21/05/2025 05:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
"Nếu có 60 tỷ đồng tiền nhàn rỗi lúc này thì có thể làm bóng đá không?", ông Trần Ngọc Tâm, Chủ tịch HĐQT An Biên Group, từng đặt vấn đề với phóng viên Thể thao & Văn hóa, từ hơn 15 năm trước.
Khi ấy, ông Tâm có ý định mua lại CLB đang thi đấu ở giải hạng Nhất quốc gia là CLB TP.HCM, khi đội bóng này đang gặp khó khăn về nguồn tài trợ ở thời điểm Cảng Sài Gòn và Thép Miền Nam đồng loạt rút lui. Câu trả lời của người viết là không!
Bóng đá nội như tằm ăn rỗi. Nhận định này không mới ở kỷ nguyên lên chuyên của bóng đá Việt Nam. Thậm chí cựu Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa, ông Lê Tiến Anh, còn khẳng định luôn, đó là cuộc chiến... tiền đấu tiền!
Người ta tính rằng, một đội bóng tầm trung ở V-League thì ngân sách cũng phải dao động từ 70-100 tỷ đồng/mùa. Với các CLB nhà giàu, nó có thể lên tới vài trăm tỷ đồng. Đội ở hạng Nhất quốc gia thì bằng 1/3 con số của CLB chuyên nghiệp, tùy theo tham vọng của các đội bóng. Giải hạng Nhì, với thời hạn tập trung và thi đấu khoảng 4 tháng, cũng khoảng vài ba tỷ đồng.
Như vậy, vào thời điểm 15 năm trước, khi giải hạng Nhất vẫn còn đăng ký và sử dụng ngoại binh, thì 60 tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ông chủ An Biên Group, nhà phân phối thiết bị vệ sinh - phòng tắm TOTO Nhật Bản, chỉ đủ để chơi tối đa 2 mùa giải. Bóng đá không thể mua đứt bán đoạn mà cần tính kế thừa, liên tục. Cân-đo-đong-đếm một hồi, cuối cùng bầu Trần Ngọc Tâm đã tặc lưỡi, lắc đầu.
Lễ xuất quân của An Biên FC mùa giải 2025. Ảnh: CCKM
Thực tế, An Biên Group sau đó cũng đã từng chia sẻ phần nào kinh phí hoạt động những năm đầu với Phù Đổng FC để chơi giải hạng Nhất, nhưng giữa đường đứt gánh. Quá ngán ngẩm với bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, bầu Tâm quyết định trở lại với bóng đá phong trào sân 7 và An Biên FC xuất hiện như một thế lực mới trong hệ thống giải bóng đá 7 người VĐQG (VietFootball tổ chức) từ vài năm qua.
Nói là bóng đá phong trào, nhưng với những đội bóng giàu tham vọng như An Biên FC, Nghiêm Phạm Holdings (phía Nam) hay EOC, Đại Từ hay Du Lịch... (phía Bắc), thì ngân sách hoạt động mỗi mùa cũng ngót nghét cả chục tỷ đồng.
"Vẫn là tiền, nhưng mình cảm thấy vui và quan trọng, tạo ra được màu cờ sắc áo. Một số VĐV ngoài việc đá bóng, thì vẫn làm việc cho Tập đoàn như một chuyên viên, nhân viên bình thường. Đó là động lực chúng tôi tạo ra để họ phấn đấu", ông Tâm chia sẻ.
Mô hình hoạt động của các đội bóng sân 7 thậm chí còn chuyên nghiệp hơn cả một đội hạng Nhất, với suất đăng ký ngoại binh, nhà tài trợ áo đấu, y tế, các nhà tài trợ đồng hành, truyền thông...
Hệ thống các giải bóng đá sân 7 toàn quốc mà Cty CP Bóng đá Việt (VietFootball) gây dựng từ hơn 10 năm qua, đã và đang lớn mạnh, trở thành một thương hiệu của bóng đá ngoài chuyên nghiệp Việt Nam. Ngoài giải VPL VĐQG, còn có Cúp quốc gia và cả giải quốc tế, với các khách mời từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Tính quảng bá và kết nối là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, khi bóng đá (từ phong trào đến chuyên nghiệp) chưa thể tự nuôi sống chính cơ thể của mình, thì cũng như tằm ăn rỗi vậy. Không hiếm các đội bóng đá phải giải thể, vì không chịu nổi "nhiệt". Bao giờ cho đến bao giờ?!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất