Chuyên đề 'Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic': Từ Top 20 của Thùy Linh đến Vietnam Open

10/07/2025 05:45 GMT+7 | Thể thao

Trước khi giành được vị trí 20 trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới nhờ ngôi á quân của giải Canada Open vừa qua, thì lần cuối cùng mà tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh vươn đến thứ hạng này là vào tháng 10 năm ngoái, thời điểm mà cô vô địch Vietnam Open lần thứ 3 liên tiếp.

Thử gõ cụm từ "Vietnam Open" trên Google, kết quả trả về chủ yếu là giải đấu của cầu lông. Thuật ngữ "Open" trong thể thao thường gắn liền với các giải đấu nhà nghề của thể thao quốc tế. Nói như vậy để thấy giá trị của Vietnam Open mà cầu lông đang có, cho dù đây chỉ là giải đấu thuộc hệ thống Super 100, tức hạng thấp nhất trong 5 hạng đấu thuộc World Tour Series với gần 40 giải trải đều suốt năm.

Trên thực tế, Super 100 cũng chỉ mới được đưa vào World Tour Series trong thời gian gần đây, đó là nhờ sự phát triển của cầu lông chuyên nghiệp thế giới. Môn chơi này trước đây vẫn là địa hạt của thể thao châu Á, nhưng hiện đã phổ biến tại Bắc Mỹ và châu Âu. Số lượng VĐV nhà nghề tăng lên, nhu cầu đánh giải tích điểm cũng tăng, vì thế mà Super 100 trở nên "có giá".

Ra đời từ năm 1996 như một giải đấu quốc tế do cầu lông Việt Nam tổ chức, đến năm 2018, Vietnam Open trở thành giải Super 100 đầu tiên sau khi Liên đoàn cầu lông thế giới đưa hệ thống bày vào World Tour Series. Việc duy trì giải đấu suốt gần 30 năm qua (dù có 8 năm bị gián đoạn) cũng là một nỗ lực rất lớn của cầu lông Việt Nam. Đáng quý hơn, đây là một giải Open, một cụm từ mà không phải cứ muốn là có. Nói cách khác, đây là giải đấu thể thao nhà nghề duy nhất được thường xuyên tổ chức ở Việt Nam. Chúng ta có trường hợp đăng cai một chặng đấu của World Cup ở môn billiards, nhưng xét về tính chính danh, thì Vietnam Open "danh giá" hơn nhờ tính độc nhất của cơ quan tổ chức (Liên đoàn cầu lông thế giới-BWF).

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic": Từ Top 20 của Thùy Linh đến Vietnam Open  - Ảnh 1.

Thuỳ Linh là cây vợt nữ duy nhất của Việt Nam từng lọt vào tới Top 20 thế giới. Ảnh: Hoàng Linh

Tất nhiên, Super 100 thì không thể bằng được các Super 300, 500 hay 750, 1000 nhưng như đã nói, đây là một sự nhận diện rất đáng quý đối với thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta đã từng tổ chức hàng trăm giải đấu quốc tế, đặc biệt nở rộ trong giai đoạn 2000-2010 nhờ sự phát triển của xã hội hóa thể thao, nhưng các giải đấu quốc tế ấy dần biến mất, không đủ khả năng trở thành một phần trong hệ thống thi đấu nhà nghề của thể thao quốc tế. Ai cũng thấy lợi ích từ việc làm chủ nhà của các giải đấu này, nhưng vấn đề là không thể duy trì được lâu dài.

Một điều đáng tiếc khác, là dù "danh giá" nhưng dường như việc quảng bá cho Vietnam Open cũng khá mờ nhạt, triển vọng lên Super 300 cũng chưa thấy ai nói đến. Điều này cho thấy thể thao Việt Nam dường như vẫn chưa thực sự nhìn thấy tầm quan trọng của các giải đấu quốc tế này, hoặc cũng có thể, đó là hệ quả tất yếu của một nền kinh tế thể thao chưa thể thành hình.

Hãy thử hình dung, nếu chúng ta là điểm đến của những "Open", Grand Prix hay World Tours… thì điều đó không chỉ có lợi cho VĐV mà còn là cơ sở để nhận quyền đăng cai các sự kiện hàng đầu thế giới, một phần quan trọng của chiến lược thu hút khách du lịch thông qua thể thao và là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế thể thao đủ khả năng hội nhập với thế giới.

Nói như vậy để thấy chủ trương "đầu tư trọng điểm" cần có những bước đi mang tính thực tế nhiều hơn. Câu chuyện của cầu lông là điển hình. Đành rằng môn chơi này không dễ để vươn tầm thế giới do cự cạnh tranh quá khốc liệt, nhưng thực tế là chúng ta đã có Nguyễn Tiến Linh từng là hạng 5 đơn nam, có Nguyễn Thùy Linh nằm trong số 20 tay vợt nữ hàng đầu thế giới, có một nền tảng phong trào mạnh, lại nằm ở trung tâm cầu lông thế giới (Đông Nam Á) và có một Vietnam Open. Đó đều là những cơ sở quý giá để thiết lập một kế hoạch đầu tư dài hạn, thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, điều mà không phải môn thể thao nào ở Việt Nam cũng có được.

Như sau Top 20 của Thùy Linh và một Vietnam Open, chúng ta có gì thêm?

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm