20/07/2025 21:56 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 20/7, cơn bão Wipha đã càn quét các khu vực ven biển phía Nam Trung Quốc cùng hai Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau (Trung Quốc), gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và làm gián đoạn hệ thống giao thông.
Hong Kong: Thành phố “đóng băng” trước bão lớn
Tại Hong Kong, cơn bão Wipha đã khiến Đài Thiên văn Hong Kong nâng mức cảnh báo bão lên cấp 10, mức cao nhất, vào lúc 9h20 sáng 20/7 (giờ địa phương). Với sức gió duy trì tối đa khoảng 140 km/h, bão gây ra mưa lớn, dẫn đến ngập lụt tại nhiều khu vực và làm đổ hàng loạt cây xanh, sập giàn giáo ở một số công trường xây dựng.
Hệ thống giao thông công cộng của Hong Kong gần như tê liệt. Ước tính khoảng 400 chuyến bay đã bị ảnh hưởng trực tiếp trong ngày 20/7, khiến khoảng 80.000 hành khách bị kẹt tại sân bay Hong Kong. Hãng hàng không Cathay Pacific thông báo hủy toàn bộ chuyến bay từ 5h đến 18h cùng ngày, đồng thời miễn phí đổi vé và sắp xếp lại lịch trình cho hành khách.
Cây đổ trong gió lớn do ảnh hưởng của bão Wipha tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Các dịch vụ đi lại bằng phà bị đình chỉ do sóng biển dâng cao, trong khi hệ thống tàu điện ngầm MTR và xe buýt công cộng cũng tạm ngừng hoạt động. Cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau, một trong những cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, bị đóng cửa từ 3h30 sáng để đảm bảo an toàn.
Các hoạt động kinh tế và giáo dục tại Hong Kong cũng bị đình trệ. Hàng loạt trường học, văn phòng và sự kiện lớn phải đóng cửa. Chính quyền đặc khu đã mở 34 nơi trú ẩn tạm thời, tiếp nhận 253 người dân và ghi nhận 26 trường hợp phải nhập viện do các sự cố liên quan đến bão.
Đến 19h cùng ngày, khi bão di chuyển ra khỏi thành phố, các dịch vụ giao thông công cộng dần được khôi phục, nhưng sân bay Hong Kong dự kiến sẽ rơi vào tình trạng quá tải khi phải giải tỏa tới 100.000 hành khách bị mắc kẹt.
Người dân di chuyển trên đường phố trong gió lớn do ảnh hưởng của bão Wipha tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Macau: Nguy cơ ngập lụt và gián đoạn giao thông
Tại Macau, Cơ quan Khí tượng và Địa vật lý đã nâng cảnh báo bão lên cấp 10 vào 12h30 ngày 20/7, trước khi hạ xuống cấp 8 vào 17h cùng ngày.
Bão Wipha đã gây ra mưa lớn và nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng tại khu vực cảng nội địa của Macau. Các nhà chức trách kêu gọi người dân ở trong nhà và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Các dịch vụ phà giữa Macau và Hong Kong bị tạm dừng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thông liên vùng.
Trung Quốc đại lục: Quảng Đông và Hải Nam gồng mình ứng phó
Tại Trung Quốc đại lục, bão Wipha đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam và khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây. Tỉnh Quảng Đông, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão Wipha, đã sơ tán 440.400 người từ các khu vực trên biển và trên đất liền. Chính quyền tỉnh áp dụng biện pháp “5 dừng” (dừng học, dừng làm, dừng sản xuất, dừng vận chuyển, dừng kinh doanh) để đảm bảo an toàn.
Cây cối gãy đổ do bão Wipha tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Các tuyến đường sắt cao tốc tại Quảng Đông bị tạm dừng hoặc giới hạn tốc độ, trong khi cầu Thâm Quyến – Trung Sơn, một công trình hạ tầng trọng điểm, cũng bị đóng cửa trong ngày 20/7.Thành phố Chu Hải và Dương Giang ra lệnh dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thông từ sáng cùng ngày. Còn thành phố Thâm Quyến đóng cửa toàn bộ công viên công cộng và mở các điểm trú ẩn khẩn cấp để đón người dân.
Tại Hải Nam, thủ phủ Hải Khẩu ghi nhận lượng mưa lên tới 276 mm trong 24 giờ, gây ngập lụt nghiêm trọng. Dịch vụ phà tại cảng Tú Anh bị đình chỉ, trong khi các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ứng phó như giám sát tàu thuyền, mở nắp cống thoát nước và bố trí xe sửa chữa điện tại các khu vực trọng yếu. Các kế hoạch dự trữ rau cũng được kích hoạt để đảm bảo nguồn cung thực phẩm.
Biển báo gãy đổ trong gió lớn do bão Wipha, tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Bão Wipha đã gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch tại các khu vực bị ảnh hưởng phải tạm dừng. Ngành hàng không Trung Quốc chịu thiệt hại nặng nề với hàng trăm chuyến bay bị hủy, trong khi các cảng biển và tuyến đường huyết mạch như cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau bị đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa. Ngập lụt và cây đổ cũng gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và tài sản công cộng.
Cảng vụ Thâm Quyến tạm dừng hoạt động trước khi bão Wipha đổ bộ. Ảnh: THX/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất