Các thành phố đắt đỏ nhất cho giới siêu giàu năm 2025
Singapore, London và Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục thống trị bảng xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, một sự chuyển dịch trong mô hình tài sản toàn cầu đang tạo điều kiện cho các thành phố mới nổi như Dubai, Bangkok và Tokyo vươn lên mạnh mẽ, báo hiệu một cuộc tái định hình bản đồ xa xỉ của giới siêu giàu.
Theo Báo cáo Tài sản và Phong cách sống Toàn cầu mới nhất từ Julius Baer Group, một tập đoàn quản lý tài sản của Thụy Sĩ, đây là năm thứ ba liên tiếp Singapore được xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI).

Quang cảnh Singapore. Ảnh: THX/TTXVN
London đã vươn lên vị trí thứ hai, đẩy Hong Kong xuống vị trí thứ ba. Tuy nhiên, ngoài những cái tên quen thuộc này, đang có một sự chuyển đổi lặng lẽ mà có thể làm thay đổi bản đồ cho giới siêu giàu toàn cầu.
Báo cáo năm 2025, công bố ngày 21/7, theo dõi khả năng chi trả và thường xuyên tiêu dùng 20 loại hàng hóa và dịch vụ xa xỉ mà các HNWI thường sử dụng. Danh mục này bao gồm học phí trường tư thục, bất động sản cao cấp, đồng hồ, bữa tối sang trọng và vé máy bay hạng thương gia.
Dữ liệu giá cả được thu thập tại 25 thành phố từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025. Mỗi thành phố được xếp hạng dựa trên tổng chi phí bình quân của cả 20 mặt hàng, quy đổi sang USD.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất cho giới siêu giàu năm 2025 gồm có Singapore, London, Hong Kong, Monaco, Zurich, Thượng Hải, Dubai, New York, Paris, Milan.
Nhiều thành phố mới nổi đã leo hạng với tốc độ đáng kinh ngạc, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông. Dubai đã nhảy vọt 5 bậc lên vị trí thứ 7, tiến sát các thành trì châu Âu như Monaco và Zurich. Bangkok và Tokyo cùng tăng 6 bậc, lần lượt chiếm vị trí thứ 11 và 17, nhờ các khoản chi tiêu ngày càng tăng vào thời trang, đồng hồ và bất động sản.
Ông Rishabh Saksena, đồng Giám đốc chuyên gia về các loại tài sản toàn cầu của Julius Baer, cho hay tầng lớp thượng lưu và trung lưu ngày càng tăng của Bangkok đã có tác động trực tiếp đến sự mở rộng của thị trường xa xỉ địa phương. Tài sản gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ xa xỉ, cho phép phát triển các trung tâm mua sắm cao cấp, nhà hàng sang trọng và các trải nghiệm như spa.

Một góc cảng Aberdeen, Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Mạc Luyện-PV TTXVN tại Hong Kong
Trong khi đó, sự trỗi dậy của Tokyo cho thấy một xu hướng tương tự. Ông Saksena nhận xét Tokyo, và Nhật Bản nói chung, từ lâu đã là một khu vực giàu văn hóa và có ảnh hưởng, với một thị trường xa xỉ mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như thời trang, ẩm thực và trải nghiệm. Sự thay đổi gần đây trên toàn cầu của các HNWI hướng tới việc coi trọng trải nghiệm hơn hàng hóa đã nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của Tokyo.
Ngược lại, Thượng Hải, từng đứng đầu chỉ số vào năm 2022, đã tụt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 6, một dấu hiệu cho thấy sự thống trị của thành phố này có thể đang suy giảm.
Điều đáng chú ý là chi phí "sống sang" trung bình toàn cầu thực tế đã giảm 2% tính theo USD trong giai đoạn 2024-2025, một sự sụt giảm hiếm hoi trong một lĩnh vực thường được che chắn khỏi những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đằng sau sự sụt giảm này là những sự tương phản rõ rệt theo khu vực, chẳng hạn như vé máy bay hạng thương gia tăng vọt 18,2% trên toàn cầu, do thiếu hụt máy bay và nhu cầu bùng nổ cho du lịch giải trí cao cấp. Hàng hóa xa xỉ như túi xách và trang sức lại giảm giá, phản ánh sự thay đổi trong ưu tiên của người tiêu dùng. Học phí trường tư thục tăng mạnh ở các thành phố như London, nơi các quy định thuế mới đã đẩy chi phí lên hơn 25%.