Khi lời ru trong đời sống hiện đại dần vắng bóng, À ơi - bản thảo tập thơ ru của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm - xuất hiện như một nỗ lực dịu dàng nhưng đầy thức tỉnh để kết nối trẻ thơ với tình mẫu tử, thiên nhiên và thế giới nội tâm đầy cảm xúc.
Với sự kết hợp tinh tế giữa thơ ca, thần thoại và minh họa giàu biểu tượng, bản thảo tập thơ này đã xuất sắc lọt vào Top 10 chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025.
Để hiểu hơn về hành trình sáng tạo chan chứa yêu thương và khát vọng nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em bằng lời ru hiện đại, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Vũ Thị Thanh Tâm.
* Câu chuyện của "À ơi" được bắt đầu như thế nào, thưa chị?
- Tập thơ này ra đời từ tình yêu mà tôi và họa sĩ cùng chia sẻ dành cho trẻ thơ, động vật và thiên nhiên. Tôi là mẹ của 2 em bé. Trong suốt quá trình nuôi con, tôi vẫn thường viết những bài thơ nhỏ dành riêng cho các con. Tuy vậy, tôi chưa từng có động lực để gom chúng lại thành một tập thơ hoàn chỉnh.
Cho đến mùa Thu năm ngoái, một cơ duyên rất dễ thương đã đến từ phía họa sĩ Windy Trúc Hoàng. Cô ấy làm… "mẹ nuôi" của một chú cún. Chú cún ấy sinh một bầy con, cô đã chăm sóc cún mẹ từ khi mang bầu cho đến lúc sinh nở, rồi nuôi lớn các em bé cún. Ở mỗi chặng đường phát triển của cún mẹ và đàn con, cô đều vẽ tranh minh họa.
Sau đó, cô họa sĩ khoe với tôi những bức tranh đó. Khi nhìn vào, tôi lập tức cảm nhận được sự hòa nhịp rất tự nhiên với những bài thơ tôi từng viết cho con. Tôi đề nghị cô cho tôi được dùng toàn bộ tranh minh họa mẹ con nhà cún.
Thông thường, người ta sẽ viết xong thơ rồi mới đưa cho họa sĩ minh họa. Nhưng chúng tôi lại làm theo một quy trình ngược: từ những bức tranh có sẵn, tôi bắt đầu tìm lại những bài thơ cũ phù hợp để kết nối. Những tranh nào chưa có thơ, tôi viết mới và tổ chức lại toàn bộ thành một câu chuyện liền mạch. Từ đó, tập thơ được hoàn thiện một cách tự nhiên và đầy cảm hứng.
* Chị có chia sẻ những bài thơ đều được viết nên từ tình yêu của chị dành cho những 2 em bé con của chị. Phải chăng chính quá trình cùng con trưởng thành đã tạo ra những cảm hứng đặc biệt để các tứ thơ được nảy ra trong tập thơ này?
- Con trai đầu lòng của tôi năm nay đã 15 tuổi, con gái nhỏ 9 tuổi. Trong suốt quãng thời gian nuôi con, tôi đã viết nhiều bài thơ nhỏ.
Các con tôi cũng cùng bố mẹ chia sẻ tình yêu với động vật và thiên nhiên. Vì thế, bên cạnh tình yêu dành cho con, tập thơ này còn chất chứa cả tình yêu dành cho cây cối, cho các loài vật. Đó là những mảnh ghép cảm xúc được nuôi dưỡng trong gia đình tôi.
Năm ngoái, con trai tôi (tác giả nhí Lê Sinh Hùng) nhận được Giải Khát vọng Dế Mèn với tác phẩm Thư viện kỳ bí. Cuốn sách ấy được viết từ một kỷ niệm với bạn Lu - một chú cún từng là thành viên rất thân thiết trong gia đình. Bạn Lu nay đã mất, nhưng hậu duệ của bạn ấy vẫn còn. Và những bức tranh trong tập thơ này chính là vẽ lại cháu của bạn Lu - đàn cún con được họa sĩ chăm sóc, đồng hành và ghi lại bằng những nét vẽ.
Vì thế, với À ơi, không chỉ là tình yêu của tôi dành cho các con, mà còn là tình yêu của chính các con tôi dành cho thế giới xung quanh, dành cho động vật, cho thiên nhiên. Đó là tình yêu được truyền từ mẹ sang con, rồi từ con trở thành cảm hứng để thơ và tranh cùng nảy nở.
* Tập thơ "À ơi" gồm 26 bài thơ, trải dài như một hành trình lớn lên của em bé - từ khi còn nằm nôi đến lúc biết suy tư. Với cấu trúc liền mạch như vậy, chị đã làm cách nào để xây dựng được đường dây cảm xúc vừa mềm mại, vừa xuyên suốt?
- Những bài thơ tôi viết cho con vốn đã đi cùng với từng chặng đường lớn lên của con. Con lớn đến đâu, thơ cũng đến đó, nhưng chúng tồn tại ở dạng rời rạc, chưa liền mạch. Khi họa sĩ bắt đầu vẽ tranh theo hành trình của cún mẹ, từ lúc mang bầu, sinh con, cho đến khi các em bé cún dần khôn lớn, tôi nhận ra đó cũng là một trình tự phát triển mà mình có thể kết nối lại bằng thơ.
Tôi đã tìm trong những bài thơ cũ của mình để sắp xếp lại theo hành trình ấy. Những đoạn còn thiếu, tôi viết thêm. Nhưng khi hoàn thiện phần sắp xếp đó, tôi cảm thấy vẫn còn thiếu một tầng cảm xúc sâu hơn, một lớp chất liệu thần thoại có thể khiến tập thơ thêm phần mộng mơ và giàu liên tưởng.
Vì thế, tôi quyết định đan cài thêm một trật tự khác: Mỗi phần thơ sẽ gắn với một vị thần. Sự gặp gỡ đầu tiên giữa Thần Thơ và Thần Truyện tượng trưng cho sự gặp gỡ giữa ba và mẹ. Sau đó, có thêm Thần Vẽ - người bạn đồng hành giúp hiện hình thế giới thơ ca qua tranh minh họa. Từ cuộc hội ngộ ấy, cuốn sách này bắt đầu hình thành.
Mở đầu là hình ảnh nàng tiên mẹ, tiếp theo là Thần Ngủ, Thần Mộng, rồi đến Thần Cây Lá và cuối cùng là Thần Suy Tư. Khi tổ chức tập thơ vừa theo mạch trưởng thành của em bé, vừa lồng ghép các vị thần thân thiện và hồn nhiên, tôi tin rằng tác phẩm không chỉ là thơ, mà còn là một chuỗi câu chuyện nhiệm màu, gần gũi với thế giới trẻ thơ.
* Chị có nhắc tới nhiều vị thần xuất hiện trong tập thơ này. Vì sao chị lựa chọn tiếp cận thế giới trẻ thơ bằng yếu tố thần thoại? Phải chăng sau những nhân vật này còn ẩn chứa những tầng ý nghĩa đặc biệt?
- Trẻ con luôn có niềm yêu thích tự nhiên với những câu chuyện thần thoại. Bởi vậy, khi bắt đầu viết tập thơ này, tôi lựa chọn mở đầu bằng hình ảnh một vị thần, đó là Thần Thơ, vì cuốn sách được viết bằng thơ. Tiếp theo là Thần Truyện, bởi mỗi bài thơ trong À ơi không chỉ đơn thuần là những vần điệu thể hiện cảm xúc, mà còn mang trong mình chất tự sự, kể lại những câu chuyện nhỏ của tuổi thơ.
Vị thần thứ ba là Thần Vẽ. Với trẻ nhỏ, những cuốn sách đầu đời thường được mẹ đọc cho nghe trong khi con ngồi trong lòng và ngắm tranh. Tranh là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm đầu tiên ấy. Tôi tưởng tượng Thần Thơ và Thần Truyện đang chơi đùa cùng nhau, thì Thần Vẽ xuất hiện và xin tham gia vào cuộc chơi. Từ cuộc hội ngộ đó, cuốn sách này đã ra đời. Đây cũng chính là phần mở đầu của À ơi: cuộc gặp gỡ giữa ba vị thần - Thần Thơ, Thần Truyện và Thần Vẽ.
Phần tiếp theo là nàng tiên mẹ, nơi tái hiện quá trình lớn lên của một em bé, từ lúc chào đời, đến khi biết đặt những câu hỏi ngây ngô "Con từ đâu đến?", rồi cả những lúc con được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt và tình yêu chăm sóc của mẹ. Có cả những giây phút em bé ru lại mẹ, chứ không chỉ mẹ ru con.
Phần ba là sự xuất hiện của Thần Ngủ. Trong quá trình nuôi con, tôi nhận ra khoảnh khắc khó khăn nhất mỗi ngày, có lẽ là lúc đưa bọn trẻ lên giường ngủ. Chúng thường không thể dứt ra khỏi trò chơi hay những cuốn sách, dù đã là ban đêm. Và các em bé thường đặt vô vàn câu hỏi, không muốn đi ngủ. Khi đó, tôi bịa ra những câu chuyện về Thần Ngủ, một ông thần ham chơi, luôn rủ em bé chơi các trò vui. Và sau những cuộc chơi mệt nhoài, cả Thần Ngủ và em bé cùng chìm vào giấc ngủ.
Khi em bé ngủ, Thần Mộng sẽ đến, đưa em đi phiêu lưu khắp nơi trong giấc mơ, mang đến những ước mơ ngộ nghĩnh và dịu dàng. Rồi em tỉnh dậy, cùng mẹ dạo chơi ngoài thiên nhiên và gặp Thần Cây Lá, vị thần luôn hiện diện trong những chuyến đi, lặng lẽ gieo vào lòng em tình yêu thiên nhiên.
Từ tình yêu ấy, em bé dần lớn lên và bắt đầu biết suy tư. Khi đó, Thần Suy Tư xuất hiện, đặt ra cho em những câu hỏi đầu tiên: hạnh phúc là gì, vì sao có nỗi buồn... Em bắt đầu cảm nhận những rung động đầu đời khi chứng kiến một chiếc lá héo tàn, một con vật qua đời, hay một khu rừng bị chặt hạ. Thần Suy Tư sẽ đồng hành với em trong suốt hành trình trưởng thành đó.
Tập thơ khép lại bằng lời của mẹ. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng: mẹ sẽ đi cùng với Thần Suy Tư. Vì nếu mỗi em bé không lớn lên cùng những suy tư, trăn trở, em sẽ không có một tâm hồn sâu sắc, biết yêu thương, biết lắng lo và biết vun đắp cho cuộc đời. Mẹ sẽ luôn đồng hành cùng em trong hành trình ấy.
* Sự xuất hiện của Thần Suy Tư như chị đề cập đã giúp những em bé biết cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống xung quanh. Có lẽ chính chất suy tư này phần nào đã giúp cho những bài thơ của "À ơi" không đơn thuần là những lời ru nhẹ nhàng, trong sáng mà còn giúp đánh thức trong trẻ những cảm xúc mang chiều sâu với tình yêu thiên nhiên, lòng trắc ẩn…
- Các con tôi đều rất yêu động vật và yêu cây cối. Có lẽ chính vì mẹ con cùng chia sẻ tình yêu như thế nên tôi dần nhận ra cách để trò chuyện với trẻ thơ về những điều tưởng như khó nói ấy. Thực ra, chính các em bé lại có thể nói về thiên nhiên một cách mềm mại hơn cả người lớn. Các em có một sự đồng cảm tự nhiên với thế giới xung quanh, với cỏ cây, muông thú, với từng rung động rất nhỏ trong thiên nhiên.
Mẹ con tôi thường xuyên đi dạo trong rừng. Cô họa sĩ cũng sống ở một ngôi nhà bên bìa rừng. Khi cún mẹ của cô sinh ra đàn cún con, nơi đầu tiên cô đưa chúng đến chơi là khu rừng ấy. Vì vậy, khi tôi nhìn thấy những bức tranh cô vẽ cảnh mẹ con cún dắt nhau vào rừng, tôi đã lập tức nghĩ đến hình ảnh mẹ con tôi cũng từng tay nắm tay đi giữa những tán cây xanh. Tình yêu thiên nhiên trong tập thơ này đến một cách tự nhiên như vậy, không gượng ép, không cố tình, mà là điều xuất phát từ nhịp sống hàng ngày của chúng tôi.
* Sau những giá trị cảm xúc và tinh thần mà "À ơi "mang lại, chắc hẳn chị cũng gửi gắm trong tập thơ này những tâm tư riêng. Vậy điều chị mong mỏi khi viết nên những vẫn thơ ru này là gì?
- Cuộc sống hiện nay đã trở nên quá hiện đại, quá vội vã và quá tự động. Trẻ em lớn lên giữa những phương tiện công nghiệp, còn lời ru dần trở nên vắng bóng trong đời sống hằng ngày. Nhiều em bé tiếp xúc với công nghệ nhiều hơn là tiếp xúc với mẹ, và có khi lớn lên cùng chiếc điện thoại nhiều hơn những câu chuyện, những lời thì thầm yêu thương từ người thân.
Tôi viết tập thơ này với một mong ước rằng: Lời ru sẽ được hồi sinh trong cuộc sống hôm nay. Tôi hy vọng mọi người sẽ quan tâm hơn đến những giờ phút yên tĩnh bên con, chú ý đến những buổi tối cùng kể chuyện, cùng hát ru, cùng đọc thơ cho con nghe.
Nếu À ơi được xuất bản, tôi mong nó sẽ trở thành một chiếc cầu nối giữa mẹ và con, để mỗi tối, khi ngày khép lại, mẹ có thể mở một trang sách, đọc cho con nghe một bài thơ. Biết đâu một ngày nào đó, những bài thơ này sẽ được phổ nhạc, để mẹ có thể ru con bằng chính những giai điệu đi ra từ trang sách này.
* Còn khi độc giả nhí được nghe những vần thơ tựa như những lời ru ấm áp trong tập thơ này, các em sẽ nhận được điều gì?
- Trước tiên, các độc giả nhí có lẽ sẽ rất thích những câu chuyện về các vị thần. Bởi vì khi nhắc đến thần, người lớn thường hình dung đó là những nhân vật nghiêm trang, quyền uy. Nhưng trong À ơi, các vị thần lại rất ngộ nghĩnh, đáng yêu, đôi khi còn buồn cười và tinh nghịch. Trẻ con vốn luôn mộng mơ, nên tôi tin các em sẽ bị cuốn hút ngay từ thế giới kỳ ảo ấy.
Sau khi dõi theo các vị thần, em bé sẽ dần cảm nhận được tình yêu của mẹ, một tình yêu dịu dàng hiện diện trong từng vần thơ, từng câu chuyện nhỏ. Rồi từ tình yêu ấy, các em sẽ mở lòng với thiên nhiên, học cách lắng nghe thế giới xung quanh, và dần dần biết đến những suy tư, trăn trở rất nhẹ nhàng. Đó là những điều làm nên chiều sâu của một tâm hồn đang lớn lên.
* Tập thơ "À ơi" không chỉ ghi dấu bằng nội dung xúc động, mà phần minh họa cũng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt. Chị có thể chia sẻ thêm về dấu ấn của phần minh họa trong tập thơ này?
- Thông thường, khi nghĩ đến hình ảnh lời ru của mẹ, mọi người sẽ hình dung ra một cuốn sách tranh với hình ảnh quen thuộc: mẹ và em bé là con người chúng ta. Nhưng khi những lời ru ấy được đặt vào trong những bức tranh vẽ cún, tôi tin rằng chúng ta sẽ cảm nhận được một thông điệp sâu sắc hơn. Rằng, tình mẫu tử không phải là đặc quyền riêng của loài người, mà là một tình cảm thiêng liêng, có ở muôn loài. Và chính vì điều đó đến một cách tự nhiên, không cần minh chứng, nên tình cảm ấy càng trở nên bền vững.
* Như chị vừa chia sẻ, việc lựa chọn hình ảnh cún mẹ và cún con thay vì mẹ và em bé người là một thông điệp đầy bất ngờ và sâu sắc. Vậy theo chị, phần minh họa đóng vai trò như thế nào trong việc làm nổi bật tinh thần của tập thơ?
- Chúng ta đã quen với hình ảnh tranh mẫu tử là mẹ và em bé loài người. Nhưng lần này, tôi muốn lựa chọn những bức tranh mẫu tử giữa mẹ và con ở một loài khác. Tôi tin rằng khi nhìn vào những hình ảnh này, các em bé sẽ cảm nhận được điều gì đó mới lạ hơn một chút so với những tập thơ mà các con từng biết.
Trẻ nhỏ vốn luôn có sẵn một tình yêu tự nhiên với động vật. Những bức tranh vẽ các bạn cún trong À ơi lại vô cùng đáng yêu. Chúng ta có thể hình dung, khi một em bé chưa biết chữ ngồi trong lòng mẹ, được mẹ đọc cho nghe những vần thơ, em sẽ được đắm mình trong thế giới của những hình ảnh.
Tôi luôn nghĩ rằng: những cuốn sách tranh là bảo tàng nghệ thuật đầu đời của trẻ. Những bức tranh sẽ mang đến cho trẻ cảm giác bình yên. Em bé sẽ thấy sự kết nối với muôn loài, với những xúc cảm dịu dàng mà nghệ thuật có thể truyền tải. Và nếu các bức tranh ấy có thể được cảm nhận một cách độc lập như những tác phẩm nghệ thuật, chúng sẽ góp phần gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ một năng lực thẩm mỹ. Đó thứ rất cần thiết để nuôi dưỡng cảm xúc và trí tưởng tượng sau này.
* Nói rộng ra, ngay trong lời mở đầu của "À ơi", chị từng chia sẻ rằng trong đời sống hiện đại, lời ru đang dần vắng bóng. Theo chị, từ ký ức của những tâm hồn Việt Nam xưa đến hiện tại, lời ru có vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ, đặc biệt là đời sống tinh thần và cảm xúc?
- Khi chúng ta nghĩ đến lời ru, điều đầu tiên hiện lên là cảm giác gắn kết. Nhưng ngày nay, hình ảnh phổ biến trong nhiều gia đình là mẹ cầm một chiếc điện thoại, con cũng cầm một chiếc điện thoại, và cả 2 quay lưng về phía nhau. Mỗi người chìm trong một thế giới riêng. Có những em bé còn rất nhỏ đã được "trông" bằng điện thoại, chứ không phải bằng vòng tay của mẹ.
Khi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi cảm thấy tiếc. Vì thế hệ của chúng tôi ngày xưa, gần như đứa trẻ nào cũng lớn lên cùng với lời ru. Qua lời ru, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của mẹ. Lời ru khi ấy không chỉ là âm thanh vỗ về, mà là một điều gì đó rất thiêng liêng, gắn với truyền thống văn hóa của người Việt Nam.
Đối với nhiều thế hệ, chỉ cần tiếng "à ơi" cất lên là ta đã thấy một mối kết nối vô hình với mẹ, với bà, với tổ tiên - một thứ di sản mềm đã ăn sâu vào ký ức.
Tôi hiểu rằng cuộc sống hiện đại là điều không thể tránh. Việc nhiều mẹ lựa chọn ru con bằng điện thoại, bằng hình ảnh chuyển động trên màn hình, có lẽ khó để thay đổi được ngay. Nhưng tôi vẫn hy vọng mình có thể đồng hành cùng những người mẹ còn thiết tha với lời ru qua tập thơ của mình.
Cũng phải nói thêm, nếu những lời ru chỉ quanh đi quẩn lại với những hình ảnh cũ như cánh cò, bờ tre… mà không còn phù hợp với trải nghiệm hiện tại của trẻ, thì lời ru cũng cần được làm mới. Biết đâu bây giờ không còn ru bằng cò nữa, mà ru bằng… cún thì sao? (cười). Tôi muốn làm mới lời ru, để nó gần gũi hơn với đời sống hôm nay. Khi lời ru gần gũi hơn, nó sẽ dễ dàng đi vào tâm hồn trẻ hơn. Và từ đó, người mẹ cũng sẽ dễ dàng kết nối lại với con mình qua những hình ảnh thân thuộc xung quanh.
* Từ những thực tế đáng tiếc như chị nêu, việc sáng tác một tập thơ ru như "À ơi" phải chăng cũng là kỳ vọng của chị trong việc đưa lời ru trở lại, gần gũi hơn với đời sống trẻ thơ hôm nay? Khi được xuất bản, chị có nghĩ tập thơ sẽ tạo nên hiệu ứng tốt để lời ru thực sự được quan tâm trở lại?
- Tôi cũng hy vọng! Bên cạnh thực tế có những người mẹ ru con bằng điện thoại, tôi vẫn thấy những tín hiệu rất tích cực. Tôi có một nhà sách nhỏ, và may mắn thay, phần lớn những người mẹ đến đó đều rất quan tâm đến đời sống tâm hồn của con mình. Họ chọn sách cùng con, cùng đọc và cùng đắm chìm trong thế giới của những trang sách. Khi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi cảm thấy một niềm hy vọng rất mạnh mẽ, rằng những em bé như thế đang lớn lên trong hạnh phúc và kết nối thật sự.
Dù biết rằng nhịp sống ngoài kia vẫn đang cuốn con người theo guồng quay vội vã, tôi vẫn chọn quay về với thế giới nhỏ bé của những em bé quanh mình, những gia đình, những người quen biết, những người mẹ yêu sách và yêu con.
Và tôi nghĩ, biết đâu nhờ có cuốn sách này, "vòng tròn quen biết" ấy sẽ được mở rộng thêm, đến với những người mẹ khác cũng có tâm hồn giống như tôi, cũng mong muốn nuôi con bằng yêu thương và lời thì thầm dịu dàng từ lòng mẹ.
* Để "À ơi" thực sự trở thành một nhịp nối giữa mẹ và con trong thời hiện đại, chắc hẳn cần nhiều yếu tố đồng hành. Theo chị, làm thế nào để các bố mẹ ngày nay quan tâm hơn đến những lời ru dành cho trẻ?
- Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là chính những người bố, người mẹ phải được tiếp nối. Sự tiếp nối này mang ý nghĩa rất lớn. Thế hệ của chúng tôi, phần nào đó, vẫn còn được nghe ru. Nhưng với thế hệ 9X, 2000 trở đi, chưa chắc các bố mẹ đã từng được nghe ru từ khi còn bé. Vậy thì lấy đâu ra chất liệu để họ có thể ru con?
Tôi tin rằng, khi sợi dây kết nối ấy có dấu hiệu bị đứt mạch, chúng ta cần những người đồng hành để khơi lại. Trong đó, vai trò của các nhạc sĩ là rất quan trọng. Họ có thể góp phần nối lại dòng mạch lời ru bằng âm nhạc, bằng giai điệu và cảm xúc chạm vào trái tim.
Những người viết thơ như tôi, thực ra chỉ là một phần rất nhỏ. Tôi nghĩ vai trò của các nhạc sĩ sẽ lớn hơn nhiều, nếu chúng ta thực sự muốn lời ru được sống lại và ngân lên trong đời sống của trẻ hôm nay.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Động lực lớn từ Dế Mèn
Tác giả Vũ Thị Thanh Tâm là một gương mặt quen thuộc tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Chị là người sáng lập dự án Ô cửa sách, một sáng kiến nhằm thúc đẩy văn hóa đọc và phát triển năng lực sáng tác cho trẻ em. Dự án này đã phát triển với nhiều dấu mốc quan trọng cho tới nay, như việc thành lập công ty xuất bản sách cho thiếu nhi và mở hiệu sách để thúc đẩy văn hóa đọc.
Trong nhiều năm liền, chị cùng các bạn nhỏ từ dự án đã bền bỉ gửi tác phẩm tham dự Giải thưởng Dế Mèn. Năm 2022, bộ sách COVID trong mắt trẻ thơ do chị và các bạn nhỏ của Ô cửa sách thực hiện đã lọt vào Top 8 của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Đặc biệt, năm 2024, con trai của chị, tác giả nhí Lê Sinh Hùng, đã đoạt giải Khát vọng Dế Mèn với tác phẩm Thư viện kỳ bí.
Tác giả Vũ Thị Thanh Tâm (phải) cùng tác giả nhí Lê Sinh Hùng nhận Giải Khát vọng Dế Mèn năm 2024
Năm nay, khi hay tin lọt vào chung khảo Top 10 của mùa giải Dế Mèn 2025, chị bày tỏ: "Thật lòng, tôi hơi tiếc nuối. Tôi đã mong người được gọi tên sẽ là một bạn nhỏ của Ô cửa sách. Nhưng khi nhìn thấy tên mình, tôi nghĩ đây sẽ là một động lực lớn cho các con"
"Ô cửa sách vừa thành lập công ty sách, còn rất non trẻ, nên chúng tôi cần nhiều niềm tin để đi tiếp. Giải thưởng lần này là một dấu mốc quan trọng để chúng tôi vững tin và kiên định hơn với con đường đã chọn" - chị nói tiếp - "Đặc biệt, khi thấy sự ghi nhận này, các bạn nhỏ sẽ thêm tin tưởng rằng mình đang được dẫn dắt bởi một người đủ kinh nghiệm và đủ tận tâm để đồng hành trên hành trình sáng tạo".
Tác giả này cũng nhấn mạnh rằng, Giải thưởng Dế Mèn là một giải thưởng được tổ chức rất chỉn chu, chuyên nghiệp. "Là người gửi bài dự thi, chúng tôi cảm thấy mình được trân trọng và nâng niu. Những giải thưởng có sức lan tỏa như thế sẽ là động lực lớn cho người viết, người vẽ, người làm nhạc - những nghệ sĩ đang miệt mài sáng tạo cho thiếu nhi. Hay nói cách khác, những giải thưởng như Dế Mèn khiến chúng tôi biết rằng: trên hành trình sáng tạo cho thiếu nhi, chúng tôi không bao giờ thấy đơn độc" - chị bày tỏ.
Công Bắc
Thái Gia Khánh
NVCC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất