Chuyển đổi số quốc gia: Bứt phá từ nền tảng thể chế đến hạ tầng số

23/07/2025 16:39 GMT+7 | Tin tức 24h

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu, công tác chuyển đổi số quốc gia đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2025, đồng thời xác định những nhiệm vụ chiến lược, mang tính nền tảng để bứt phá trong 6 tháng cuối năm.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, chuyển đổi số quốc gia đang từng bước đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Xác định rõ nhiệm vụ chiến lược

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều mục tiêu đột phá, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trong ngắn hạn cũng như dài hạn đã được xác định rõ tại Phiên họp tổng kết hoạt động năm 2024 và định hướng năm 2025 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cũng như tại hai phiên họp của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; "Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) trong tháng 3, 4/2025.

Chuyển đổi số quốc gia: Bứt phá từ nền tảng thể chế đến hạ tầng số - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 3 BCĐ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Một trong những kết quả nổi bật là việc vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến… về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là bước đi quan trọng trong xây dựng nền tảng quản trị dựa trên dữ liệu thời gian thực.

Công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình cũng ghi nhận nhiều tiến bộ với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trong tháng 6/2025 đạt 39,51%, trong đó khối Bộ, ngành đạt hơn 51%. Tuy nhiên, khối địa phương chỉ đạt hơn 15%, vẫn còn khoảng cách đáng kể so với mục tiêu 80% của năm 2025.

Số lượng giao dịch thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đạt khoảng 630 triệu giao dịch, tương đương 73% kế hoạch năm. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 35,48%, với khoảng 20 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp. Lũy kế thu phí từ Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đạt 31,3 tỷ đồng; đóng góp 4,7 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ số phiên bản 4.0, xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà miễn phí và trình nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi số, Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia và dịch vụ tin cậy.

Chuyển đổi số quốc gia: Bứt phá từ nền tảng thể chế đến hạ tầng số - Ảnh 2.

Tỉnh Khánh Hòa tăng tốc chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ rõ một số tồn tại trong công tác chuyển đổi số quốc gia như: Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu vẫn còn phân tán; chính sách pháp lý chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số…

Bứt phá từ thể chế đến hạ tầng số

Trên cơ sở kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số quốc gia 6 tháng cuối năm 2025 được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định 3 nhiệm vụ chính: Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy nền tảng số và cải thiện trải nghiệm dịch vụ công. Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương xây dựng và trình Luật Chuyển đổi số, dự kiến sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XV vào cuối năm nay. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Luật này sẽ lấp đầy các mảnh ghép còn thiếu và là một khung để thống nhất, kết nối các động lực liên quan đến chuyển đổi số do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo nhằm hình thành một khung kiến trúc Việt Nam số hoàn chỉnh.

"Luật Chuyển đổi số xác định vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy chuyển đổi số là dẫn dắt, tạo điều kiện và giám sát, tạo cơ chế quản lý dữ liệu số, khung thể chế cho nền tảng số và dịch vụ số, tài chính cho chuyển đổi số, văn hóa số, phát triển nhân lực kỹ năng; đặc biệt có ngôn ngữ số như ngôn ngữ thứ ba, bên cạnh tiếng Việt để giữ gìn bản sắc Việt Nam và tiếng Anh để hội nhập quốc tế, từ đó mỗi người Việt Nam thành thạo ba ngôn ngữ này. Đồng thời, là quản trị rủi ro trong quá trình chuyển đổi số và bảo đảm an toàn không gian số, giám sát và đánh giá hiệu quả chuyển đổi số, đặc biệt là vấn đề giám sát và đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Chuyển đổi số quốc gia: Bứt phá từ nền tảng thể chế đến hạ tầng số - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Song song với xây dựng thể chế, Bộ thực hiện các nhiệm vụ nhằm giải quyết triệt để các vùng lõm sóng di động. Cụ thể, đối với 238 thôn bản lõm sóng đã có điện, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương hoàn thành cơ sở hạ tầng trước 31/8/2025 và phát sóng chậm nhất trong tuần thứ 2 tháng 9/2025. Đối với 117 thôn chưa có điện, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực EVN xây dựng phương án cung cấp điện và giao các doanh nghiệp viễn thông khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với phương án cung cấp điện, hoàn thành trước ngày 30/11/2025.

Nhằm thúc đẩy phát triển nhanh mạng 5G, Bộ phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 68.457 trạm 5G, tương đương 57,5% số trạm 4G, phủ sóng 90% dân số, tiến tới phủ sóng 99% dân số vào năm 2030. Cùng với đó, cấp phép và triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) cho doanh nghiệp ngay sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đầu tư, thành lập pháp nhân tại Việt Nam, mục tiêu là doanh nghiệp được cấp phép để có thể chính thức triển khai dịch vụ trong quý IV/2025; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam triển khai xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế đầu tiên do Việt Nam làm chủ, kết nối trực tiếp với Singapore, bảo đảm ký được thỏa thuận với đối tác vào đầu năm 2026; đến cuối năm 2025, tiếp tục cấp phép triển khai thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển mới. Tháng 8/2025, khai trương tuyến cáp quang đất VSTN (Việt Nam - Lào - Thái Lan - Singapore) với dung lượng ban đầu 2 Tbps, có khả năng mở rộng lên tới 12 Tbps…

Bộ tiến hành xây dựng, ban hành Khung Kiến trúc tổng thể quốc gia số, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ, liên thông giữa các khối cơ quan (Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội), phù hợp với mô hình chính quyền từ Trung ương đến cấp xã, hoàn thành trong tháng 8/2025; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) bảo đảm kết nối liên thông, khai thác hiệu quả thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thành trong tháng 7/2025; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ, bưu chính giải quyết các vướng mắc của các địa phương về hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị, kết nối, phần mềm dùng chung phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, hoàn thành trước ngày 31/8/2025.

Chuyển đổi số quốc gia: Bứt phá từ nền tảng thể chế đến hạ tầng số - Ảnh 4.

Hệ thống nhận diện sinh trắc học kiểm tra an ninh giúp hành khách làm thủ tục hàng không không cần giấy tờ vừa được đưa vào sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến: Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) thuộc phạm vi quản lý thực hiện tại 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình triển khai tập trung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 1/1/2026.

Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng xây dựng và triển khai Đề án thí điểm Bản sao số (Digital Twin), xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển kinh tế tầm thấp, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.

Bộ cũng sẽ nghiên cứu và trình ban hành Khung kinh tế dữ liệu quốc gia, thúc đẩy phát triển thị trường dữ liệu sơ cấp, thứ cấp phục vụ kinh tế số, xã hội số, hoàn thành trước ngày 31/8/2025; triển khai Đề án chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã, hoàn thiện nền tảng đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và hệ sinh thái các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hoàn thành trước ngày 31/10/2025.

Thu Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm