tao cũng chết thôi… Tao còn 2 hào trong túi áo ngực, lấy giúp tao, về nộp cho tao tháng đảng phí cuối cùng".
Thời điểm đó, chàng lính Lê Bá Dương chưa đủ tuổi để được kết nạp Đảng, nhưng có lẽ, đó là lần đầu tiên, ông đi nộp tháng đảng phí… thay cho một đồng đội đã hy sinh.
Cũng bởi những ký ức không quên về sự hy sinh của đồng đội, mà sau ngày hòa bình, trong tâm tưởng của cựu chiến binh Lê Bá Dương vẫn luôn đong đầy tình cảm thương quý, nỗi nhớ nhung khôn nguôi dành cho những người lính năm xưa. Đó không chỉ là nỗi nhớ, mà là một mạch sống tinh thần âm ỉ, dẫn lối cho những cuộc trở về, những hành động tri ân không ngơi nghỉ của ông suốt gần nửa thế kỷ qua.
Với ông, những người lính, dù xuất thân từ những vùng quê khác nhau, khi đã vào chiến trường, cùng đồng cam cộng khổ, đối mặt cái chết mỗi ngày, thì tình cảm giữa họ trở thành thứ nghĩa tình thiêng liêng không gì thay thế. Có khi, là sẵn sàng nhận cái chết về phía mình để nhường sự sống cho bạn. Tình đồng đội, vì thế mà trở thành một xúc cảm mãi mãi, không thể dứt bỏ, không thể nguôi ngoai.
"Cầm súng từ năm 15 tuổi, hết chiến tranh trở về với hơn chục vết thương, thêm món nợ đồng đội - một món nợ không vay nhưng nguyện trả trọn đời, bằng cách tự nguyện lòng tiếp tục sống thay, làm thay những việc các đồng đội tôi không còn cơ hội để sống, để nghĩ, để làm" - ông tâm tư.
Xuất phát từ tâm tư này, ngay khi hoà bình lập lại, cựu chiến binh Lê Bá Dương đã dùng đợt nghỉ phép đầu tiên của một người lính năm 1976, để bắt đầu hành trình trở về. Và từ đó đến nay, ông chưa từng dừng bước. Năm nào cũng vậy, tháng Bảy nào cũng vậy, ông đều lặng lẽ quay về chiến trường xưa. Đó là hành trình đi tìm nhau "ai sống thì thăm, ai chết thì viếng". Một lời nguyện không thành tiếng, nhưng bền bỉ như sắt đá…
"Thực sự, những ngày tháng Bảy này, hình bóng anh em đồng đội cứ chập chờn trong tâm trí tôi, cả ngày lẫn đêm, không lúc nào nguôi… Anh em nằm giữa rừng, mà mình thì trở về" - ông tâm sự - "Cho nên, tôi vẫn tâm niệm: còn một hơi thở nào nữa thì phải cố gắng đi tìm anh em. Mà nếu không thể tìm thấy, thì ít nhất cũng trở về được đúng nơi ấy, cắm một nén nhang, thả một nhành hoa… để anh em đỡ tủi".
Cũng bởi "để anh em đỡ tủi" mà suốt gần 50 năm qua, cựu chiến binh Lê Bá Dương vẫn "thủy chung" một hành trình trở lại chiến trường xưa. Đó là lên đồi thắp hương, xuống sông thả hoa vọng nhớ những đồng đội của mình còn nằm lại nơi đầu suối, cuối sông. Những cuộc trở về như vậy bao giờ cũng bắt đầu từ những đồi núi, suối sông trên chiến trường Gio Cam, nơi ông có gần 4 năm cầm súng trực tiếp chiến đấu từ năm 1968, nhưng bao giờ điểm kết, cuối hành trình đều dừng lại ở đôi bờ Thạch Hãn. Nơi này vốn dĩ là biểu trưng của không gian chiến dịch giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nơi ông từng tham gia chiến đấu.
"Vào đi tìm kiếm anh em. Thế rồi, lên đồi đốt thuốc, chứ hồi đó không có hương. Đốt thuốc để cắm xuống cho khói tỏa ra theo cùng anh em nằm lại trên đồi, sau đó tôi xuống dưới sông, từ ở các ngọn sông, ngọn suối, tôi cứ bẻ các cây sậy khô, bó lại từng bó thành cái bè. Xong rồi, hồi đó chẳng có hoa, tôi đành hái hoa dại: hoa xuyến chi, hoa mua, hoa sim … cắm vào bè, để thả trên sông, trên suối…" - ông nhớ lại.
Từ những nhành hoa dại đầu tiên thả xuống các dòng sông Quảng Trị năm 1976, đến nay đã gần nửa thế kỷ, năm nào cũng vậy, cựu chiến binh Lê Bá Dương vẫn lặng lẽ trở về. Mỗi lần trở lại, ông mang theo hoa, và cả tấm lòng đau đáu với những người đồng đội năm xưa, những người mãi mãi nằm lại dưới lớp phù sa, trong tiếng vỗ yên của dòng Thạch Hãn.
Giờ đây, nghĩa cử thả hoa tưởng niệm đồng đội, do chính cựu chiến binh Lê Bá Dương khởi xướng, đã trở thành một truyền thống văn hóa tâm linh được nhiều người hưởng ứng. Ông cho biết, nghĩa cử này thực sự là tiếng lòng của một người lính, nhưng may mắn thay, nó lại nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người.
"Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có chút hương hoa cho anh em. Không có hương thì đốt thuốc lá, không có hoa thì hái hoa rừng. Sau này có điều kiện hơn, có hương thì thắp, có hoa thì mua ở chợ hoặc tiện tay hái dọc đường, dọc bờ sông, chỗ nào có hoa là tôi cắm lên bè để thả xuống cho anh em… Đó là tấm lòng của mình!" - ông bày tỏ - "Có những lúc nhìn những bè hoa cứ quây quần lại, không chịu trôi đi, tôi có cảm giác như cả tiểu đội ngày xưa vẫn đang ngồi bên nhau, quây quần như chưa từng rời xa…".
Lại nhớ, thời điểm tác giả Lê Bá Dương viết bài thơ Lời người bên sông: "Tối đó, tôi vào Thành cổ nằm ngủ một mình. Vắng lắm! Chẳng có ai, xơ xác cả! Chỉ thấy toàn đom đóm bay". Và rồi bất giác trong người cựu chiến binh ấy nảy nở tâm trạng:
"Giấc ngủ chập chờn giữa Thành cổ
Nhòa trong sáng xanh đom đóm bay
Đồng đội tôi bao người nằm lại
Đã về đây cùng tôi đêm nay"…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất